ỦY BAN XÃ HỘI HỌP PHIÊN TOÀN THỂ LẦN THỨ 8

22/12/2022

Sáng 22/12, tại Tp.Hồ Chí Minh, Ủy ban Xã hội tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 8, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh. Cùng dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan.

ỦY BAN XÃ HỘI TỔ CHỨC HỘI NGHỊ THAM VẤN Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH (SỬA ĐỔI)

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, thực hiện nhiệm vụ Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công, để chuẩn bị cho Kỳ họp bất thường lần thứ Hai tới đây, Ủy ban Xã hội tổ chức họp Phiên toàn thể để cho ý kiến về dự thảo Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và thẩm tra Báo cáo, Tờ trình của Chính phủ về một số nội dung liên quan đến Nghị quyết 30/2021/QH15 và đăng ký lưu hành thuốc. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị các thành viên Ủy ban tiếp tục phát huy trí tuệ, tập trung thảo luận, đóng góp với tinh thần trách nhiệm cao để có bảo đảm chất lượng tốt nhất các nội dung trình Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh phát biểu

Cho ý kiến về dự thảo Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), các thành viên Ủy ban đề nghị quy định cụ thể hơn về mô hình, tổ chức, địa vị pháp lý của Hội đồng Y khoa quốc gia. Có ý kiến cho rằng, Hội đồng Y khoa quốc gia nên do Bộ Y tế thành lập; ý kiến khác đề nghị Chính phủ bổ nhiệm người đứng đầu Hội đồng Y khoa quốc gia; có ý kiến đề nghị cung cấp kinh nghiệm quốc tế về Hội đồng này. Một số ý kiến cũng đề nghị làm rõ nguyên tắc vận hành hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo 3 cấp chuyên môn kỹ thuật; làm rõ mối quan hệ và sự kết nối giữa các cấp, hạng bệnh viện, quan hệ giữa công và tư; liệu trong một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thể có cả 3 cấp hay từng cấp riêng biệt; đề nghị cân nhắc việc điều chỉnh cấp chuyên môn kỹ thuật để đảm bảo sự ổn định của hệ thống y tế như hiện nay và nên giao Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về phân tuyến chuyên môn kỹ thuật.

Về Báo cáo thẩm tra sơ bộ Báo cáo của Chính phủ đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị đánh giá sâu và rộng hơn một số nội dung để thấy rõ tác động của Nghị quyết 30 trong hoạt động phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe Nhân dân cũng như việc ổn định kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trong đại dịch và là tiền đề để phục hồi kinh tế - xã hội hậu đại dịch.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu giải trình, làm rõ các vấn đề kiến nghị 

Về Tờ trình của Chính phủ về một số nội dung liên quan đến Nghị quyết 30/2021/QH15 và đăng ký lưu hành thuốc, Bộ Y tế cho biết, các chính sách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại Nghị quyết số 30 đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả và đầy đủ, dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát. Tuy nhiên, Mục 3 Nghị quyết 30 chỉ có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2022 trong khi một số chính sách đã triển khai nhưng cần thêm thời gian để thực hiện hết cho các đối tượng và giải quyết các vướng mắc, tồn đọng đối với các hoạt động đã thực hiện nhưng chưa được chi trả, quyết toán. Do đó, Chính phủ đề xuất Quốc hội việc chuyển tiếp thực hiện đối với 2 chính sách để bảo đảm quyền, lợi ích của người dân. Việc chuyển tiếp này là cần thiết và phù hợp theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là khi chấm dứt hiệu lực thi hành hoặc khi sửa đổi, bổ sung văn bản mà trong trường hợp cần thiết thì có điều khoản chuyển tiếp để giải quyết các tình huống phát sinh trong thực tiễn.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí phát biểu tại phiên họp

Các thành viên Ủy ban Xã hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát để bảo đảm thống nhất của các quy định trong các luật hiện hành và các văn bản quy phạm pháp luật trong cùng lĩnh vực và các lĩnh vực có liên quan; bổ sung các số liệu cụ thể, chính xác, có sức thuyết phục; bổ sung báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra… để bảo đảm chất lượng tốt nhất trình Kỳ họp bất thường lần thứ Hai của Quốc hội.

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)