ỦY BAN XÃ HỘI TỔ CHỨC HỘI NGHỊ THAM VẤN Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH (SỬA ĐỔI)

06/12/2022

Chiều 06/12, tại Phú Thọ, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh, Ủy ban Xã hội phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ tổ chức Hội nghị tham vấn ý kiến về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

CHỦ NHIỆM ỦY BAN XÃ HỘI NGUYỄN THÚY ANH KHẢO SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ TÀI CHÍNH, NHÂN LỰC Y TẾ TẠI PHÚ THỌ

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ Ba và Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự án Luật này tại Kỳ họp thứ Tư. Tuy nhiên, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật, còn nhiều vấn đề có ý kiến khác nhau cần được tiếp tục hoàn thiện. Tại Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội quyết định chưa thông qua để có thêm thời gian hoàn thiện dự án Luật một cách kỹ lưỡng và toàn diện hơn. Dự kiến, dự án Luật sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ Hai vào tháng 01/2023.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại hội nghị

Đây là dự thảo Luật tương đối khó, phức tạp, có nhiều vấn đề lớn, quan trọng, có chuyên môn sâu của ngành y tế, nhưng lại có liên quan đến các ngành khác nhau. Đặc biệt, những nội dung thay đổi trong dự án Luật sẽ có tác động trực tiếp đến hàng trăm nghìn cán bộ y tế, trên chục nghìn cơ sở khám chữa bệnh và đến hàng triệu người dân khi khám chữa bệnh. Nhấn mạnh điều này, Chủ nhiệm UB Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, ngay sau Kỳ họp thứ Tư, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Xã hội đã phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu và đang trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Đến nay, dự thảo Luật đã cơ bản được tiếp thu, chỉnh lý. Tuy nhiên, vẫn còn ý kiến khác nhau về một số quy định liên quan đến người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (Chương III), quyền và trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (mục 3 Chương IV); về đánh giá và chứng nhận chất lượng đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (Mục 2 Chương IV); các quy định về chuyên môn kỹ thuật tại Chương V như về khám bệnh, chữa bệnh các quy định liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh từ xa, khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình...; điều kiện bảo đảm, đặc biệt là về tài chính của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh như xã hội hóa công tác khám bệnh, chữa bệnh; giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, tự chủ (Chương X) cũng là những vấn đề phức tạp cần tập trung thảo luận để bảo đảm tính khả thi.

Các đại biểu dự Hội nghị nhất trí cho rằng, việc sửa đổi dự án Luật là hết sức cần thiết nhằm tạo hành lang pháp lý nâng cao điều kiện, chất lượng khám, chữa bệnh, bảo đảm sức khỏe cho Nhân dân. Có ý kiến cho rằng, cần xem xét lại quy định về thời hạn giấy phép hành nghề 5 năm tại Điều 21, dự thảo Luật, vì quy định 5 năm là không cần thiết, gây khó khăn cho cả người hành nghề và cơ quan quản lý, đặc biệt là một số trường hợp, như điều dưỡng, kỹ thuật viên, lương y, người có bài thuốc gia truyền... Còn nếu vì lý do cần phải cập nhật kiến thức liên tục, thì đã có phần quy định về đào tạo liên tục, do đó đề nghị giữ nguyên như hiện tại là không có thời hạn, hoặc nếu bắt buộc phải có thời hạn thì nên để 10 năm.

Quang cảnh hội nghị

Đối với đánh giá năng lực người hành nghề quy định tại Điều 23, dự thảo Luật, các đại biểu cho rằng, việc Hội đồng Y khoa quốc gia tổ chức đánh giá năng lực hành nghề là không cần thiết và không phù hợp, gây khó khăn cho người hành nghề, vì tất cả cán bộ y tế từ khi thi tuyển đầu vào chất lượng đã rất cao, nhất là bác sĩ, trong quá trình 6 năm học, thi đã được đánh giá rất bài bản khoa học, nghiêm túc. Sau đó, lại phải tiếp tục thực hành nghề gần 2 năm để được cơ sở thực hành cấp chứng nhận. Cùng với đó, việc Hội đồng y khoa chỉ có một ít thành viên làm việc kiêm nhiệm thì liệu có đảm đương được nhiệm vụ không, trong khi hàng năm có rất nhiều cán bộ y tế phải đánh giá. Nếu bắt buộc thi thì nên ủy quyền cho các Sở Y tế đánh giá.

Đối với Quyền từ chối khám bệnh, chữa bệnh (Điều 39), các đại biểu đề nghị chỉnh sửa khoản 3, khoản 4 thành “Người bệnh, thân nhân của người bệnh có hành vi đe dọa, xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng và hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người hành nghề đang thực hiện nhiệm vụ”, bởi đa phần các bệnh nhân cấp cứu trong tình trạng nặng thì người thân hay gây áp lực đối với cán bộ y tế, chứ không phải người bệnh.

* Sáng cùng ngày, Đoàn khảo sát của Ủy ban Xã hội đã có cuộc làm việc với Bệnh viện Đa khoa và Bệnh viện sản nhi tỉnh Phú Thọ.

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)