LẤY Ý KIẾN GÓP Ý DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT CÔNG ĐOÀN

23/09/2020

Thực hiện chương trình công tác năm 2020, chiều ngày 23/9, tại Trụ sở các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn tại Hà Nội. Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Bùi Sỹ Lợi chủ trì hội thảo.

Toàn cảnh hội thảo

Tham dự hội thảo còn có đại diện Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Công an, VCCI; đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp; các chuyên gia, nhà nghiên cứu có quan tâm đến lĩnh vực này.

Trình Dự án Luật tại Phiên họp thứ 48 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện cơ quan soạn thảo cho biết, Luật Công đoàn 2012 được Quốc hội khoá XIII thông qua ngày 20/6/2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013; là cơ sở pháp lý quan trọng về tổ chức và hoạt động cho tổ chức Công đoàn thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, sau hơn 7 năm thực hiện đã xuất hiện các yêu cầu đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi bổ sung Luật Công đoàn với lý do: xuất phát từ yêu cầu phải khắc phục một số hạn chế, bất cập của Luật Công đoàn, đáp ứng yêu cầu hoạt động của tổ chức Công đoàn trong thời kỳ mới; Yêu cầu từ việc thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, các chủ trương, nghị quyết của Đảng và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, nhất là Bộ luật Lao động vừa được Quốc hội thông qua; Yêu cầu từ hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, Dự thảo Luật tiếp tục khẳng định Luật Công đoàn là luật điều chỉnh về tổ chức và hoạt động cho tổ chức Công đoàn Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh pháp luật Việt Nam đã cho phép việc thành lập “tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp” nằm ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam, vì vậy một số nội dung liên quan đến mối quan hệ giữa tổ chức này với Công đoàn Việt Nam cũng được xem xét quy định trong dự thảo Luật.

Dự thảo Luật dự kiến sửa đổi, bổ sung nội dung 14 điều, sửa kỹ thuật 5 điều trên tổng số 33 điều của Luật Công đoàn, tập trung vào 3 nhóm vấn đề sau: Hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy và cơ chế quản lý cán bộ công đoàn; Hoàn thiện cơ chế tài chính công đoàn trong bối cảnh mới; Hoàn thiện các quy định của pháp luật công đoàn để phù hợp với Hiến pháp và hệ thống pháp luật.

Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Bùi Sỹ Lợi cho ý kiến

Tại hội thảo lấy ý kiến góp ý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn, một số đại biểu đánh giá cao vai trò của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam trong thời gian vừa qua đã tích cực tham gia với Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan liên quan xây dựng và triển khai theo chức năng các chính sách pháp luật liên quan đến lao động, việc làm, an sinh xã hội…. Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, quận, huyện tích cực trong việc triển khai các chính sách, pháp luật và giải quyết vướng mắc trong quá trình thực hiện. Ở nhiều doanh nghiệp công đoàn cơ sở thực sự đóng vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của người lao động được người lao động tin tưởng.

Một số ý kiến chỉ ra rằng, về địa vị pháp lý của Công đoàn Việt Nam, hiện nay địa vị pháp lý của Công đoàn Việt nam đã được khẳng định rõ ràng trong hàng loạt văn bản: Các Nghị quyết của Trung ương Đảng, đặc biệt Nghị quyết số 20-NQ/TW, khóa XII; Hiến pháp năm 2013 (điều 10); Bộ Luật lao động năm 2013 và Bộ Luật lao động năm 2019; Luật Công đoàn 2012; Điều lệ hoạt động của Công đoàn Việt Nam; Lịch sử 91 năm  thành lập, hoạt động, phát triển của Công đoàn Việt Nam cũng như sự thừa nhận vai trò đai diện của tổ chức công đoàn của hàng triệu đoàn viên và đông đảo người lao động. Vấn đề đặt ra hiện nay dự thảo Luật công đoàn sửa đổi, bổ sung lần này đã quán triệt, thể chế đầy đủ quy định bổ sung, phát triển về địa vị pháp lý, chức năng của Công đoàn Việt Nam quy định tại Hiến pháp năm 2013 chưa? Một số ý kiến cho rằng cần cụ thể hóa rõ hơn nội hàm “người lao động” cũng như nhiệm vụ, quyền hạn của Công đoàn và việc phối hợp cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội trong giai đoạn hội nhập.

Các đại biểu thảo luận tại hội thảo

Về hoàn thiện cơ chế tài chính công đoàn trong hoàn cảnh mới, một số ý kiến thống nhất với quan điểm về việc tiếp tục duy trì nguồn thu kinh phí công đoàn 2% và cho rằng điều này phù hợp với thực tiễn pháp luật của nước ta từ Luật Công đoàn 1957 đến nay và thể chế chính trị của Việt Nam. Hiện nay, ngoài Việt Nam còn có một số quốc gia cũng quy định nguồn thu 2% kinh phí công đoàn. Đây là nguồn kinh phí giữ vai trò quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong đảm bảo nguồn tài chính để Công đoàn Việt Nam nhất là công đoàn cơ sở hoạt động, thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình, chăm lo phúc lợi xã hội cho người lao động, đặc biệt là chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.

Kết luận một số nội dung hội thảo, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Bùi Sỹ Lợi trân trọng cảm ơn những ý kiến góp ý xác đáng, sâu sắc của các đại biểu tham dự. Phó Chủ nhiệm nêu rõ, những ý kiến góp ý sẽ cung cấp thêm thông tin để Ủy ban có cơ sở hoàn thiện hồ sơ thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 tới đây./.

Hồ Hương- Minh Thành

Các bài viết khác