Toàn cảnh buổi làm việc
Tham dự còn có: đại diện Thường trực Hội đồng dân tộc và một số Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch; Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và đào tạo; đại diện một số bộ, ngành có liên quan.
Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu rõ, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành địa phương xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành hoăc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm và văn bản điều hành. Tính đến thời điểm hiện tại, về cơ bản những văn bản này có tính khả thi và đã phát huy hiệu quả trong triển khai nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện một số văn bản còn vướng mắc do những quy định ràng buộc của văn bản liên quan dẫn đến khó khăn nhất định trong quá trình xây dựng, ban hành và triển khai.
Cùng tham gia báo cáo tại buổi làm việc, đại diện một số bộ, ngành có liên quan chỉ ra rằng, các bộ đã phối hợp tích cực với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để triển khai các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch về phòng, chống bạo lực gia đình đã được ban hành. Các báo báo cho thấy trong giai đoạn vừa qua, bộ, ngành và địa phương đã làm khá tốt công tác phổ biến pháp luật, tư vấn, hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân; có tác động mạnh mẽ đến nhận thức, thái độ, hành động về vấn đề phòng chống bạo lực gia đình. Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền về lĩnh vực bạo lực gia đình luôn luôn được các cơ quan báo chí quan tâm, chú trọng và duy trì thường xuyên trên tất cả các loại hình với lưu lượn, dung lượng khá lớn; phương thức truyền tải và cách thức thể hiện sinh động, phù hợp với từng loại hình.
Các bộ, ngành tham dự buổi làm việc
Thảo luận tại buổi làm việc, các đại biểu tham dự cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình giai đoạn 2008-2017 vẫn còn những hạn chế nhất định. Cụ thể: việc thực hiện quyền và trách nhiệm theo quy định của pháp luật về phognf chống bạo lực gia đình chưa đồng đều ở các địa phương; mức độ quan tâm chỉ đạo và đầu tư bảo đảm thực hiện các quy định pháp luật chứ thường xuyên, liên tục.
Bên cạnh đó, một số đại biểu nhận định, do quan hệ phụ thuộc về kinh tế, tình cảm cho nên việc phát hiện, tố giác các hành vi về bạo lực gia đình thường gặp nhiều khó khăn. Công tác thống kê, báo cáo số vụ về bạo lực gia đình tại các địa phương thực hiện còn chưa thực sự chính xác, kịp thời; tình trạng bạo lực gia đình và số vụ bạo lực gia đình trên cả nước nói chung và các địa phương nói riêng còn rất khó kiểm soát; một số địa phương công tác phát hiện, xử lý các vụ việc còn chậm, chưa giải quyết dứt điểm.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Bùi Sĩ Lợi phát biểu
Trên cơ sở đánh giá được những tồn tại trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình giai đoạn vừa qua, các đại biểu tham dự đề nghị các bộ, ngành, các cấp, các ngành làm tốt hơn nữa công tác phòng chống bạo lực gia đình và trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bạo lực gia đình; tăng cường và đổi mới hoạt động truyền thông để nâng cao nhận thức và pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; xóa bỏ các thông điệp và hình ảnh mang định kiến giới trong các sản phẩm thông tin và truyền thông.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Bùi Sĩ Lợi đề nghị các bộ, ngành hoàn thiện báo cáo theo hướng thu thập số liệu của các cơ quan Tư pháp về các vụ án bạo lực gia đình làm căn cứ để xem xét, đưa ra các kiến nghị xác đáng; đánh giá, nghiên cứu những điểm hạn chế, tồn tại của Luật Phòng chống bạo lực gia đình để làm căn cứ sửa đổi Luật; xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý tình trạng bạo lực gia đình; đánh giá cho rõ nét sự thay đổi nhận thức của các cấp chính quyền về vấn đề bạo lực gia đình; đánh giá về nguồn lực thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình.