TIẾP TỤC HOÀN THIỆN VÀ THỰC HIỆN HIỆU QUẢ CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC TRẺ EM

22/02/2022

“Tăng cường thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực Trẻ em” là nội dung Phiên giải trình do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì phối hợp với Ủy ban Tư pháp và Uỷ ban Xã hội tổ chức tại Nhà Quốc hội vào sáng 22/2. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng chủ nhiệm các Uỷ ban đồng chủ trì Phiên giải trình.

 

Toàn cảnh Phiên giải về nội dung "Tăng cường thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em"

Phiên giải trình được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Tham dự phiên giải trình có, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, một số Ủy ban của Quốc hội, các vị Đại biểu Quốc hội kết nối từ nhiều điểm cầu; Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công An, Bộ Thông tin và Truyền thông,...; Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Bí thư trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, ....

Tại phiên giải trình, các đại biểu đề nghị Bộ trưởng  Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội làm rõ tính đầy đủ, toàn diện của hệ thống pháp luật hiện hành về phòng chống bạo lực trẻ em; trách nhiệm của Bộ và các đơn vị, lực lượng chức năng có liên quan trong xử lý các vụ việc bạo lực trẻ em trong thời gian gần đây; Nguyên nhân xảy ra các vụ bạo lực trẻ em nghiêm trọng; Hiệu quả của cơ chế phối hợp liên ngành trong phòng chống bạo lực trẻ em; Nhân lực tại cơ sở thực hiện công tác trẻ em;…

Làm rõ nguyên nhân của các vụ bạo hành trẻ em nghiêm trọng

Nêu vấn đề, thời gian vừa qua có rất nhiều vụ việc nghiêm trọng về bạo hành trẻ em xảy ra, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, đây không chỉ là vụ việc mang tính đơn lẻ mà trở thành 1 vấn đề xã hội được dư luận hết sức quan tâm.

Nhấn mạnh, để xảy ra tình trạng này có rất nhiều nguyên nhân, trong đó một trong những nguyên nhân được các chuyên gia nêu là thiếu 1 số quy định về vấn đề phòng chống bạo lực trẻ em, thiếu quy định về quy trình phối hợp liên ngành trong thu thập thông tin và xử lý các vụ việc liên quan đến bạo lực đối với trẻ em.,…  đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa đề nghị, bộ trưởng Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội đánh giá tính đầy đủ, toàn diện, đồng bộ của hệ thống pháp luật hiện hành về phòng chống bạo lực trẻ em cũng như những đề xuất/ giải pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, tình hình xâm hại trẻ em năm 2021 mặc dù giảm 1,6% số vụ xâm hại nhưng diễn biến phức tạp; công tác bảo vệ trẻ em, đặc biệt là việc phòng, chống bạo lực trẻ em trong gia đình chưa được quan tâm đúng mức, để xảy ra một số vụ việc đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong xã hội.

Về pháp luật liên quan đến phòng, chống bạo lực trẻ em, Bộ trưởng nhấn mạnh, hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em tương đối đầy đủ, toàn diện. Các tổ chức quốc tế về lĩnh vực này đều  đánh giá cao việc kịp thời ban hành pháp luật liên quan đến bảo vệ trẻ em của Việ Nam. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật đã và đang đi vào cuộc sống. Sau giám sát tối cao của Quốc hội, sự phối hợp giữa các cơ quan trong bảo vệ trẻ em đã tốt hơn, nhịp nhàng hơn. Gần đây, việc xử lý các vụ việc liên quan đến xâm hại, bạo lực trẻ em cũng đã nhanh chóng và kiên quyết hơn.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết, các biện pháp áp dụng can thiệp trợ giúp thời gian vừa qua cơ bản là kịp thời. Tuy nhiên, một số quy định liên quan đến trẻ em chưa được hướng dẫn, triển khai kịp thời; không ít địa phương, cấp ủy chính quyền chưa quan tâm đầy đủ đến vấn đề này.

Phân tích nguyên nhân, Bộ trưởng nêu rõ, hiện nay đạo đức xã hội xuống cấp ở 1 nhóm bộ phận xã hội; Xung đột gia đình và việc ứng xử của người lớn hậu ly hôn; Đại dịch COVID-19 đã tác động sâu sắc đến tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội trên thế giới, trong đó có vấn đề thực hiện quyền trẻ em;… là một trong số nhiều nguyên nhân cơ bản dẫn đến các vụ bạo lực đối với trẻ em. “Tất cả các vụ việc vừa qua đều bắt nguồn từ xung đột gia đình, mà người lớn không tìm cách xử lý được dẫn đến hành động bất bình thường,…”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý.

Để hoàn thiện quy định pháp luật về lĩnh vực này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian tới, cần quan tâm, báo cáo đầy đủ quy định pháp luật nào đang thiếu, cần phải bổ sung, hoàn thiện. Đồng thời, đối với  Luật phòng, chống bạo lực gia đình cần phải xác định phòng chống bạo lực trẻ em là 1 chủ thể thực sự, là một đối tượng bị tác động cùng với nữ giới.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng cũng cần cần tập trung, tăng cường hơn nữa cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; tiếp tục phối hợp với các cơ quan tư pháp xử lý nhanh, kịp thời tất cả các vụ việc bạo lực trẻ em xảy ra. Trong đó, lưu ý kịp thời phát hiện vụ việc nhanh nhất, kịp thời xử lý nhanh nhất, kịp thời xử lý nghiêm minh, kịp thời hỗ trợ tốt nhất đối với trẻ bị bạo hành, …

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội Đào Ngọc Dung

Quan tâm đến tính chất, mức độ nghiêm trọng của các vụ việc bạo lực đối với trẻ em cũng như trách nhiệm, công tác phối hợp giữa Bộ Lao động, thương binh và Xã hội với các cơ quan có liên quan, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị Bộ trưởng cần chỉ rõ nguyên nhân, giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Về vấn này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, bạo lực gia đình tăng lên nhanh chóng, trong đó đối tượng chịu tác động nặng nề chính là trẻ em và phụ nữ. Khẳng định nguyên nhân sâu xa của các vụ việc đau lòng thời gian vừa qua bắt nguồn từ xung đột trong quan hệ hôn nhân, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, người trong cuộc đã không có kỹ năng giải quyết những trục trặc/mẫu thuẫn trong hôn nhân đồng thời không biết điều chỉnh trạng thái tâm lý, không làm chủ được hành vi rất đến những hành động rất tàn bạo, đau lòng đối với trẻ,….

Ngoài ra, theo Bộ trưởng còn 1 nguyên nhân phải kể đến là môi trường xã hội chưa thực sự an toàn. Trong xã hội còn đang xem nhẹ hành vi bạo lực gia đình và thái độ thờ ơ “đèn nhà ai, nhà nấy rạng”…  là lỗ hổng, thúc đẩy gia tăng bạo lực trẻ em.

Đối với công tác phối hợp, theo tinh thần Nghị quyết 121, Chỉ thị số 23, thời gian  gần đây Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã tích cực hơn, chủ trì chủ động hơn và các cơ quan đã có sưn phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ hơn đặc biệt là các đia phương, các cơ sở xã phường, sự phối hợp giữa 5 cơ quan được giao thực hiện vấn đề này đã có Chương trình hoạt động cụ thể hơn. Bộ trưởng cũng cho biết, tới đây, Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ có chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể đảm bảo công tác phối hợp được thực hiện hiệu quả, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Đại biểu Dương Minh Ánh, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội đặt câu hỏi tại Phiên giải trình 

Cũng tại Phiên giải trình, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đã chỉ rõ, các văn bản điều chỉnh về lĩnh vực bạo lực trẻ em còn hạn chế, chưa bao quát hết các nội dung, đối tượng cần điều chỉnh trong lĩnh vực này; công tác thông tin, truyền thông ở cơ sở chưa thường xuyên, nhiều trẻ em và các bậc cha mẹ chưa biết về các địa chỉ tiếp nhận thông tin trong trường hợp trẻ em bị xâm hại, bạo lực. Bên cạnh đó, một số cấp ủy, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng chưa nhận thức đầy đủ, chưa thực sự quan tâm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung, phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng. Công tác phối hợp giữa chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức và gia đình về phòng, chống bạo lực trẻ em trong nhiều trường hợp chưa thực chất và hiệu quả. Nhân lực làm công tác trẻ em còn thiếu về số lượng, kiêm nhiệm nhiều việc, ... cũng là những nguyên nhân quan trọng dẫn tới bạo lực gia đình, bạo lực trẻ em, trong đó có nhiều vụ việc rất nghiêm trọng trong thời gian vừa qua, gây ra nhiều bức xúc trong dư luận xã hội.

Về giải pháp, các đại biểu đề xuất  tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em cùng với việc xây dựng, phổ biến các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Đồng thời, ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội, phòng ngừa các nguy cơ về bạo lực trẻ em trong gia đình, nhà trường và xã hội hướng đến mục tiêu vì sự phát triển toàn diện của trẻ em Việt Nam.

Nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội nêu lên tại Phiên giải trình đã được Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và lãnh đạo các bộ, ngành liên quan như: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;…  giải trình đầy đủ.

Hoàn thiện và tăng cường thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em

Kết luận Phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, với tinh thần làm việc khẩn trương, tập trung và trách nhiệm, phiên giải trình “Tăng cường thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và đạt được một số kết quả nhất định.

Phiên giải trình đã thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri. Để chuẩn bị cho phiên giải trình này, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã tổ chức nắm bắt tình hình thức tiễn, làm việc với một số cơ quan của Quốc hội, tọa đàm với các tổ chức hữu quan và các chuyên gia trong lĩnh vực trẻ em để xin ý kiến về những nội dung trọng tâm; tổng hợp các kiến nghị, đề xuất của các cơ quan và của đại biểu Quốc hội để chuẩn bị nội dung, chương trình của phiên giải trình.

Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, tại phiên giải trình, có 11 lượt đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn, nhiều ý kiến tham gia trao đổi thảo luận cởi mở, thẳng thắn; Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã trực tiếp giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội, Lãnh đạo các cơ quan Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông.. đã trao đổi, báo cáo về nhiều vấn đề theo thẩm quyền và trách nhiệm. Phiên giải trình diễn ra với không khí sôi nổi, thẳng thắn; các ý kiến chất vấn sâu sắc và tâm huyết; các báo cáo giải trình cụ thể, trọng tâm, thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

Về vấn đề tiếp tục tăng cường thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em, ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, sau khi Quốc hội ban hành Luật Trẻ em và sau chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội năm 2020, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 121 thì công tác phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em đã được các cơ quan, tổ chức từ trung ương đến địa phương quan tâm hơn; nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của nhân dân được chú trọng, công tác tổ chức nắm bắt thông tin, xử lý vụ việc liên quan đến bạo lực trẻ em được triển khai tốt hơn, nhiều vụ việc được xử lý kịp thời, nghiêm minh, có tác dụng vừa trừng phạt thích đáng, vừa răn đe, phòng ngừa việc xảy ra các vụ việc tương tự ở trên địa bàn.

Tuy vậy, các đại biểu Quốc hội cũng chỉ rõ, các văn bản điều chỉnh về lĩnh vực bạo lực trẻ em còn hạn chế, chưa bao quát hết các nội dung, đối tượng cần điều chỉnh trong lĩnh vực này; công tác thông tin, truyền thông ở cơ sở chưa thường xuyên, nhiều trẻ em và các bậc cha mẹ chưa biết về các địa chỉ tiếp nhận thông tin trong trường hợp trẻ em bị xâm hại, bạo lực. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng chưa nhận thức đầy đủ, chưa thực sự quan tâm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung, phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng. Công tác quản lý nhà nước về phòng, chống xâm hại trẻ em có mặt còn chưa hiệu quả. Một số cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền chưa làm hết trách nhiệm được giao. Công tác phối hợp giữa chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức và gia đình về phòng, chống bạo lực trẻ em trong nhiều trường hợp chưa thực chất và hiệu quả. Nhân lực làm công tác trẻ em còn thiếu về số lượng, kiêm nhiệm nhiều việc, một bộ phận còn hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm công tác. Ngân sách, cơ sở vật chất dành cho công tác bảo vệ trẻ em, trong đó có phòng, chống bạo lực trẻ em còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu. Tác động bất lợi của dịch bệnh Covid-19 tới cuộc sống của các tầng lớp nhân dân, trong đó, các gia đình ly hôn, các bậc cha mẹ mất việc làm, không có thu nhập, trẻ em mồ côi, nghỉ học hoặc học trực tuyến trong thời gian dài... cũng ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe thể chất và tâm thần của nhân dân, những áp lực, sang chấn tâm lý không được trị liệu kịp thời... cũng là những nguyên nhân quan trọng dẫn tới bạo lực gia đình, bạo lực trẻ em, trong đó có nhiều vụ việc rất nghiêm trọng trong thời gian vừa qua, gây ra nhiều bức xúc trong dư luận xã hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cũng cho biết, nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội nêu lên tại phiên họp này đã được Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và lãnh đạo các bộ, ngành liên quan giải đáp thỏa đáng. Một số vấn đề khác chưa kịp giải sẽ được tổng hợp gửi các cơ quan để tiếp tục trả lời ý kiến đại biểu Quốc hội. Sau phiên giải trình, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội sẽ phối hợp với các cơ quan xây dựng Báo cáo tổng thuật toàn bộ kết quả của phiên giải trình, gửi tới các cơ quan hữu quan cũng như gửi đến các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội vào Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XV.

Trên cơ sở các ý kiến chất vấn của các đại biểu Quốc hội, để tiếp tục nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em, thay mặt cho các cơ quan của Quốc hội đồng tổ chức, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị các bộ, ngành, các cơ quan hữu quan tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 20-CT/TƯ ngày 5/11/2012 của Bộ Chính trị "về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới", Luật trẻ em 2016, Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội và quan tâm, giải quyết những nội dung sau: 

Một là, về hoàn thiện thể chế:

. Đề nghị chú trọng việc hoàn thiện các quy định về phòng, chống bạo lực trẻ em trong việc sửa đổi Luật phòng, chống bạo lực gia đình; các quy định về bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em trong giải quyết tranh chấp về quyền nuôi con trong Luật hôn nhân và gia đình.

. Đề nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết hướng dẫn giải quyết các vụ việc ly hôn, trong đó quy định rõ khi quyết định quyền nuôi con phải xem xét quyền lợi mọi mặt của trẻ em, chú trọng khả năng bảo vệ trẻ khỏi bị nguy cơ xâm hại, bạo lực.

. Đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Quy chế phối hợp giữa hai cơ quan trong việc thực hiện công tác gia đình và công tác trẻ em, chú trọng việc phòng, chống xâm hại trẻ em trong môi trường gia đình.

. Đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu, ban hành văn bản hướng dẫn về việc tổ chức khám chữa bệnh, tư vấn, trị liệu tâm lý, chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân và trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Hai là, về công tác triển khai thực hiện:

. Đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ đạo, hướng dẫn việc phát triển mạng lưới cộng tác viên làm công tác trẻ em ở cơ sở để thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ được giao cho cán bộ làm công tác trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em và Nghị quyết 121, chú trọng việc nâng cao vai trò của Hội phụ nữ và Đoàn thanh niên. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về tiếp nhận thông tin, xử lý tin báo, tố giác về các trường hợp bị xâm hại, bạo lực hoặc có nguy cơ bị xâm hại, bạo lực. Khẩn trương phối hợp xây dựng Cơ sở dữ liệu trẻ em, kết nối với Cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia làm cơ sở cho việc xây dựng, thực hiện các chính sách bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em phù hợp với từng đối tượng trẻ em, từng địa phương, vùng, miền. Tăng cường quản lý nhóm đối tượng có nguy cơ cao trở thành trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

. Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường công tác phòng ngừa bạo lực học đường trong các nhà trường sau đại dịch Covid-19, chú trọng công tác tư vấn học đường và công tác xã hội trường học để giải quyết những vấn đề sang chấn, áp lực tâm lý đối với trẻ em sau thời gian dài học tập trực tuyến, đẩy mạnh xây dựng môi trường an toàn, thân thiện trong các nhà trường.

. Đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện các văn bản, chương trình, kế hoạch liên quan đến công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, nhất là các giải pháp về chặn, lọc, gỡ các thông tin có hại cho trẻ em; vấn đề bảo vệ quyền bí mật thông tin cá nhân trẻ em và bí mật gia đình trong các vụ việc xâm hại, bạo lực.

. Đề nghị Bộ Công an phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường các biện pháp nắm đầy đủ, phát hiện kịp thời thông tin liên quan tới bạo lực trẻ em; lập danh sách phân loại, quản lý, theo dõi chặt các đối tượng có tiền án tiền sự trên địa bàn; xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính các trường hợp biết thông tin về các vụ việc xâm hại, bạo lực mà không báo tin đến cơ quan có thẩm quyền.

. Đối với chính quyền địa phương các cấp, đề nghị tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền ở cơ sở; thực hiện nghiêm quy định tại Điều 90 Luật Trẻ em về trách nhiệm báo cáo của Ủy ban nhân dân trước Hội đồng nhân dân cùng cấp về tình hình trẻ em. Hội đồng nhân dân các tỉnh quan tâm bố trí kinh phí cho công tác trẻ em và quyết định mức phụ cấp cho cán bộ làm công tác trẻ em, cộng tác viên về trẻ em.

Ba là, về lâu dài, đề nghị Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch triển khai các giải pháp nhằm xây dựng, phổ biến các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ mới, củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với thế hệ tương lai của đất nước, ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội, phòng ngừa các nguy cơ về bạo lực trẻ em trong cả môi trường gia đình, nhà trường và xã hội, hướng đến mục tiêu vì sự phát triển toàn diện của trẻ em Việt Nam.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nêu rõ, những ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, những đề xuất, kiến nghị của các bộ, ngành liên quan sẽ được các cơ quan của Quốc hội tổng hợp, chuyển tới các cơ quan có thẩm quyền làm cơ sở cho việc tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến phòng, chống bạo lực trẻ em. Bên cạnh đó, các cơ quan của Quốc hội sẽ tiếp tục tăng cường giám sát thường xuyên đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật phòng, chống bạo lực trẻ em; giám sát công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án bạo lực trẻ em./.

Lê Anh - Minh Thành

Các bài viết khác