CẦN CÓ NHỮNG GIẢI PHÁP MẠNH MẼ HƠN TRONG THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI

28/09/2021

Tại Phiên họp thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới 6 tháng đầu năm 2021, Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn trong thực hiện pháp luật về bình đẳng giới.

 

Toàn cảnh Phiên họp toàn theer lần thứ 2 của Ủy ban Xã hội của Quốc hội

Đưa ra ý kiến thẩm tra về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới 6 tháng đầu năm 2021, Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, năm 2021 diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng đối với công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thông qua các văn kiện quan trọng xác định tầm nhìn và định hướng phát triển của đất nước nói chung và công tác bình đẳng giới nói riêng. Ngày 23/5/2021 đã diễn ra cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước và cũng là dấu mốc đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu bình đẳng giới trong giai đoạn vừa qua. 

Theo Ủy ban Xã hội, năm 2021 là năm đầu thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030. Sau khi kết thúc Chiến lược giai đoạn 2011-2020, Chính phủ đã tổng kết và Ban hành Chiến lược mới cho giai đoạn 2021-2030 với nhiều chỉ tiêu mới phù hợp với công tác bình đẳng giới trong tình hình mới. Đồng thời, đây cũng là năm bắt đầu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, với nhiều nội dung liên quan đến các chỉ tiêu bình đẳng giới. Đại dịch COVID-19 đã tác động đến tất cả các lĩnh vực của xã hội và tác động sâu sắc đến việc thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới. Trong đó, phụ nữ là đối tượng bị tác động nặng nề và có thể chịu ảnh hưởng lâu dài. Bên cạnh diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp. Những vấn đề an ninh phi truyền thống như an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh... đã tác động trực tiếp đến sự tiến bộ của phụ nữ trong các lĩnh vực như y tế, lao động, việc làm, giáo dục…và gia tăng khoảng cách bất bình đẳng giới. 

Trong bối cảnh như vậy, công tác bình đẳng giới của Việt Nam đứng trước những thuận lợi, khó khăn và những vấn đề mới cần giải quyết. Do đó, để thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng giới, tiến tới bình đẳng giới thực chất, Ủy ban Xã hội cho rằng cần có quyết tâm chính trị cao của các Bộ, ban, ngành, địa phương, phát huy vai trò của người đứng đầu trong việc thực hiện các giải pháp mạnh mẽ hơn về bình đẳng giới.

Về công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới, Ủy ban Xã hội chỉ rõ, được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm để triển khai thực hiện pháp luật về bình đẳng giới và Chiến lược, công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương quan tâm triển khai với hình thức phù hợp, giúp nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về bình đẳng giới; tư tưởng trọng nam hơn nữ, định kiến giới, phân biệt đối xử trong xã hội có nhiều thay đổi. Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm tăng tỷ lệ nữ tham gia đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng dân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được triển khai rộng khắp, góp phần tăng tỷ lệ nữ đại biểu dân cử so với các nhiệm kỳ trước.

Tuy nhiên, theo Ủy ban Xã hội, cần tiếp tục quan tâm đến một số vấn đề như: Trong các đợt giãn cách xã hội, để bảo đảm các nguyên tắc phòng, chống dịch, nhiều chương trình tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật theo phương thức truyền thống, trực tiếp về bình đẳng giới không thực hiện được. Việc ứng dụng công nghệ thông tin để thông tin đến với người dân kịp thời còn khó khăn và hạn chế (cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, đường truyền..).

Thay mặt Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Thị Kim Thúy đưa ra ý kiến thẩm tra

Về việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Ủy ban Xã hội đánh giá, trong 6 tháng đầu năm 2021, Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Công tác thẩm định lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã được Bộ Tư pháp thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm. Qua công tác thẩm định cho thấy nhận thức của các Ban soạn thảo đã thay đổi và thực hiện đúng quy trình lồng ghép vấn đề bình đẳng giới theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, một số quy định về bình đẳng giới đã được lồng ghép trong văn bản quy phạm pháp luật.  

Chính phủ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê, trong đó đã có các chỉ tiêu trực tiếp về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, nhóm chỉ tiêu về lao động, việc làm và bình đẳng giới với 4/13 chỉ tiêu. Bên cạnh đó, còn có 26 chỉ tiêu thống kê phản ánh, giám sát, đánh giá về giới và bình đẳng giới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, trong đó có 10 chỉ tiêu có liên quan trực tiếp đến các cam kết quốc tế về giới của Việt Nam. Chính phủ đã ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 trong đó có nội dung xây dựng và ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới nhằm tăng tính hiệu lực, tuân thủ, nâng cao ý thức chấp hành của cơ quan quản lý nhà nước và người dân trong lĩnh vực bình đẳng giới.

Vấn đề bình đẳng giới cũng được Chính phủ quan tâm và lồng ghép trong quá trình xây dựng và triển khai thi hành các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Công tác xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 cũng được lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, quan tâm tới nhóm yếu thế như phụ nữ, trẻ em, điều này góp phần rút ngắn khoảng cách về giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Tuy nhiên, một số Ban soạn thảo vẫn chưa quan tâm đúng mức, còn hình thức trong công tác này. Việc xây dựng Báo cáo lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong các dự án Luật còn hình thức, chưa có số liệu tác động giới, chưa được cụ thể hóa trong các quy định của dự thảo Luật.

Các đại biểu thảo luận tại Phiên họp

Về công tác tập huấn, nâng cao năng lực cán bộ thực hiện công tác bình đẳng giới, thanh tra; tổ chức bộ máy làm công tác bình đẳng giới và kinh phí cho hoạt động bình đẳng giới, Ủy ban Xã hội đánh giá, để phù hợp với tình hình phòng, chống dịch COVID-19, các hoạt động tập huấn, nâng cao năng lực thực hiện công tác bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới và công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới theo hình thức trực tuyến. Việc này đã đem lại một số hiệu quả như tiết kiệm thời gian, chi phí, giúp triển khai được các hoạt động về bình đẳng giới trong tình hình mới.

Tuy nhiên, theo ý kiến thẩm tra, do tác động của đại dịch COVID-19, hoạt động tập huấn, nâng cao năng lực thực hiện công tác bình đẳng giới, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới và công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới gặp nhiều khó khăn, hạn chế, đặc biệt ở các địa phương có dịch.

Bên cạnh đó, năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, việc nâng cao năng lực, cung cấp kiến thức, kỹ năng cho cán bộ là rất quan trọng và cần thiết. Việc tiếp tục ghép Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới hoặc ghép nội dung quản lý nhà nước về bình đẳng giới vào các phòng chuyên môn thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội , cùng với việc đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới thường phải luân chuyển, biến động đã tiếp tục ảnh hưởng đến chất lượng triển khai và thực hiện công tác bình đẳng giới. Từ năm 2021, kinh phí cho công tác bình đẳng giới không còn sự hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2020 làm ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ thực hiện pháp luật về bình đẳng giới và Chiến lược quốc gia và các cam kết quốc tế về bình đẳng giới.

Về công tác nghiên cứu, thống kê, công bố thông tin, số liệu về bình đẳng giới, theo Ủy ban Xã hội, các Bộ Ngành đã triển khai thống kê các chỉ tiêu trong Thông tư số 10/2019/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về quy định bộ chỉ tiêu thống kê và phát triển giới quốc gia; đồng thời, ấn phẩm thông tin thống kê giới đang được biên soạn. Để phục vụ cho việc xây dựng và ban hành chính sách, đặc biệt là các chính sách về công tác phòng, chống dịch COVID-19, đảm bảo an sinh xã hội, một số số liệu liên quan về bình đẳng giới đã được thống kê và công bố.

Tuy nhiên, Ủy ban Xã hội cũng chỉ ra rằng, các số liệu đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược và công tác bình đẳng giới vẫn còn nhiều hạn chế: thiếu số liệu, một số số liệu chưa được phân tích về giới, sử dụng số liệu của các tổ chức quốc tế. Do đó, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cần rà soát, khắc phục tình trạng này./.

Hồ Hương

Các bài viết khác