HÌNH ẢNH ỦY BAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI CHO Ý KIẾN VỀ ĐỊNH HƯỚNG GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ ÁN BỘ LUẬT LAO ĐỘNG (SỬA ĐỔI)

06/08/2019

Chiều ngày 06/8, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Phiên họp toàn thể lần thứ 14, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Sau khi nghe báo cáo chi tiết tiếp thu, giải trình của Ban soạn thảo, các thành viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho rằng, về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, cần mở rộng đối tượng áp dụng tại điều khoản thi hành của dự thảo Bộ luật đối với nhóm lao động không có quan hệ lao động về một số quy định liên quan đến tiêu chuẩn, điều kiện lao động như: an toàn, vệ sinh lao động; thời gian làm việc và thời giờ nghỉ ngơi; tiền lương; bảo hiểm xã hội... nhằm bảo đảm tốt hơn về điều kiện, tiêu chuẩn lao động và phù hợp với quy định của các luật chuyên ngành đã được tách ra từ Bộ luật Lao động cũng như khuyến nghị của Tổ chức Lao động quốc tế. Các ý kiến này cũng đề nghị Chính phủ, cơ quan soạn thảo bổ sung báo cáo đánh giá về việc thực hiện nội dung này của các Luật đã được tách ra từ Bộ luật Lao động hiện hành nhằm làm rõ hơn về tính tương thích khi mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự án Bộ luật.

Về mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa, nhiều ý kiến nhất trí phải bảo đảm các nguyên tắc: Thứ nhất, phải có sự thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động; thứ hai, áp dụng tiền lương lũy tiến cho thời gian làm thêm giờ; thứ ba, giữ nguyên tắc quy định khống chế giờ làm thêm tối đa trong một tháng như Bộ luật hiện hành nhưng không quá 40 giờ/tháng. Đồng thời, đề nghị, Chính phủ và cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến được nêu trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Về các vấn đề xã hội để bổ sung báo cáo, đánh giá về thực trạng vi phạm pháp luật về làm thêm giờ...

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp:

Phiên họp toàn thể lần thứ 14 của Ủy ban Về các vấn đề xã hội, cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Các đại biểu dự phiên họp

Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Về các vấn đề Xã hội Bùi Sỹ Lợi trao đổi về một số nội dung tiếp thu, giải trình của dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Về các vấn đề Xã hội Bùi Sỹ Lợi nêu rõ, các nội dung lớn của dự án Luật gồm phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa; tiền lương làm thêm; tuổi nghỉ hưu; thời giờ làm việc bình thường; tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở; vấn đề đình công; thẩm quyền tuyên bộ hợp đồng lao động vô hiệu của thanh tra lao động

Một số nội dung cụ thể khác như hợp đồng lao động và thử việc; phụ lục hợp đồng lao động; quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động; về tiền lương; tổ chức đối thoại tại nơi làm việc; nguyên tắc, trình tự xử lý kỷ luật lao động; giải quyết tranh chấp lao động...

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp, đại diện Ban soạn thảo dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Đặng Thuần Phong phát biểu tại phiên họp

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Giàng A Chu đánh giá cao công tác chuẩn bị của Ban soạn thảo và cho rằng, về vấn đề làm thêm giờ, xem xét dưới góc độ quản lý nhà nước thì tăng thêm giờ lao động thêm không qua 300 giờ là phù hợp

Về mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa, nhiều ý kiến nhất trí phải bảo đảm các nguyên tắc: Thứ nhất, phải có sự thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động; thứ hai, áp dụng tiền lương lũy tiến cho thời gian làm thêm giờ; thứ ba, giữ nguyên tắc quy định khống chế giờ làm thêm tối đa trong một tháng như Bộ luật hiện hành nhưng không quá 40 giờ/tháng

Các đại biểu cũng nhất trí phương án trả lương lũy tiến đối với thời gian làm thêm giờ tính theo số giờ làm thêm trong ngày và có sự khác biệt tương ứng với làm thêm giờ trong ngày thường, ngày nghỉ hàng tuần, ngày lễ và ngày nghỉ có hưởng lương

 Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đề xuất quy định trả lương lũy tiến đối với thời gian làm thêm giờ tính theo số giờ làm thêm trong ngày và có sự khác biệt tương ứng với làm thêm giờ trong ngày thường, ngày nghỉ hàng tuần, ngày lễ, tết và ngày nghỉ có hưởng lương

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, trên cơ sở ý kiến đại biểu, Ban soạn thảo sẽ có tổng hợp, nghiên cứu và có báo cáo Chính phủ để Chính phủ có quan điểm chính thức để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 8 này

Kết luận nội dung thảo luận,nhấn mạnh đây là dự án luật khó, phức tạp, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị Ban soạn thảo tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến đại biểu Quốc hội, ý kiến của Ủy ban Về các vấn đề xã hội để hoàn thiện hồ sơ dự án Bộ luật; đồng thời đề nghị các đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tiếp tục góp ý cho dự thảo Bộ luật. Trên cơ sở ý kiến thảo luận tại phiên họp thì Ủy ban cũng sẽ có báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

Trọng Quỳnh