VỤ TRƯỞNG VỤ VĂN HÓA, GIÁO DỤC VŨ MINH ĐẠO: SẴN SÀNG TÂM THẾ CHO ''HỘI THẢO VĂN HÓA NĂM 2022''

08/11/2022

Dự kiến tháng 12/2022, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ phối hợp tổ chức ''Hội thảo Văn hóa 2022'' với quy mô lớn nhất từ trước tới nay về lĩnh vực văn hóa. Vụ trưởng Vụ Văn hóa, Giáo dục Vũ Minh Đạo cho biết, để chuẩn bị tốt nhất cho Hội thảo, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã chỉ đạo Vụ chuyên môn triển khai toàn diện, trong đó tập trung tuyên truyền đậm nét chương trình chính thức và kết quả của Hội thảo.

PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN: TẬP TRUNG TUYÊN TRUYỀN RÕ NÉT MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA, THÔNG ĐIỆP HỘI THẢO VĂN HÓA 2022

Vụ trưởng Vụ Văn hóa, Giáo dục Vũ Minh Đạo

Trong lịch sử hoạt động của mình, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã tổ chức thành công rất nhiều Hội thảo, Hội nghị, Diễn đàn… với quy mô lớn, thu hút đông đảo sự quan tâm của cử tri, quần chúng, sự tham gia của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học... mang lại những hiệu ứng tích cực. Trong tháng 12 tới đây, "Hội thảo Văn hóa 2022" với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” do Ủy ban phối hợp tổ chức sẽ chính thức khai mạc.

Mục đich của Hội thảo nhằm tìm ra giải pháp thể chế hóa kịp thời đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam thành luật pháp và các chính sách cụ thể, khả thi, phù hợp với đặc thù của hoạt động văn hóa, nghệ thuật trong bối cảnh mới; phát huy tối đa các nguồn lực từ Nhà nước, xã hội, từ trong nước và nước ngoài để phát triển văn hóa.

Dự kiến, Hội thảo sẽ thu hút khoảng 300 đại biểu tham dự với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Hội thảo dự kiến còn có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đại diện Đại sứ quán một số nước (Nga, Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Pháp, Hàn Quốc, Singapore, Lào, Campuchia…) và một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam (World Bank, UNDP, UNESCO tại Việt Nam...); đại diện một số đại học, trường đại học, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo về văn hóa, cơ sở văn hóa nghệ thuật trong và ngoài nước; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong nước và quốc tế; đại diện các doanh nghiệp, hội, hiệp hội trong và ngoài nước...

Phóng viên: Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” đang đến rất gần. Xin ông cho biết, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Vụ Văn hóa, Giáo dục đã triển khai công tác chuẩn bị cho Hội thảo này như thế nào?

Vụ trưởng Vụ Văn hóa, Giáo dục Vũ Minh Đạo: Được sự đồng ý, cho phép của Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phối hợp với một số cơ quan, đơn vị tổ chức hội thảo quốc gia về văn hóa với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho p hát triển văn hóa”.

Để chuẩn bị cho Hội thảo diễn gia thành công, đạt kết quả và có hiệu quả thiết thực, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã tập trung chỉ đạo sát sao Vụ chuyên môn triển khai đồng thời công tác chuẩn bị tổ chức hội thảo trên tất cả các mặt, cả về nội dung, truyền thông và hậu cần.

Về nội dung, Thường trực Ủy ban đã tham mưu xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quan trọng như: Đề án tổ chức hội thảo, Nghị quyết thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức và các Tiểu ban phục vụ Hội thảo; xây dựng Kế hoạch, chương trình, đề cương nội dung hội thảo.

Ý thức được rằng, nội dung đặt ra để thảo luận chính là nhân tố quan trọng quyết định hàng đầu làm nên thành công và hiệu quả của hội thảo, Thường trực Ủy banVăn hoá, Giáo dục đã đặc biệt chú trọng đến công tác chuẩn bị cho việc này và đã chỉ đạo tổ chức một số Tọa đàm tham vấn chuyên gia về chủ đề, chuyên đề tham luận tại hội thảo; tổ chức các buổi làm việc với các cơ quan phối hợp, đồng chủ trì (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Bắc Ninh) để trao đổi, thảo luận về nội dung, phương thức tổ chức, thời gian, địa điểm cũng như phân công trách nhiệm triển khai các nhiệm vụ, phần việc cụ thể, nhất là trong việc lựa chọn chủ đề, lựa chọn giới thiệu các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý để đặt hàng, đề nghị viết bài tham luận về những vấn đề đặt ra trong lĩnh vực từ nhiều giác độ, góc nhìn của các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương, các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, cơ quan tổ chức trong nước và nước ngoài, các đại sứ quán, các hiệp hội nghề nghiệp, doanh nghiệp,…

Đến nay, sơ bộ đã có gần 50 bài viết của các tác giả, tổ chức, đơn vị gửi tới Ban Tổ chức và chúng tôi đang phối hợp với các cơ quan đồng chủ trì để tổ chức biên tập, thẩm định, đánh giá khách quan, độc lập nhằm bảo đảm chất lượng nội dung tốt nhất có thể.

Về hậu cần, dự kiến Hội thảo sẽ được tổ chức tại Tỉnh Bắc Ninh vào trung tuần tháng 12/2022, vì vậy, Vụ Văn hóa, Giáo dục đã tích cực, chủ động phối hợp với các đơn vị trong Văn phòng Quốc hội và Tỉnh Bắc Ninh xây dựng kế hoạch, chương trình, lên các phương án cụ thể, chi tiết và rất cụ thể, kỹ lưỡng cả về hậu cần, tài chính và các điều kiện bảo đảm cần thiết khác như bố trí phương tiện giao thông đi lại, bố trí địa điểm nghỉ ngơi của đại biểu, công tác lễ tân, đón tiếp đại biểu… làm sao để hội thảo được diễn ra suôn sẻ, bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối, không có sai sót.

Về truyền thông, Vụ Văn hoá, Giáo dục cũng đã tham mưu cho Thường trực Ủy ban xây dựng đề án về truyền thông cho hội thảo trên các phương tiện thông tin đại chúng, xây dựng trang thông tin điện tử quảng bá cho hội thảo,… nhằm tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trước, trong và sau khi tổ chức hội thảo về quy mô, tính chất, vai trò, ý nghĩa quan trọng và những kết quả mong đợi, hiệu quả kỳ vọng đạt được sau hội thảo.

Phóng viên: Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo và Ban Tổ chức Hội thảo ngày 07/11 vừa qua, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã đặc biệt nhấn mạnh đến công tác tuyên truyền cho Hội thảo. Là thành viên của Tiểu Ban Truyền thông, xin ông cho biết thêm về công tác thông tin, tuyên truyền cho Hội thảo?

Vụ trưởng Vụ Văn hóa, Giáo dục Vũ Minh Đạo: Thực hiện chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, công tác thông tin, tuyên truyền về Hội thảo Văn hóa 2022 được chuẩn bị kỹ lưỡng.

Công tác truyền thông về Hội thảo được chia thành 3 giai đoạn: trước, trong và sau Hội thảo; bảo đảm tuyên truyền đậm nét về chương trình chính thức của Hội thảo và kết quả của Hội thảo. Các cơ quan báo chí, nhất là các cơ quan báo chí, truyền hình của Quốc hội mở chuyên mục riêng về Hội thảo Văn hóa năm 2022, thực hiện đổi mới sáng tạo trong cách viết, cách thể hiện tác phẩm báo chí nhằm thu hút sự quan tâm của Nhân dân, cử tri cả nước, góp phần xây dựng thương hiệu về Hội thảo do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và các cơ quan liên quan tổ chức.

Trước khi tổ chức Hội thảo, Ủy ban xây dựng, ban hành Đề án tổ chức công tác truyền thông về Hội thảo Văn hóa năm 2022; tổ chức thiết kế, xây dựng website riêng về Hội thảo và Logo nhận diện Hội thảo Văn hóa năm 2022; huy động các cơ quan báo chí, nhất là các cơ quan báo chí, truyền hình của Quốc hội thực hiện mở chuyên trang, chuyên mục về Hội thảo Văn hóa năm 2022; tổng hợp, đăng tải các chủ trương, đường lối về văn hóa theo các Nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa Toàn quốc năm 2021; về ý nghĩa của Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021; đăng tải các bài tham luận tiêu biểu trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tổ chức thực hiện phỏng vấn các thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức, chuyên gia về mục đích, ý nghĩa của Hội thảo; nội dung các chuyên đề trọng tâm của Hội thảo để đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng; Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức và các Tiểu ban phục vụ Hội thảo; các chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ về tổ chức Hội thảo.

Bên cạnh đó, xây dựng clip, phóng sự phục vụ Hội thảo (có Kế hoạch, kịch bản riêng); tổ chức họp báo giới thiệu về Hội thảo (có Kế hoạch riêng); phát thẻ sự kiện cho phóng viên sử dụng, tham gia tác nghiệp tại Hội thảo.

Trong thời gian diễn ra Hội thảo Văn hóa năm 2022, huy động các cơ quan báo chí bám sát và thông tin toàn diện, chi tiết về nội dung Hội thảo; tổ chức phỏng vấn lãnh đạo, thành viên Ban Tổ chức, các chuyên gia tham dự Hội thảo; phát hành thông cáo báo chí về các phiên của Hội thảo; các cơ quan báo chí đăng tải toàn văn bài phát biểu khai mạc và kết luận Hội thảo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; báo cáo công tác thông tin, tuyên truyền, dư luận xã hội về Hội thảo; phát các phim/Trailer về văn hóa, di sản tại Hội thảo…

Sau khi kết thúc Hội thảo, Ủy ban tiếp tục đẩy mạnh truyền thông về kết quả đạt được của Hội thảo, khẳng định ý nghĩa của Hội thảo; tuyên truyền các kiến nghị, giải pháp của các đại biểu, diễn giả, cử tri, Nhân dân cả nước về chấn hưng và phát triển văn hóa; tiếp tục lồng ghép việc tuyên truyền về Hội thảo trong công tác xây dựng luật, pháp lệnh của của Quốc hội, Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ và các văn bản của các cơ quan trong phát triển văn hóa Việt Nam…

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Phương