XÂY DỰNG NẾP SỐNG VĂN HÓA, BÀI TRỪ BIẾN TƯỚNG CỦA TỤC “BẮT VỢ”

22/04/2022

Chiều 22/04, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phối hợp với Hội đồng dân tộc tổ chức tọa đàm “Việc thực hiện công tác tuyên truyền, vận động xây dựng nếp sống văn hóa, bài trừ biến tướng của tục “bắt vợ” ở một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số". Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh và Chủ tịch Hội đồng dân tộc Y Thanh Hà Niê K’Đăm đồng chủ trì tọa đàm.


Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại tọa đàm.

Tham dự tọa đàm có: các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Hội đồng dân tộc; đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch; đại diện Bộ Công an; lãnh đạo Ủy ban nhân dân một số địa phương cùng các chuyên gia, nhà quản lý về công tác văn hóa, dân tộc tham dự trực tiếp và trực tuyến

Thời gian vừa qua, trên các phương tiện thông tin truyền thông, mạng xã hội đã có nhiều tin, bài phản ánh về sự việc “bắt vợ” diễn ra tại một số địa bàn tỉnh miền núi phía Bắc. Sự việc nhận được sự quan tâm rất lớn của cử tri và nhân dân cả nước. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, thực hiện thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, tháng 2/2022, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã phối hợp với Thường trực Hội đồng Dân tộc xây dựng kế hoạch tổ chức khảo sát, đánh giá về tục “bắt vợ”.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Xuân Phương tại tọa đàm

Thay mặt Ban tổ chức phát biểu khai mạc và đề dẫn tại tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Xuân Phương cho biết, qua tìm hiểu tài liệu nghiên cứu và tham khảo ý kiến của một số chuyên gia cho thấy, liên quan đến tục “bắt vợ” còn có những khái niệm như “kéo vợ”, “kéo dâu”, “trộm vợ” là những tập quán hôn nhân lâu đời của đồng bào một số dân tộc thiểu số như người Mông, người Dao đỏ ở các tỉnh miền núi phía Bắc và người Thái ở tỉnh Nghệ An.

Vừa qua, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã tiến hành khảo sát bước đầu từ ngày 12 đến ngày 14/4/2022 tại 02 tỉnh Lào Cai và Lai Châu về vấn đề này. Đoàn khảo sát đã tiến hành khảo sát, làm việc tại 16 điểm trên địa bàn các huyện, thị (Mường Khương, Sa Pa của tỉnh Lào Cai và Phong Thổ, Sìn Hồ, Tam Đường của tỉnh Lai Châu). Kết quả khảo sát bước đầu cho thấy, tại nhiều nơi, đặc biệt là ở tỉnh Lai Châu, tục “bắt vợ” đã từ lâu không còn nữa trong cộng đồng đồng bào người Mông, người Dao (có nơi hơn 20 năm nay không xảy ra vụ việc nào). Tuy nhiên, tại tỉnh Lào Cai thì vẫn còn xảy ra tại một số địa phương và các trường hợp xảy ra.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Xuân Phương cho biết, liên quan đến tục “bắt vợ”, “kéo vợ” vẫn còn có những ý kiến khác nhau. Có những ý kiến cho rằng, tục kéo vợ là một phong tục tốt đẹp, cần được giữ gìn, của đồng bào người Mông nói riêng, một số dân tộc khác nói chung. Một số ý kiến khác lại cho rằng, đây là một hủ tục cần phải loại bỏ. Trong khi đó cũng có ý kiến khác cho rằng, loại trừ những biến tướng không phù hợp, tục “kéo vợ, bắt vợ” nên được chắt lọc, giữ gìn để phát huy giá trị văn hóa tiêu biểu của đồng bào các dân tộc thiểu số. Nhằm có thêm những nhận định, đánh giá khách quan, chính xác về vấn đề nay, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Hội đồng Dân tộc phối hợp tổ chức tọa đàm tham vấn ý kiến chuyên gia để làm rõ thêm các vấn đề có liên quan tới tục “kéo vợ, bắt vợ” ở một số dân tộc thiểu số.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Xuân Phương nhấn mạnh, việc đánh giá kỹ lưỡng giá trị, thực trạng và biến tướng của tục lệ này sẽ giúp cho Quốc hội và Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các địa phương có liên quan có những phương hướng, giải pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, biện pháp quản lý nhà nước và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phù hợp, hiệu quả hơn nữa trong thời gian sắp tới.

Theo các đại biểu, “kéo vợ” (hay “bắt vợ”, “kéo dâu”, “trộm vợ”) là một phong tục có từ lâu đời, gắn với tập quán kết hôn của một số đồng bào dân tộc như Mông, Dao, Thái… Tục “kéo vợ” theo đúng truyền thống là một phong tục đặc sắc, chứa đựng nhiều giá trị tốt đẹp và nhân văn; thể hiện tình cảm thiêng liêng, thầm kín, sự tế nhị trong yêu đương, chín chắn trong xác định bạn đời thông qua việc nam nữ tự tìm hiểu, hẹn hò; thể hiện sự tôn trọng, đề cao giá trị của người phụ nữ với gia đình nhà chồng khi về làm dâu (sự việc chỉ có thể xảy ra khi cô gái nhận lời yêu và cho phép). Phong tục “kéo vợ” tôn trọng nguyên tắc hôn nhân tự nguyện đã được ghi nhận trong Luật hôn nhân và gia đình. Hiện nay, tại nhiều địa phương, tập tục “kéo vợ” đã không còn phổ biến, thậm chí không còn tồn tại trong cộng đồng các dân tộc Dao, Thái. Đồng bào dân tộc thiểu số cơ bản tuân thủ quy định pháp luật về hôn nhân, gia đình. Những biến tướng trong tục “kéo vợ”, dù đã giảm khá nhiều so với trước, nhưng vẫn tồn tại ở một số hình thức chính: tảo hôn; cưỡng ép hôn nhân…

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy phát biểu

Phát biểu ý kiến tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy khẳng định, tục “kéo vợ” hay “kéo dâu” của đồng bào dân tộc thiểu số là một phong tục cổ truyền có tinh nhân văn, phản ánh truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số. Đây cũng là phong tục tập quán có ý nghĩa tôn trọng nguyên tắc hôn nhân tự nguyện đã được ghi nhận trong Luật Hôn nhân và Gia đình; đồng thời cũng có ý nghĩa trong việc hạn chế tục thách cưới cao, gây tốn kém cho các gia đình ở một số nơi. Tuy nhiên gần đây, hiện tượng “kéo vợ” chuyển sang hình thức “cướp vợ”, “bắt vợ” diễn ra ở một số nơi với các kiểu biến tướng khác nhau, như: lợi dụng tục “kéo vợ” để “cướp”, “bắt” các cô gái. Đối tượng tổ chức “cướp vợ” chủ yếu là các thiếu niên, hiện tượng này chỉ xảy ra ở lứa tuổi rất trẻ, còn nam nữ thanh niên đến tuổi trưởng thành thì hầu như không vi phạm. Đây không phải hiện tượng phổ biến trong cộng đồng các dân tộc thiểu số, tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ thông tin và hiện tượng này được một số cá nhân quay video và phát trên mạng xã hội, gây tò mò và làm theo đối với một bộ phận người trẻ tuổi. Sự việc “cướp vợ”, “bắt vợ” không chỉ không phù hợp với các phong tục tập quán tốt đẹp mà còn trái với các quy định của pháp luật hiện hành (Hiến pháp 2013; Luật Hôn nhân và Gia đình…).

Với trách nhiệm là cơ quan quản lý lĩnh vực văn hoá, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã có văn bản chỉ đạo Ngành văn hoá tại các địa phương triển khai các biện pháp nhằm chấn chỉnh, loại bỏ những yếu tố tiêu cực, những hiện tượng phản cảm, phong tục tập quán không còn phù hợp với văn hoá truyền thống tốt đẹp trong đời sống hiện nay của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Qua thảo luận tại tọa đàm, các đại biểu đánh giá, về cơ bản trong những năm qua, các tỉnh đều đã triển khai mạnh mẽ phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn. Do đó, các hủ tục lạc hậu liên quan đến việc cưới và tang ma, hôn nhân cận huyết thống đã giảm đáng kể trong những năm gần đây. Tuy nhiên, tình trạng “tảo hôn” vẫn còn và việc biến tướng, lợi dụng phong tục, tập quán của đồng bào để vi phạm pháp luật vẫn còn ở một số nơi.

Hiện nay, tục “ bắt vợ”, “kéo vợ”, “trộm vợ” dù không phải là phổ biến nhưng vẫn còn một bộ phận thanh thiếu niên chưa nhận thức đầy đủ về phong tục, tập quán của dân tộc, địa phương nên khi người con trai thích một người con gái, liền rủ bạn bè bắt cóc người đó về làm vợ, đó là biến tướng của tập tục dẫn đến vi phạm pháp luật, tảo hôn, cưỡng ép kết hôn… Các đại biểu cho rằng, sự tồn tại của những biến tướng của các tập quán lạc hậu, đã ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống nhân dân, cản trở sự phát triển chung của xã hội và gây ra nhiều hệ lụy khó lường. Việc lợi dụng, làm biến tướng phong tục trong xã hội hiện đại, đã làm ảnh hưởng đến nét văn hóa, phong tục của đồng bào dân tộc thiểu số; làm tổn thương nghiêm trọng đến nhân phẩm, quyền và khát vọng của các bé gái trong vấn đề bình đẳng nam nữ, trong đó có bình đẳng hôn nhân; góp phần gia tăng nạn tảo hôn; nhiều trẻ em đang độ tuổi đến trường phải từ bỏ tương lai.

Đề xuất một số giải pháp xóa bỏ, bài trừ biến tướng của tục “bắt vợ” ở một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều ý kiến cho rằng, trong thời gian tới cần tuyên truyền sâu, rộng, hiệu quả về Luật hôn nhân và gia đình cho đồng bào các dân tộc thiểu số, vận động không kết hôn khi chưa đủ tuổi, kết hôn cận huyết thống; triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch về bài trừ hủ tục lạc hậu, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng dân tộc thiểu số. Đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động để đồng bào hiểu đúng và đầy đủ về các giá trị truyền thống, nét đẹp văn hóa của tập tục “kéo vợ”; cũng như các mặt trái không phù hợp thuần phong, mỹ tục, các hành vi biến tướng tục “kéo vợ”.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc Y Thanh Hà Niê K’Đăm

Phát biểu tại tọa đàm, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Y Thanh Hà Niê K’Đăm cho rằng, chúng ta cần phân biệt được rạch ròi những gì là nét đẹp văn hóa truyền thống, những gì là những biến tướng sai lệch, gây ảnh hưởng đến quyền tự do về thân thể, hôn nhân gia đình để có những giải pháp cụ thể để làm sao vừa giữ được những giã trị tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số và sàng lọc những tập tục không còn phù hợp, ngăn chặn những biến tướng của những tập tục cổ truyền tốt đẹp. Nhấn mạnh công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh trong thời gian tới, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Y Thanh Hà Niê K’Đăm cho rằng, công tác tuyên truyền của chúng ta trong vấn đề này cũng cần đổi mới, sát với đối tượng cần hướng tới, giúp bà con dân tộc thiểu số tiếp thu được những giá trị văn hóa tốt đẹp.

Bên cạnh làm tốt công tác tuyên truyền, theo lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang, chúng ta cần phải quan tâm, xây dựng các thiết chế văn hóa; có chế tài xử phạt đủ mạnh để hạn chế tình trạng vi phạm nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; đặc biệt là cần quy trách nhiệm cho người đứng đầu các đơn vị để xảy ra tình trạng vi phạm nếp sống văn minh. Bên cạnh đó, đưa tiêu chí thực hiện nếp sống văn minh, xoá bỏ các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu là yêu cầu nhiệm vụ bắt buộc đối với các cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, sĩ quan, chiến sỹ lực lượng vũ trang, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; coi đây là một trong những tiêu chí để đánh giá, xếp loại đảng viên, cán bộ, chiến sỹ hàng năm; xếp loại thi đua của các chi, đảng bộ, các cơ quan đơn vị; không bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử đối với cán bộ, đảng viên còn tham gia, duy trì các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu…

Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai

Đại diện Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai cũng cho rằng, cần coi việc cải tạo tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn hoá văn minh, bài trừ biến tướng của tục kéo vợ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cần có sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của cấp uỷ, chính quyền; sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; sự phối hợp trách nhiệm, thường xuyên của các ngành, các cấp và sự ủng hộ của người uy tín trong cộng đồng dân cư.

Đồng thời, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, động viên, khen thưởng kịp thời những gương điển hình về thực hiện nếp sống văn minh, đi đầu trong cải tạo tập quán lạc hậu; xử lý nghiêm túc cán bộ, đảng viên vi phạm hoặc có người nhà vi phạm để làm gương cho cán bộ và quần chúng noi theo; nhân rộng các mô hình hay, hiệu quả trong tuyên truyền, vận động, thực hiện nếp sống văn minh, cải tạo tập quán lạc hậu, giữ gìn an ninh trật tự xã hội. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh đối với cán bộ, đảng viên, công chức, cán bộ xã, trưởng thôn, bản, trưởng dòng họ, người có uy tín để gia đình, người thân vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình; khen thưởng, biểu dương kịp thời các cơ quan, đơn vị, cá nhân có thành tích trong công tác tuyên truyền vận động cải tạo tập quán lạc hậu, thực hiện nếp sống văn minh…

Các đại biểu khẳng định, việc bài trừ tập tục lạc hậu là cuộc “cách mạng” làm thay đổi về tư tưởng, nhận thức và hành vi của cả cộng đồng. Đây là quá trình “gạn đục khơi trong” trường kỳ, nhiều khó khăn, thách thức, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Để đảm bảo xây dựng đời sống văn hóa mới nhưng vẫn gìn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc, xây dựng giá trị đời sống mới cần phải giải quyết các giá trị cũ không còn phù hợp một cách thận trọng, khách quan, khoa học và toàn diện trên cơ sở nghiên cứu có hệ thống, chú trọng biện pháp tuyên truyền, giáo dục làm chuyển biến nhận thức trong đồng bào có kế hoạch, lộ trình, thời gian phù hợp, không nóng vội…

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu

Phát biểu kết thúc tọa đàm, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, sau một thời gian làm việc khẩn trương, tập trung, Tọa đàm đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra; không khí Tọa đàm rất sôi nổi, các ý kiến tham luận rất trí tuệ, sâu sắc và trách nhiệm. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh khẳng định, kết quả của tọa đàm hôm nay là cơ sở quan trọng để Ban Tổ chức tiếp thu, hoàn thiện báo cáo khảo sát gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan trong thời gian tới.

Một số hình ảnh tại tọa đàm:

Quang cảnh Tọa đàm “Việc thực hiện công tác tuyên truyền, vận động xây dựng nếp sống văn hóa, bài trừ biến tướng của tục “bắt vợ” ở một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số"

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh và Chủ tịch Hội đồng dân tộc Y Thanh Hà Niê K’Đăm đồng chủ trì tọa đàm.​

Các đại biểu tham dự tọa đàm.

Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc Trần Thị Hoa Ry điều hành nội dung tọa đàm

Đại diện Ủy ban Dân tộc cho rằng, tục “kéo dâu” là một nét phong tục truyền thống tốt đẹp của một số đồng bào dân tộc thiểu số từ xưa đến nay. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, phong tục này bị “biến tướng”, bắt dâu một cách cưỡng bức, dóng lên hồi chuông cảnh báo về vấn nạn trên và cần có những giải pháp ngăn chặn kịp thời

Đại diện Bộ Công an cần tăng cường công tác tuyền truyền bằng nhiều hình thức để đồng bào hiểu đúng các mặt trái không phù hợp thuần phong, mỹ tục, các hành vi biến tướng tục “kéo vợ”

Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang phát biểu trực tuyến.

Nhiều ý kiến đại biểu đề xuất cần có chính sách hỗ trợ đối với đội ngũ làm công tác tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa mới

Qua thảo luận tại tọa đàm, các đại biểu đánh giá, về cơ bản trong những năm qua, các tỉnh đều đã triển khai mạnh mẽ phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh khẳng định, kết quả của tọa đàm hôm nay là cơ sở quan trọng để Ban Tổ chức tiếp thu, hoàn thiện báo cáo khảo sát gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan trong thời gian tới

Thu Phương – Nghĩa Đức