TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG CHỐNG BẠO LỰC TRẺ EM

14/02/2022

Chiều ngày 14/02, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức tọa đàm tham vấn chuyên gia về tăng cường thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tạ Văn Hạ chủ trì tọa đàm.

 

Toàn cảnh tọa đàm

Tham dự tọa đàm có: các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; đại diện Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam…

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tạ Văn Hạ cho biết, thực hiện Chương trình công tác năm 2022 và căn cứ vào tình hình thực tế, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức tọa đàm tham vấn chuyên gia về tăng cường thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em, chuẩn bị cho phiên giải trình về nội dung này nhằm tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 05/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới; Luật Trẻ em (2016); Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em và việc xử lý những vụ việc vi phạm trong năm 2021; định hướng giải pháp tăng cường thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em trong thời gian tới.

Các đại biểu cho rằng, trong những năm gần đây tình trạng bạo lực trẻ em trong gia đình ngày một gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ. Đây không còn là một vấn đề của riêng gia đình mà là vấn nạn của xã hội. Trẻ em non nớt cả về thể chất lẫn tinh thần rất cần được chăm sóc, yêu thương và bảo vệ song thực tế không như vậy.

Mặc dù, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được Đảng, Nhà nước ta quan tâm và có nhiều chính sách bảo vệ. Nhiều văn bản pháp luật, phiên giải trình, giám sát tối cao về nội dung này đã được triển khai, ban hành. Tuy nhiên trong thời gian vừa qua nhiều vụ việc liên quan đến nạn bạo lực và xâm hại trẻ em vẫn xảy ra với tính chất nghiêm trọng. Các vụ việc gây nhức nhối trong dư luận xã hội, tạo nên làn sóng bất an trong thời gian gần đây như: Vụ bé gái 8 tuổi bị mẹ kế bạo hành đến chết tại thành phố Hồ Chí Minh; vụ bé gái 3 tuổi bị người tình của mẹ đóng đinh ở đầu tại Hà Nội…

Đại biểu phát biểu tại tọa đàm

Qua thảo luận, các đại biểu đều đánh giá, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng mặc dù được các cấp, các ngành đánh giá là khá đầy đủ và kịp thời, nhưng thực tế số vụ việc xâm hại trẻ em chưa giảm và vẫn xảy ra với tính chất nghiêm trọng. Do vậy, các đại biểu đề nghị các bộ, ngành hữu quan cho biết rõ nguyên nhân cốt lõi nằm ở đâu; quá trình triển khai thực hiện chính sách, pháp luật có những gì khó khăn, vướng mắc, hạn chế, tồn tại gì để đưa ra được giải pháp hữu hiệu nhất.

Các đại biểu cho rằng, những vụ việc bạo lực đối với trẻ em đa số xảy ra trong môi trường gia đình, trong đó có những vụ việc nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của trẻ em. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần giải trình về công tác gia đình đối với việc phòng ngừa, xử lý đối với tình trạng này. Đồng thời, đề nghị các Bộ, ngành hữu quan cho ý kiến về những đổi mới đột phá trong công tác truyền thông trong thời gian tới để tăng cường, nâng cao nhận thức của các bậc phụ huynh để góp phần giảm bạo hành đối với trẻ em trong các gia đình.

Phó Ban nghiên cứu pháp luật, Hội Luật gia Nguyễn Văn Tuân phát biểu

Theo Phó Ban Nghiên cứu pháp luật, Hội Luật gia Nguyễn Văn Tuân, trong phiên giải trình sắp tới của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cần xác định, khoanh rõ phạm vi giải trình; tập trung rất cụ thể về nội dung tăng cường thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em trong gia đình. Rà soát lại các văn bản Luật có liên quan. Chúng ta đã có Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, trong đó có bao gồm phòng, chống bạo lực trẻ em. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng chúng ta cần nhấn mạnh hơn nữa công tác bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực gia đình, cần xây dựng một dự án Luật riêng về phòng chốn bạo lực trẻ em, trong đó sẽ tập trung vào 2 nội dung xâm hại trẻ em và bạo lực trẻ em.

Đại diện Tổ chức Plan International tại Việt nam Phạm Thị Thanh Giang cũng cho rằng, các nội dung liên quan đến phòng, chống bạo lực trẻ em trong Luật Phòng, Chống bạo lực gia đình còn chung chung; trong khi trẻ em là đối tượng rất đặc biệt, chúng ta cần có những quy định đặc thù phù hợp với từng độ tuổi của trẻ em.

Bên cạnh đó, phiên giải trình lần này cũng cần quan tâm làm rõ trách nhiệm ở cơ sở. Tại sao các vụ bạo lực trẻ em trong gia đình ít được phát hiện và xử lý. Công tác tuyên truyền đến quần chúng nhân dân để phát hiện, tố giác sớm các vụ việc đã được quan tâm đúng mức hay chưa? Một số ý kiến đề nghị cân nhắc đưa hành vi không tố giác vụ việc bạo lực trẻ em bị xử lý theo chế tài hình sự.

 Cục trưởng Cục trẻ em Đặng Hoa Nam tại tọa đàm

Cùng quan điểm, Cục trưởng Cụ trẻ em Đặng Hoa Nam kiến nghị, trong phiên giải trình về nội dung này, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cần chỉ rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành liên quan; đặc biệt là trách nhiệm của chính quyền địa phương, cơ sở về những nhiệm vụ, trách nhiệm được giao trong phòng, chống bạo lực trẻ em trong Luật Trẻ em (2016); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Nghị quyết 121…

Tại tọa đàm, các đại biểu cũng đề nghị quy định rõ các trách nhiệm, chế tài xử lý khi từng vụ việc xảy ra; vấn đề hỗ trợ các trẻ em bị bạo lực như thế nào… Nhiều ý kiến đề nghị, sau các vụ việc bạo lực trẻ em, các chuyên gia tâm lý, cơ quan điều tra cần ngồi lại với những người bạo lực trẻ em để phân tích rõ nguyên nhân do đâu, từ đó điều chỉnh hệ thống pháp lý, dịch vụ hỗ trợ hiệu quả.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ tại tọa đàm

Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng đề nghị, nội dung giải trình sắp tới cũng cần bám sát Nghị quyết 121/2020/QH14 về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; đề nghị Chính phủ giải trình những gì đã làm được, chưa làm được và vì sao; đi sâu vào nguyên nhân gốc rễ, cốt lõi để tìm ra những giải pháp phù hợp.

Phát biểu kết thúc tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ ghi nhận những ý kiến thảo luận, góp ý của các đại biểu tại tọa đàm; cho rằng các ý kiến góp ý của các đại biểu rất xác đáng. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ cho rằng, các ý kiến thảo luận tại tọa đàm hôm nay sẽ là cơ sở hữu ích để Ủy ban Văn hóa, Giáo dục hoàn thiện các nội dung cho phiên giải trình về “Tăng cường thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” sắp tới.

Các đại biểu tham dự phát biểu tại tọa đàm

Thu Phương - Nghĩa Đức