CHO Ý KIẾN VỀ DỰ THẢO BÁO CÁO THẨM TRA DỰ ÁN LUẬT GIÁO DỤC (SỬA ĐỔI)

25/09/2018

Chiều ngày 24/9, tại Phiên họp toàn thể lần thứ 7, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng thảo luận, cho ý kiến dự thảo Báo cáo thẩm tra dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình chủ trì phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Ngô Thị Minh cho biết, thực hiện nhiệm vụ chủ trì thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã làm việc với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ban soạn thảo; tổ chức hội nghị, tọa đàm lấy ý kiến của chuyên gia và đối tượng chịu sự tác động của Luật Giáo dục (sửa đổi) tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 10/9/2018, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã tổ chức cuộc họp để thẩm tra sơ bộ theo Báo cáo số 371/BC-CP ngày 06/9/2018 của Chính phủ về Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Trên cơ sở tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại các Phiên họp thứ 26, 27 và ý kiến thẩm tra lần 1 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu Niên và Nhi đồng, Chính phủ đã hoàn thiện hoàn thiện hồ sơ về Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Ngô Thị Minh phát biểu tại phiên họp

Theo báo cáo của Chính phủ về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), việc xây dựng Luật được thực hiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội góp ý vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5; đồng thời, tiếp tục rà soát, nghiên cứu, lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động của Luật và điều chỉnh đối với những nội dung khác.

Cấu trúc dự thảo Luật về cơ bản kế thừa cấu trúc còn phù hợp của Luật Giáo dục hiện hành, có sự sắp xếp các chương, mục, điều phù hợp hơn với tính chất và nội dung của dự thảo Luật. Theo đó, dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) có 10 Chương, 119 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 70 điều (tăng 34 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5).

Đa số thành viên Ủy ban cơ bản tán thành với bố cục Dự thảo Luật và cho rằng, Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) đã bảo đảm yêu cầu vừa sửa đổi toàn diện, vừa kế thừa cấu trúc của Luật Giáo dục hiện hành. Với 10 Chương, 119 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 70 điều (tăng 34 điều so với Dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5), Ban soạn thảo đã có sự sắp xếp các chương, mục, điều tương đối phù hợp với tính chất, nội dung của Dự thảo Luật. Tuy nhiên, Ủy ban đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Dự thảo Luật về cấu trúc, bố cục theo hướng mạch lạc, rõ ràng hơn.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cũng tán thành việc mở rộng phạm vi sửa đổi và quan điểm xây dựng Luật Giáo dục (sửa đổi) được nêu trong Báo cáo của Chính phủ, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu thể chế hóa các quan điểm, định hướng của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đổi mới hệ thống tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; hoàn thiện môi trường pháp lý về giáo dục, phù hợp với Hiến pháp 2013. Việc sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật Giáo dục nhằm tạo cơ sở pháp lý để nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới, tăng cường tính chủ động trong hội nhập quốc tế về giáo dục và đào tạo.

Thành viên Ủy ban thảo luận tại phiên họp

Đánh giá cao hồ sơ dự án Luật, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng thấy rằng, mặc dù thời gian chuẩn bị ngắn nhưng Ban soạn thảo đã khẩn trương, tích cực hoàn thiện hồ sơ tương đối đầy đủ, bảo đảm chặt chẽ và kịp thời. Hồ sơ dự án Luật cơ bản được xây dựng theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Tuy nhiên, để có thêm thông tin phục vụ đại biểu Quốc hội nghiên cứu, thảo luận, cho ý kiến, các thành viên Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo cần đầu tư thêm để nâng cao chất lượng  Báo cáo đánh giá tác động đối với các chính sách mới, làm rõ khả năng phát triển thêm các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục để giảm áp lực cho các trường công lập; khả năng bảo đảm ngân sách, cơ sở vật chất và các điều kiện khác khi bổ sung quy định về chính sách học phí cho đối tượng phổ cập, chính sách lương nhà giáo, tín dụng sư phạm, giáo dục hoà nhập…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Ngô Thị Minh cho biết, dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) lần này đã bổ sung 2 nhóm chính sách mới so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5. Về chính sách không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục (Điều 95), Ủy ban tán thành với chính sách về học phí đối với học sinh diện phổ cập như trong Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Để chính sách ưu việt này được triển khai khả thi, có hiệu quả, Ủy ban đề nghị BST quy định rõ hơn về lộ trình thực hiện chính sách, trong đó đặt ra yêu cầu, thời điểm và điều kiện triển khai chính sách học phí này đối với người học thuộc diện phổ cập giáo dục ở cả trường công lập và trường dân lập, tư thục.

Ủy ban cơ bản tán thành với việc nâng trình độ chuẩn đào tạo đối với giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm như đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, việc chuẩn hóa đội ngũ không chỉ ở tiêu chí trình độ đào tạo, mà quan trọng là chất lượng đào tạo và năng lực phù hợp với vị trí việc làm của nhà giáo. Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo giải trình rõ tiêu chí chuẩn hóa đội ngũ; phương thức đào tạo nâng chuẩn, các nguồn lực thực hiện chính sách để bảo đảm tính khả thi; đánh giá tác động của chính sách đối với các trường trung cấp sư phạm và số giáo sinh sư phạm đang theo học hệ trung cấp khi chính sách này được thực hiện.

Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình phát biểu kết luận nội dung phiên họp

Nhiều ý kiến cho rằng, trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, cần ưu tiên thực hiện những chính sách trên đối với người học ở vùng miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và người học thuộc nhóm trẻ em yếu thế, nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở vùng đô thị.  

Để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và kỹ thuật văn bản, Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo rà soát kỹ lưỡng nội dung các vấn đề dự kiến được quy định chi tiết ở các văn bản dưới Luật, nghiên cứu để đưa ngay vào Luật các nguyên tắc, làm căn cứ hướng dẫn thi hành; tiếp tục hoàn thiện dự thảo các văn bản hướng dẫn, bảo đảm đầy đủ và kịp thời; đồng thời rà soát các quy định đối với các lĩnh vực đã có luật chuyên ngành, như Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục đại học trong quá trình sửa đổi, bổ sung nhằm bảo đảm tính hoàn chỉnh, thống nhất của dự thảo Luật để tránh mâu thuẫn, chồng chéo.

Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình phát biểu kết luận nội dung phiên họp

Ngoài ra, nội dung về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; trách nhiệm của Nhà nước đối với học sinh trường công lập, tư thục; chính sách đối với nhà giáo… cũng được nhiều đại biểu quan tâm, đưa ra các quan điểm khác nhau.

Phát biểu kết luận nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình cho rằng, dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) được đa số đại biểu tán thành nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề sâu rộng hơn. Trên cơ sở kiến của các thành viên Ủy ban tại buổi làm việc hôm nay, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng sẽ tiếp tục hoàn thiện dự thảo báo cáo thẩm tra, trình Quốc hội trong kỳ họp tới./.

Thu Phương