Một nền giáo dục thành công bắt đầu từ một chương trình, sách giáo khoa chuẩn

27/10/2014

Trao đổi về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, PHÓ CHỦ NHIỆM ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC, TN, TN VÀ NĐ LÊ NHƯ TIẾN nhấn mạnh, việc Chính phủ lựa chọn đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông là khâu đột phá đầu tiên nhằm thực hiện Nghị quyết của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là hợp lý. Bởi, xét đến cùng, một nền giáo dục thành công bắt nguồn từ một chương trình, sách giáo khoa chuẩn. Mục tiêu của Đề án đã rõ. Nhưng cách làm phải tính toán thêm.

- Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông được Chính phủ trình QH tại Kỳ họp này là một bước cụ thể hóa Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Phó chủ nhiệm đánh giá như thế nào về Đề án này?

- Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông là một bước triển khai cụ thể, thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Mục tiêu của đổi mới giáo dục theo tinh thần của Nghị quyết này là phải chuyển đổi căn bản toàn bộ nền giáo dục từ chủ yếu nhằm trang bị kiến thức sang phát triển phẩm chất và năng lực người học, biết vận dụng tri thức vào giải quyết các vấn đề thực tiễn; chuyển nền giáo dục nặng về chữ nghĩa, ứng thí sang một nền giáo dục thực học, thực nghiệp.

Tại sao phải đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông? Và tại sao lại lựa chọn đây là bước đi đầu tiên để thực hiện Nghị quyết? Bởi, xét đến cùng, một nền giáo dục thành công phải bắt nguồn từ một chương trình, sách giáo khoa chuẩn. Việc Chính phủ lựa chọn khâu đột phá đầu tiên trình QH là đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo tôi là rất hợp lý. Sau khi đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, tiến tới đổi mới về phương pháp giáo dục, thi cử và kiểm định chất lượng giáo dục... Đổi mới chương trình, sách giáo khoa là cốt lõi để đổi mới giáo dục. Theo đó, chương trình, sách giáo khoa phải tạo nền tảng cho việc chuyển nền giáo dục từ truyền thụ kiến thức bị động sang đào tạo những con người có kỹ năng, thực tài, thực nghiệp và nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp đổi mới, thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2020.

- Ý nghĩa của Đề án rất lớn, nhưng dường như, ngay  từ những bước chuẩn bị, Đề án này đã khiến dư luận không khỏi băn khoăn, thưa Phó chủ nhiệm?

- Tôi nhớ, khi Chính phủ trình UBTVQH về Đề án này lần đầu thì các Ủy viên UBTVQH cũng rất băn khoăn. Và dư luận xã hội lúc đó cũng đặt ra rất nhiều câu hỏi. Nguyên nhân trước hết là vì, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra dự kiến kinh phí thực hiện Đề án quá lớn so với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước và tình hình kinh tế - xã hội hiện đang rất khó khăn của nước ta: tôi nhớ, con số lúc đó là khoảng 34 nghìn tỷ đồng. Sau đó, Chính phủ đã điều chỉnh xuống còn khoảng 800 tỷ đồng và tổng kinh phí dự kiến mới nhất Chính phủ báo cáo QH tại Kỳ họp này là 462 tỷ đồng. Trong Tờ trình Đề án, Chính phủ cũng đã nêu rõ: kinh phí này chủ yếu phục vụ cho việc tập huấn cho đội ngũ biên soạn, thẩm định chương trình, sách giáo khoa; xây dựng, thẩm định chương trình; biên soạn bộ tài liệu hướng dẫn dạy học theo chương trình mới; thẩm định sách giáo khoa... Cụ thể, chi cho phục vụ biên soạn chương trình, xây dựng chương trình; biên soạn sách giáo khoa, các bộ sách giáo khoa. Theo tôi, giai đoạn đầu, tập trung vào hai việc này là phù hợp. Chúng ta phải phân kỳ đầu tư chứ nếu đầu tư cùng một lúc cho cả chương trình, sách giáo khoa, cả tập huấn, đào tạo đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất kỹ thuật, thiết bị trường học thì sẽ rất lớn. Nguồn lực của chúng ta không thể kham nổi.

- Một trong những đề xuất quan trọng của Đề án là thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là một hướng đi phù hợp nhằm tranh thủ các nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Tuy nhiên, ngay tại Kỳ họp này, nhiều ĐBQH bày tỏ lo lắng vì với cách thức xã hội hóa như vậy, làm thế nào để bảo đảm chất lượng sách giáo khoa?

- Chương trình giáo dục phổ thông theo Đề án, sẽ tích hợp cho cả giai đoạn 12 năm học. Trong đó có 9 năm cơ bản và 3 năm để định hướng nghề nghiệp sau này. Chương trình xuyên suốt cả 12 năm học phổ thông, phải tích hợp, kế thừa, chuyển tiếp, không cắt đoạn từng năm. Tôi thấy chủ trương một chương trình và nhiều sách giáo khoa là phù hợp. Chương trình thì phải thống nhất, chuẩn mực còn sách giáo khoa thì có thể có nhiều để phù hợp với nền giáo dục hiện đại, tiên tiến. Nhiều nước trên thế giới cũng đang áp dụng phương pháp này, các cơ sở đào tạo có thể tự lựa chọn sách giáo khoa mà họ cho là ưu việt để giảng dạy, miễn là sách giáo khoa đó phải bảo đảm chất lượng, bảo đảm được chương trình đề ra. Tuy nhiên, đúng là còn rất nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này. Cách thức chúng ta thực hiện thế nào để bảo đảm chất lượng sách giáo khoa cần phải tính toán kỹ lưỡng hơn. Theo tôi, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên chủ trì biên soạn một bộ sách giáo khoa chuẩn. Đương nhiên, Bộ phải huy động các giáo viên giỏi, các giáo sư đầu ngành, những người có kinh nghiệm trong giáo dục, trong quản lý tham gia cùng với Bộ để xây dựng bộ sách giáo khoa chuẩn này. Bên cạnh đó, tạo cơ chế huy động các thành phần khác như Hiệp hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam, Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn, Viện Hàn lâm khoa học xã hội nhân văn hoặc các trường đại học, các tổ chức khác để xây dựng các bộ sách giáo khoa khác nhau, hình thành nhiều bộ sách giáo khoa trên cơ sở chương trình chuẩn do Nhà nước ban hành để các cơ sở đào tạo có nhiều sự lựa chọn phù hợp. Tôi cho đây là một hướng tốt vừa phát huy năng lực, tiềm năng to lớn trong xã hội, vừa phát huy được nguồn lực của Nhà nước để cùng chăm lo cho giáo dục.

Tôi cũng đề nghị nên thực hiện thí điểm việc xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa chứ không nên thực hiện đại trà ngay. Việc thí điểm cần được thực hiện cuốn chiếu từ cấp học thấp đến cấp học cao. Cách làm như vậy vừa khoa học, vừa thận trọng, hạn chế được rủi ro, trong quá trình thí điểm, nếu phát hiện vấn đề gì chưa ổn thì rút kinh nghiệm, điều chỉnh thì thực hiện đại trà sẽ mang lại hiệu quả hơn.

- Mặc dù chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa nhưng Đề án cũng đưa ra quy định: tất cả sách giáo khoa phải được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, phê duyệt trước khi sử dụng. Nhiều người e ngại, quy định này sẽ dẫn đến tình trạng xin – cho, thưa Phó chủ nhiệm?

- Tôi nghĩ, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì thẩm định thôi, còn trực tiếp thẩm định phải là một Hội đồng quốc gia về giáo dục. Nói như thế chuẩn hơn. Hội đồng quốc gia về giáo dục không phải chỉ có người của Bộ Giáo dục và Đào tạo mà còn có sự tham gia của nhiều bộ ngành, nhiều thành phần khác. Hội đồng mang tính quốc gia sẽ bảo đảm tốt hơn tính khách quan, khoa học trong quá trình thẩm định; đồng thời, cũng cần phải quy định chặt chẽ và công khai quy trình thẩm định sách giáo khoa để bảo đảm chất lượng.

- Đổi mới chương trình, sách giáo khoa là nền tảng để đổi mới giáo dục, vậy theo Phó chủ nhiệm, để Đề án này có hiệu quả, cần quan tâm đến những vấn đê?

- Tôi thấy có 3 vấn đề cần phải tiến hành đồng bộ, song song với việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Thứ nhất là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên. Theo tôi, đội ngũ giáo viên là quan trọng nhất cho việc thành bại của một nền giáo dục. Bởi cho dù có chương trình tốt, có sách giáo khoa tốt nhưng không có đội ngũ giáo viên tốt thì chất lượng giáo dục sẽ bị hạn chế. Vì vậy, bên cạnh việc xây dựng chương trình, bộ sách giáo khoa chất lượng tốt thì phải coi trọng hơn nữa chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ, giáo viên. Các trường sư phạm cần tính toán để khi ra trường đội ngũ được đào tạo phải gắn với nội dung đổi mới của Đề án, phát huy được năng lực tại các cơ sở giáo dục đào tạo. Mặt khác, thường xuyên thực hiện đào tạo và đào tạo lại đối với đội ngũ giáo viên để bổ sung, cập nhật nội dung, kiến thức, phương pháp mới.

Thứ hai, có sách giáo khoa, có chương trình tốt và trong đó yêu cầu phải tích hợp, phải tăng cường thực hành, thí nghiệm để người học không chỉ có lý thuyết mà còn phải có kỹ năng thực tế. Cuộc sống đòi hỏi những kỹ năng chứ không chỉ là lý thuyết hàn lâm hay lý thuyết suông. Nhà trường cần trang bị cho học sinh các kỹ năng này. Vì vậy, cơ sở vật chất, thiết bị trường học phải tương thích với chương trình, sách giáo khoa đổi mới. Tôi thấy hai nội dung này trong Tờ trình của Chính phủ về Đề án còn rất mờ nhạt, chưa thể hiện rõ. Đề nghị trong Đề án cần bổ sung, làm rõ để quá trình tiến hành, triển khai được đồng bộ.

Thứ ba, để hiện thực hóa các mục tiêu, nội dung của Đề án thì những người quản lý, cán bộ quản lý của cơ sở giáo dục hoặc cơ sở đào tạo có vai trò hết sức quan trọng. Vì thế không chỉ có đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ giáo viên mà phải bồi dưỡng cả cán bộ quản lý để phù hợp và tương thích với việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa.

- Mục tiêu đến năm 2023 áp dụng đại trà chương trình, sách giáo khoa mới theo Phó chủ nhiệm có khả thi không?

- Nếu được QH thông qua, các công việc chuẩn bị cho việc xây dựng chương trình, sách giáo khoa sẽ được thực hiện ngay từ tháng 1.2015. Và đến năm 2018 sẽ áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới. Theo tôi nếu Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, các địa phương vào cuộc quyết liệt thì có thể  bảo đảm được mục tiêu đến năm 2023 thực hiện đại trà. Bởi quỹ thời gian từ nay đến khi thực hiện đại trà còn 8-9 năm. Lúc đó, cũng đã thực hiện được hơn 1 chu trình đào tạo. Chu trình đào tạo hiện nay khoảng từ 4-5 năm, có nghĩa đã dài hơn 1 chu trình đào tạo, hơn một khóa học. Một khóa học đối với đại học khoảng 4 năm, như thế là vừa đủ để đào tạo được một lớp đội ngũ mới phục vụ cho thực hiện Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

- Xin cám ơn Phó chủ nhiệm!

(Theo Đại biểu Nhân Dân)