Tọa đàm “Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ, đào tạo luật và công tác tuyển sinh”

29/09/2024

Thực hiện Chương trình công tác năm 2024, chiều 29/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Tọa đàm “Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ, đào tạo luật và công tác tuyển sinh”. Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đồng chủ trì Tọa đàm.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho ý kiến về dự án Luật Nhà giáo

Toàn cảnh Tọa đàm

Tham dự Tọa đàm có các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo; đại diện các bộ, ngành, cơ quan liên quan; đại diện các cơ sở giáo dục, nhà quản lý, cùng các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Phát biểu tại Tọa đàm, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, nội dung thảo luận của Tọa đàm sẽ tập trung bàn về các giải pháp cho 03 vấn đề của ngành giáo dục đang được dư luận quan tâm, bao gồm: Các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ; giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo luật; giải pháp về tuyển sinh đại học, cao đẳng và tuyển sinh đầu cấp vào lớp 10 trung học phổ thông.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh, chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ, đào tạo luật và tuyển sinh là các vấn đề được cử tri, nhân dân và ngành giáo dục đặc biệt quan tâm. Riêng về nội dung về đào tạo trình độ tiến sĩ, trong năm 2023, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ nhằm đánh giá thực trạng công tác đào tạo trình độ tiến sĩ trong nước; xác định rõ nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế; đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ.

Phát biểu đề dẫn và điều hành Tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết, những năm qua, sự phát triển của ngành luật đã được đẩy mạnh, với sự gia tăng số lượng trường đại học tham gia vào đào tạo luật. Sau hơn 45 năm phát triển, số lượng các cơ sở đào tạo luật tăng lên đáng kể. Cùng với đó, quy mô đào tạo trình độ tiến sĩ cũng tiếp tục phát triển. Cơ cấu, lĩnh vực đào tạo tiến sĩ ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu. Chất lượng, hiệu quả đào tạo trình độ tiến sĩ ngày càng được nâng lên. Kết quả tuyển sinh tăng trưởng ổn định qua từng năm. Phương thức tuyển sinh được đa dạng hóa. Việc thực hiện chuyển đổi số trong toàn hệ thống và ở tất cả các khâu trong tuyển sinh đã tạo thuận lợi tối đa cho người học, thí sinh và người dân...

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa

Tại cuộc họp, phản ánh về thực trạng đào tạo luật ở nước ta hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng, mô hình đào tạo cử nhân luật ở Việt Nam chưa được xem như là những ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù cần được kiểm soát chất lượng như các ngành thuộc nhóm ngành khoa học sức khoẻ hay như mô hình đào tạo luật của một số nước tiên tiến trên thế giới. Một số cơ sở đào tạo tự chủ mở ngành khi chưa đáp ứng các quy định của pháp luật; ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào không đồng đều. Nhiều cơ sở đào tạo tỷ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ thấp, thậm chí có giảng viên trình độ đại học, ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng đào tạo luật.

Bên cạnh đó, so với các nước khác trên thế giới, chương trình đào tạo luật ở Việt Nam chưa chú trọng nhiều đến khía cạnh thực hành. Trong khi đó, Hoa Kỳ, Anh và Nhật Bản có các chương trình thực tập và đào tạo thực tế bắt buộc hoặc rất khuyến khích, giúp sinh viên tích lũy kinh nghiệm thực tiễn và chuẩn bị tốt hơn cho công việc sau khi tốt nghiệp.

TS. Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo)

TS. Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, ở các nước như Hoa Kỳ và Nhật Bản, sinh viên luật phải vượt qua kỳ thi luật sư quốc gia nghiêm ngặt để được cấp phép hành nghề. Còn ở Việt Nam, quy trình cấp phép hành nghề chưa được chuẩn hóa một cách hệ thống và đồng đều, ảnh hưởng đến chất lượng và uy tín của ngành nghề. So sánh mô hình đào tạo luật của Việt Nam với các quốc gia khác, TS. Nguyễn Thu Thủy cho rằng, Việt Nam cần có những cải tiến và điều chỉnh để nâng cao chất lượng và tính ứng dụng của chương trình đào tạo luật nhằm giúp sinh viên luật Việt Nam không chỉ có kiến thức chuyên môn vững vàng mà còn có khả năng ứng dụng thực tế tốt, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động quốc tế.

Liên quan đến công tác đào tạo trình độ tiến sĩ, các đại biểu cũng chỉ ra khá nhiều bất cập: Đội ngũ giáo viên hướng dẫn nghiên cứu sinh có trình độ chuyên môn phù hợp còn thiếu, đặc biệt ở những lĩnh vực, ngành đặc thù; cơ sở vật chất phục vụ đào tạo trình độ tiến sĩ nói riêng và phục vụ nghiên cứu khoa học nói chung chưa được đầu tư đúng mức; mức đầu tư từ ngân sách thấp, phân bổ thông qua nhiều cơ quan, bộ, ngành; hệ thống chính sách hỗ trợ về tài chính cho nghiên cứu sinh học tập và nghiên cứu còn hạn chế, có nội dung chưa hợp lý...

Các đại biểu tại Tọa đàm

Đặc biệt, quy trình tổ chức, quản lý và việc tuân thủ quy chế đào tạo tiến sĩ của một số cơ sở còn hạn chế. Có nơi để xảy ra sai phạm, chậm được phát hiện và xử lý. Đánh giá chất lượng luận án tiến sĩ còn bất cập, không đồng đều trong hệ thống. Một số đề tài, luận án tiến sĩ có hàm lượng khoa học chưa tương xứng với bậc đào tạo trình độ tiến sĩ nhưng vẫn được chấp nhận thông qua, tạo ra những lo ngại, bức xúc trong dư luận xã hội.

Trong công tác tuyển sinh, vẫn còn sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ sở; đặc biệt, việc sử dụng duy nhất điểm học bạ của học sinh để xét tuyển sinh sớm thời gian gần đây khiến dư luận băn khoăn, lo ngại về chất lượng thực sự của thí sinh đăng ký.

Trong bối cảnh sự phát triển nhanh chóng của hệ thống pháp luật và nhu cầu ngày càng cao về chất lượng giáo dục pháp lý, các đại biểu cho rằng, cần hoàn thiện các quy định về đào tạo luật: Bao gồm quy định về mở ngành đào tạo luật; chuẩn cơ sở giáo dục đại học; chuẩn chương trình đào tạo khối ngành pháp luật. Đồng thời, tăng cường các điều kiện bảo đảm để đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo luật; tập trung đầu tư nâng cao các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo cử nhân luật.

                                        

TS. Nguyễn Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế- Kỹ thuật Bình Dương

Theo TS. Nguyễn Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Kĩ thuật Bình Dương, các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục cũng cần đổi mới tư duy trong công tác quản lý đào tạo ngành luật; tổ chức rà soát các cơ sở đào tạo Luật hiện hành về điều kiện, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên; tiến hành kiểm tra định kỳ các điều kiện đảm bảo chất lượng; tăng cường công tác kiểm định chất lượng giáo dục các cơ sở đào tạo luật, trên cơ sở đó có kế hoạch quy hoạch lại các cơ sở đào tạo ngành luật theo hướng tập trung và đào tạo chuyên sâu; thống nhất trong việc quản lý các cơ sở đào tạo luật nhằm nâng cao chất lượng đào tạo trình độ cử nhân luật, trình độ sau đại học chuyên ngành luật.

Để bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ, các đại biểu đề nghị cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ, bảo đảm tính đồng bộ, khả thi, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, hướng tới mục tiêu chất lượng. Đảm bảo chất lượng đầu vào, nâng cao tiêu chuẩn và kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu ra. Thực hiện tốt các chính sách thu hút, phát triển đội ngũ giảng viên và nghiên cứu viên có năng lực. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích mở rộng quy mô đào tạo tiến sĩ, nhất là ở các ngành công nghệ cao, công nghệ cốt lõi…

Cùng với đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm chất lượng trong tuyển sinh đại học, cao đẳng. Chính phủ cần chỉ đạo rà soát, đánh giá, ban hành hướng dẫn quy định chung đối với việc tuyển sinh dành cho đối tượng; các cơ sở giáo dục đại học căn cứ tiêu chí chung đó xây dựng, ban hành quy chế tuyển sinh. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong việc thực hiện quyền tự chủ trong giáo dục đại học, mở ngành, tuyển sinh và đào tạo các trình độ của giáo dục đại học.

Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn

Ghi nhận các ý kiến góp ý tại Tọa đàm, nhất là những đề xuất về giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ, đào tạo luật, Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ sẽ tiếp thu và nghiên cứu kỹ lưỡng các nội dung này. Đồng thời chia sẻ, trong thời gian tới, với quan điểm tập trung phát triển theo chiều sâu, ngành giáo dục xác định việc nâng cao chất lượng đào tạo, trong đó có đào tạo trình độ tiến sĩ, đào tạo luật là rất quan trọng.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh

Phát biểu kết thúc Tọa đàm, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh ghi nhận những kết quả tích cực trong công tác đào tạo tiến sĩ, đào tạo luật và tuyển sinh thời gian qua. Với các giải pháp được các đại biểu đề xuất tại Tọa đàm, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh cho biết, những nội dung liên quan đến chủ trương, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ nghiên cứu, chắt lọc để kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền.

Đối với các đề xuất liên quan đến thể chế, Ủy ban sẽ rà soát, đối chiếu với các quy định pháp luật hiện hành để có những kiến nghị sửa đổi phù hợp. Về các đề nghị liên quan đến các quy định, nghị định, thông tư... của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu và nghiên cứu để có những đề xuất điều chỉnh kịp thời với Chính phủ.

Một số hình ảnh tại Tọa đàm:

Toàn cảnh Tọa đàm

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn

Các đại biểu tại Tọa đàm

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Triệu Thế Hùng

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đỗ Chí Nghĩa

GS.TS Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng trường, Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội

GS.TS Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh

GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội 

Ông Nguyễn Đỗ Kiên, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp

GS.TS Đặng Ứng Vận, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Hòa Bình

GS.TS Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội

GS.TS Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ - Địa chất

ĐBQH Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước

PGS.TS Nguyễn Thị Kim Phụng, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo)

TS. Hoàng Ngọc Vinh, nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Ông Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

Các đại biểu tại Tọa đàm

Thu Phương – Nghĩa Đức