PHÓ CHỦ NHIỆM UỶ BAN VĂN HOÁ, GIÁO DỤC TẠ VĂN HẠ: LẤY Ý KIẾN DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) - CẦN ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC ĐỂ ĐẬT HIỆU QUẢ CAO

31/01/2023

Theo Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bắt đầu từ 03/01/2023 đến hết ngày 15/3/2023. Nội dung lấy ý kiến bao gồm toàn bộ dự thảo Luật và các nội dung trọng tâm theo từng nhóm đối tượng lấy ý kiến. Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ, cần đổi mới phương thức lấy ý kiến về dự thảo Luật này để có hiệu quả cao hơn.

DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI): NHIỀU QUY ĐỊNH MỚI VỀ CHUYỂN MỤC ĐÍCH SỬ DỤNG ĐẤT

Theo Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bắt đầu từ 3/1/2023 đến hết ngày 15/3/2023

Đối tượng lấy ý kiến gồm: Các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; Các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội thành viên của Mặt trận, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội; Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các tổ chức kinh tế khác; Các viện nghiên cứu, trường đại học và chuyên gia, nhà khoa học.

Nội dung lấy ý kiến là toàn bộ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và các nội dung trọng tâm do Chính phủ xác định phù hợp với từng nhóm đối tượng lấy ý kiến.

Hình thức lấy ý kiến gồm: Góp ý trực tiếp bằng văn bản; Tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm; Thông qua Cổng thông tin điện tử của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các phương tiện thông tin đại chúng, các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin, các hình thức phù hợp khác.

Nghị quyết nêu rõ: Mục đích của việc tổ chức lấy kiến nhân dân nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật, đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Bên cạnh đó, tạo sự thống nhất và đồng thuận của nhân dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đất đai. Đồng thời, nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Theo Nghị quyết, việc tổ chức lấy ý kiến phải được tiến hành dân chủ, khoa học, công khai, minh bạch, thực chất, bảo đảm tiến độ, chất lượng và tiết kiệm. Tổ chức lấy ý kiến với các hình thức thích hợp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia góp ý.

Việc tổ chức lấy ý kiến phải bảo đảm sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; sự chỉ đạo, tổ chức thực hiện chặt chẽ của các cấp chính quyền; đề cao trách nhiệm người đứng đầu và sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức.

Nội dung lấy ý kiến phải toàn diện và có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số nội dung, chính sách lớn, các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp được dư luận quan tâm.

Ý kiến đóng góp của nhân dân phải được tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác, khách quan và được nghiên cứu, tiếp thu, giải trình nghiêm túc để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ngoài ra, tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đóng góp ý kiến; kiên quyết đấu tranh với thế lực thù địch lợi dụng chống phá, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Nghị quyết cũng phân công trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến nhân dân. Theo đó, Chính phủ xây dựng kế hoạch, xác định nội dung trọng tâm lấy ý kiến và tổ chức lấy ý kiến; chủ trì tổng hợp ý kiến và xây dựng báo cáo kết quả.

Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước tổ chức lấy ý kiến Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các cấp, các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước.

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận tổ chức lấy ý kiến đối với nội dung có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, quyền và trách nhiệm của tổ chức mình.

Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, phối hợp với Hội đồng Nhân dân, đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận cùng cấp tổ chức lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổng hợp, xây dựng báo cáo kết quả lấy ý kiến và gửi Chính phủ (qua Bộ Tài nguyên và Môi trường) để tổng hợp, đồng thời gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội (qua Ủy ban Kinh tế) để theo dõi.

Các cơ quan thông tấn, báo chí có trách nhiệm đăng tải, tuyên truyền, phổ biến các nội dung liên quan đến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, trung thực, khách quan, phục vụ cho việc đóng góp ý kiến của nhân dân...

Luật Đất đai là một đạo luật khó, phức tạp, tác động tới hầu hết các ngành, lĩnh vực, chủ thể trong xã hội. Do đó, việc giám sát quá trình lấy ý kiến cũng được đặc biệt coi trọng, để việc lấy ý kiến được thực hiện nghiêm túc, tránh hình thức.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ

Có ý kiến lo ngại rằng, nếu chỉ công bố dự thảo trên cổng thông tin điện tử của cơ quan soạn thảo, ai muốn góp ý thì tải về đọc rồi nhập góp ý qua đó thì e là hiệu quả không được bao nhiêu.

Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ, hiện nay, có rất nhiều kênh lấy ý kiến nhân dân về các dự án luật, dự thảo thường được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ để người dân góp ý qua đó. Các kênh góp ý khác thì kết quả thường được tập hợp qua Mặt trận Tổ quốc, qua các đoàn thể chính trị, các cơ quan quản lý nhà nước... Tuy nhiên, có một số dự án luật ban hành xong lại không thực sự đi vào cuộc sống, như vậy phải xem lại các cấp, các ngành đã làm hết trách nhiệm trong việc lấy ý kiến nhân dân chưa, đã thực sự cầu thị, tiếp thu ý kiến của dân một cách triệt để chưa?

Với Luật Đất đai (sửa đổi), Quốc hội đã lường trước, đây là một đạo luật phức tạp, ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của dân, nên đã xác định thông qua theo quy trình ba kỳ họp. Dù thế thì thời gian cũng không nhiều, trong khi có nhiều chính sách rất mới. Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ  cho rằng, để đánh giá tác động các chính sách này một cách đầy đủ thì cần lắng nghe, tổng hợp ý kiến của nhân dân một cách đầy đủ nhất thì việc hoàn thiện dự thảo luật mới đạt hiệu quả.

Bên cạnh đó, báo cáo đánh giá tổng kết Luật Đất đai hiện hành, cả mặt được và chưa được đều cần cung cấp thông tin cho dân một cách đầy đủ. Bên cạnh đó, Báo cáo đánh giá tác động của các chính sách mới cũng cần phải được công khai, thông tin cho nhân dân đầy đủ nhất. Quan trọng hơn là, việc xin ý kiến không phải chỉ mời đại diện, mà phải trực tiếp đến từng tổ dân phố để nghe dân nói, đặc biệt là để cho người dân ở những vùng mà hiện nay đang có vướng mắc, có khiếu kiện được góp ý. Chúng ta không kỳ vọng là mọi vướng mắc về đất đai đều có thể sửa được ngay, nhưng qua ý kiến nhân dân, chúng ta sẽ biết được là cái gì thực tiễn đang đòi hỏi để việc sửa đổi sát với thực tiễn.

Đặc biệt, cần phải đổi mới phương thức thì mới có hiệu quả cao hơn. Lấy ý kiến nhân dân thì phải để nhân dân được bàn. Người dân ở vùng sâu, vùng xa nhiều khi không dùng Internet, nên không vào mạng để tiếp cận tài liệu và gửi góp ý được, nhưng thực tế lại đang vướng mắc rất nhiều trong vấn đề đất đai. Do vậy, phải tập huấn cho một đội ngũ nòng cốt để đưa được các vấn đề quan trọng đến với dân và lắng nghe ý kiến của nhân dân. Nếu chỉ nghe cơ quan quản lý nhà nước thì chỉ tháo gỡ vướng mắc được trong công tác quản lý nhà nước, mà không thấy được nỗi khổ của nhân dân khi mà luật không sát với thực tế cuộc sống./.

Thu Phương

Các bài viết khác