Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, sau khi Luật Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) có hiệu lực, trên cơ sở chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước về GDNN, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo thực hiện cũng như đẩy mạnh công tác truyền thông về GDNN. Đến tháng 6.2019, trên địa bàn có 365 cơ sở hoạt động GDNN, tăng 49 đơn vị so với năm 2014, với sự đa dạng về loại hình, ngành nghề, trình độ đào tạo và mô hình hoạt động của nhiều thành phần kinh tế. Cùng với sự phát triển của hệ thống cơ sở GDNN, số lượng lao động tham gia đào tạo cũng tăng, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Triệu Thế Hùng phát biểu tại buổi làm việc
Kết quả tuyển sinh học nghề trong giai đoạn 2014 - 2018 đạt 891.153 người, trong đó trình độ cao đẳng và trung cấp chiếm 22,16%, sơ cấp và dưới 3 tháng chiếm 77,84%. Trong giai đoạn này, thành phố đã bố trí kinh phí để hỗ trợ đào tạo nghề cho 112.675 lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27.11.2019 của Chính phủ. Tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn thành phố từng bước được nâng lên, từ 49,72% năm 2014 lên 63,18% năm 2018. Hà Nội phấn đấu đạt 70 - 75% lao động qua đào tạo vào năm 2020. Đến tháng 12.2018, tổng số nhà giáo trong các cơ sở GDNN trên địa bàn là 9.095 người, trong đó 78,36% nhà giáo có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ đại học trở lên. Về cơ bản, đội ngũ nhà giáo GDNN có bằng cấp chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, ngoại ngữ, tin học đều đạt chuẩn theo quy định.
Mặc dù có chuyển biến nhưng hoạt động GDNN trên địa bàn cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đa số học sinh sau khi tốt nghiệp THPT đều không muốn đi học nghề. Chất lượng GDNN tuy đã cải thiện nhiều nhưng còn một bộ phận lao động chưa đáp ứng được kỹ năng nghề. Trình độ học sinh đầu vào của các trường còn yếu, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Công tác tự chủ tài chính đối với các trường trung cấp, trường cao đẳng công lập còn nhiều khó khăn. Mối quan hệ giữa cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp chưa có sự ràng buộc chặt chẽ, hoạt động liên kết đào tạo chưa thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia do họ chưa thấy lợi ích từ hoạt động này...
Trước những khó khăn, vướng mắc trên, UBND TP Hà Nội kiến nghị: Chính phủ cần sớm ban hành “Quy hoạch mạng lưới các cơ sở GDNN toàn quốc” cũng như Nghị định giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập để làm cơ sở cho địa phương thực hiện; giao chỉ tiêu học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT tại các trường THPT cụ thể đối với các tỉnh, thành phố tương ứng với chỉ tiêu phân luồng... Đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, xem xét ban hành chính sách ràng buộc trách nhiệm trong tuyển dụng lao động phải qua đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn lao động, bảo đảm việc làm bền vững cho người lao động; ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí học nghề cho đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS học trung cấp và tiếp tục liên thông trình độ cao đẳng...
Thay mặt Đoàn giám sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Triệu Thế Hùng đánh giá cao kết quả đạt được của TP Hà Nội những năm qua trong lĩnh vực GDNN. Hà Nội là một trong các thành phố đi đầu cả nước về số lượng cơ sở GDNN, hình thức, quy mô và chất lượng đào tạo, bảo đảm cung cấp nhân lực có chất lượng không chỉ cho Thủ đô mà còn cho cả nước. Tuy vậy, qua thực tế giám sát và làm việc trực tiếp với một số cơ sở GDNN ngày 10 - 11.7 (Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ, Trường Cao đẳng Y Dược Tuệ Tĩnh Hà Nội, Trường Cao đẳng Xây dựng, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội), Đoàn Giám sát chỉ ra một số điểm cần lưu ý: Quy hoạch mạng lưới được triển khai tương đối mạnh, song cần theo hướng tinh gọn hơn nữa dựa trên nghiên cứu căn cơ, khoa học, đồng thời tính đến yếu tố đặc thù; Hà Nội cần sát sao hơn trong vấn đề tuyên truyền hướng nghiệp, chung tay thay đổi nhận thức của người dân cũng như tạo điều kiện để các cơ sở GDNN được tiếp cận với trường phổ thông để tư vấn, hướng nghiệp học sinh.
Đặc biệt, với vai trò là thành phố đi đầu trong phát triển kinh tế, Hà Nội cần xác định rõ mối quan hệ doanh nghiệp và cơ sở GDNN. Câu chuyện liên kết này cần thể hiện rõ ràng, mạnh mẽ hơn ở các chỉ đạo, chính sách cho doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề, nhất là với khối ngành nghề như công nghệ thông tin... Thành phố cần sớm đưa ra dự báo nhu cầu nguồn nhân lực, tránh việc không ít cơ sở GDNN đào tạo tràn lan, gây lãng phí cho xã hội. GDNN không chỉ là đáp ứng nhu cầu nhân lực trong nước mà còn cần hướng ra bên ngoài, thông qua các chương trình GDNN ngày càng tiếp cận chuẩn khu vực, quốc tế. Ngoài ra, cần quan tâm tới các vấn đề liên quan đến chính sách nhà giáo, chính sách người học... giúp nâng cao chất lượng GDNN trên địa bàn./.