Thanh Hóa là tỉnh thuộc Bắc Trung Bộ có diện tích tự nhiên 11.133,4km2; dân số trên 3,4 triệu người, với 7 dân tộc chính là: Kinh, Mường, Thái, Mông, Dao, Thổ, Khơ Mú. Theo báo cáo, toàn tỉnh hiện có 1.008.000 thanh niên (526.200 nam, chiếm 52,2%; 481.800 nữ, chiếm 47,8%). Trong đó: 178.000 thanh niên dân tộc thiểu số (17,66%); 104.000 thanh niên thành thị (10,3%), 904.000 thanh niên nông thôn (89,7%); 252.000 thanh niên miền núi (25%); 37.000 thanh niên trình độ đại học trở lên (3,67%), 77.000 thanh niên trình độ cao đẳng (7,63%), 92.000 thanh niên trình độ sơ cấp nghề, trung cấp nghề, cao đẳng nghề (9,12%); 187.876 thanh niên là học sinh, sinh viên (18,6%). Gần 750.000 thanh niên có mặt thường xuyên tại địa phương; khoảng 529.000 thanh niên được tập hợp trong tổ chức Đoàn, Hội; 350.000 đoàn viên quản lý theo danh sách và 186.455 đoàn viên sinh hoạt thường xuyên (xếp thứ 3 cả nước).
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Nguyễn Văn Tuyết phát biểu tại buổi làm việc với Sở Nội vụ và Tỉnh đoàn Thanh Hóa - Ảnh: VVH
Thanh niên trên địa bàn tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quan tâm tới các sự kiện chính trị - xã hội lớn của tỉnh, của đất nước. Tinh thần xung kích, tình nguyện của thanh niên tiếp tục được phát huy, tham gia tích cực các hoạt động tình nguyện, an sinh xã hội. Tỷ lệ thanh niên tìm việc làm ở các địa phương ngoài tỉnh cao. Tuy vậy, một bộ phận thanh niên chưa tích cực học tập, rèn luyện; sống thiếu lý tưởng, giảm sút niềm tin, xa rời truyền thống văn hóa dân tộc, thụ động, lười lao động. Một bộ phận thanh niên có lối sống đua đòi, hưởng thụ, dẫn đến sa vào các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Sau khi Luật Thanh niên có hiệu lực thi hành, UBND tỉnh đã xây dựng Chương trình hành động, Kế hoạch, tổ chức hội nghị triển khai, quán triệt đến đội ngũ cán bộ chủ chốt toàn tỉnh; chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tổ chức triển khai, quán triệt trong đội ngũ báo cáo viên, cán bộ chủ chốt; đồng thời chỉ đạo các cơ quan căn cứ chức năng nhiệm vụ để triển khai nội dung Luật Thanh niên và hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về thanh niên và công tác thanh niên…
Tuy nhiên, công tác triển khai thực hiện Luật Thanh niên còn những hạn chế nhất định; kết quả chưa bền vững. Một số cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể ở các cấp triển khai, quán triệt Luật Thanh niên và các nghị quyết, chương trình hành động còn mang tính hình thức. Công tác quản lý nhà nước về thanh niên ở nhiều địa phương, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức. Kinh phí đầu tư cho chương trình, đề án phát triển thanh niên còn hạn chế. Vấn đề việc làm cho thanh niên vẫn chưa được giải quyết triệt để. Phần lớn thanh niên là công nhân khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, chưa được tạo điều kiện tiếp cận hoạt động học tập, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, nâng cao đời sống về tinh thần…
Từ thực tế triển khai Luật Thanh niên tại địa phương, Thanh Hóa đề nghị bổ sung chính sách của Nhà nước đối với thanh niên thuộc hộ nghèo, thanh niên thuộc dân tộc thiểu số, thanh niên tàn tật, khuyết tật, thanh niên sau cai nghiện, sau cải tạo; thanh niên sau khi xuất ngũ… Bên cạnh đó, bổ sung quy định đối với các hoạt động tình nguyện của thanh niên…
Đoàn khảo sát ghi nhận sự quan tâm của Thanh Hóa đối với công tác thanh niên, nhất là trong giải quyết việc làm cho đối tượng này. Theo báo cáo, giai đoạn 2010 - 2018, bình quân hàng năm giải quyết gần 40.000 việc làm, trong đó có khoảng 36.000 việc làm cho thanh niên. Tỉnh cũng có nhiều chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp để tạo việc làm mới, thu hút lao động và thúc đẩy đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Đoàn đề nghị tỉnh quan tâm tới các đề án, dự án liên quan đến thanh niên, để đánh giá hiệu quả, phát huy các đối tượng thụ hưửng… Những kiến nghị của Thanh Hóa về bổ sung các chính sách đối với thanh niên sẽ được Đoàn khảo sát tổng hợp, xem xét trong quá trình thẩm tra việc sửa đổi, bổ sung Luật Thanh niên sắp tới./.