Phát biểu tại tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Ngô Thị Minh cho biết, thực hiện chương trình công tác năm 2019, Ủy ban sẽ tổ chức khảo sát tình hình triển khai Luật Trẻ em 2016 nhằm mục đích đánh giá việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và chỉ đạo triển khai thực hiện các chính sách đối với trẻ em; từ đó Ủy ban sẽ có những kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật và các giải pháp nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Hoạt động khảo sát sẽ tập trung vào hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và việc hướng dẫn tổ chức thực hiện hoạt động bảo đảm quyền trẻ em; công tác quản lý nhà nước về trẻ em; tổ chức bộ máy và việc triển khai thực hiện các quy định về bảo đảm quyền trẻ em.
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội xin giới thiệu một số hình ảnh tại buổi làm việc:
Toàn cảnh buổi làm việc
Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em tại trung ương và một số tổ chức chính trị, chính trị xã hội liên quan đến công tác trẻ em đã được quy định trong Luật Trẻ em 2016 sẽ là những đối tượng chính của cuộc khảo sát
Tại buổi làm việc, đại diện Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã báo cáo tình hình thực hiện triển khai Luật Trẻ em 2016 trước Ủy ban. Đại diện Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cho biết, ngay sau khi Luật Trẻ em được Quốc hội thông qua, tháng 7/2016, Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương đã tổ chức quán triệt những nội dung cơ bản về Luật tại Hội nghị tổng kết công tác Đội và phong trào thiếu nhi năm học 2015 - 2016...
Trước tình trạng bạo lực học đường, xâm hại trẻ em đang diễn biến phức tạp, Trung ương Đoàn đã phối với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức chiến dịch truyền thông phòng, chống bạo lực, xâm hại, tai nạn, thương tích trẻ em với chủ đề “Hành động vì trẻ em”. Lễ phát động chiến dịch, khai mạc hè 2019 được tổ chức đúng ngày Quốc tế thiếu nhi 01/6 tại phố đi bộ Hồ Gươm. Trước và sau khi phát động chiến dịch, trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, tập huấn cho phụ huynh, thiếu nhi thông qua chuyến xe “Hành động vì trẻ em”
Tuy nhiên, cơ chế nắm bắt, phản ánh thông tin về các vụ việc liên quan đến trẻ em (xâm hại, bạo lực, tai nạn thương tích) còn chậm. Vai trò của tổ chức Đoàn trong hỗ trợ, bảo vệ trẻ em sau vụ việc đã được chú trọng hơn nhưng việc lên tiếng, kiến nghị xử lý trước các hành vi vi phạm quyền trẻ em đôi lúc còn chưa kịp thời...
Trên cơ sở kết quả các buổi làm việc, Đoàn khảo sát sẽ nghiên cứu, đánh giá, phân tích thông tin, dữ liệu thu thập và xây dựng dự thảo báo cáo kết quả khảo sát; tổ chức một số hội thảo, tọa đàm tham vấn chuyên gia về nội dung khảo sát và dự thảo báo cáo kết quả khảo sát
Đoàn khảo sát của Ủy ban sẽ làm việc trực tiếp với các đối tượng khảo sát, gồm: Cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) về bảo đảm thực hiện các chính sách về trẻ em; Các bộ, ngành được quy định trong Luật Trẻ em gồm: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Y tế, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các tổ chức chính trị xã hội và tổ chức khác được quy định trong Luật Trẻ em
Để chuẩn bị tham mưu cho Quốc hội về hoạt động giám sát tối cao về công tác trẻ em nói chung và phòng chống xâm hại trẻ em nói riêng trong thời gian tới, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Ngô Thị Minh đề nghị 02 cơ quan bổ sung thêm các nội dung về trẻ em cho đầy đủ, đặc biệt là về vấn đề đảm bảo an toàn cho trẻ em nữ trên xe môi trường xe bus và vấn đề bảo về trẻ em trên môi trường không gian mạng