Thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp, các Nghị định, Thông tư, văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương; UBND tỉnh đã ban hành các văn bản thể chế hóa các chính sách của Nhà nước, xây dựng quy hoạch, kế hoạch triển khai thực hiện trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Đến nay, mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh từng bước được sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu lực hiệu quả. Số cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã giảm từ 31 cơ sở (năm 2015) đến nay còn 24 cơ sở; Tổng số nhà giáo và cán bộ quản lý tham gia giảng dạy tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đến cuối năm 2018 là 819 người; Các cơ sở đào tạo có năng lực đào tạo trên 60 ngành, nghề ở tất cả các lĩnh vực, với tổng quy mô tuyển sinh học nghề hàng năm là 23.785 người. Hà Tĩnh có 02 Trường cao đẳng được Chính phủ lựa chọn để đầu tư, phát triển thành trường chất lượng cao; có 07 trường cao đẳng, trường trung cấp công lập với gần 30 lượt ngành nghề được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lựa chọn để đầu tư phát triển nghề trọng điểm.
Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa,Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Triệu Thế Hùng làm trưởng đoàn làm việc với UBND tỉnh Hà Tĩnh về Việc thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục nghề nghiệp
Giai đoạn 2015 - 2018, số người học nghề được tuyển mới là 66.502 người, trong đó, cao đẳng 4.164 người, trung cấp 16.396 người, sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng 45.942 người; số học sinh tốt nghiệp THCS học trung cấp nghề kết hợp học văn hóa THPT là 11.858 người. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tổ chức đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp cho 1.429 người, trong đó đã có 1.185 người được doanh nghiệp bố trí việc làm. Kết quả đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh đến cuối năm 2018 lên 61%, cung cấp nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyển sinh học nghề còn nhiều khó khăn, đặc biệt trong tuyển sinh trình độ cao đẳng nghề; một số nghề trọng điểm quốc gia, khu vực và quốc tế có số lượng tuyển sinh hạn chế; Việc phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS gặp nhiều khó khăn do chưa có văn bản quy định về nội dung chương trình các môn văn hóa học bổ sung để người học sau khi tốt nghiệp chương trình trung cấp nghề có thể học liên thông lên cao đẳng và các cấp học cao hơn; Chưa thu hút được nhà giáo giỏi, các nghệ nhân, đội ngũ kỹ thuật có tay nghề cao tham gia đào tạo nghề…
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh phát biểu tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành của tỉnh Hà Tĩnh đã làm rõ một số vấn đề đoàn giám sát quan tâm; đồng thời kiến nghị với Quốc hội và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục, có quy định cụ thể hơn trong việc phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS, THPT, tỷ lệ học sinh vào các trường đại học; điều chỉnh, bổ sung Điều 19 của Luật Giáo dục nghề nghiệp theo hướng quy định cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp cho các trường cao đẳng thuộc bộ, ngành trung ương. Kiến nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tham mưu, xây dựng cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp tham gia quá trình đào tạo nghề; ban hành mức chi phí đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng.….
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc Hội Triệu Thế Hùng kết luận buổi làm việc
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc Hội Triệu Thế Hùng đánh giá cao sự quan tâm của tỉnh Hà Tĩnh đối với công tác Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), đặc biệt trong quy hoạch phát triển GDNN, huy động nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở GDNN...
Phó Chủ nhiệm Triệu Thế Hùng đề nghị các sở, ngành có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong công tác phát triển GDNN, đặc biệt quan tâm tới các em học sinh đang theo học bổ túc văn hóa kết hợp học nghề, đưa ra các chính sách cụ thể hơn đối với thầy cô, đồng thời quan tâm, bồi dưỡng, đảm bảo quyền lợi cho các giáo viên. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh hoàn thiện Báo cáo để Ủy ban tổng hợp, kiến nghị lên các bộ, ngành liên quan, qua đó góp phần nâng cao chất lượng GDNN./.