Trưởng Đoàn khảo sát- Phó Chủ nhiệm Ủy ban VH, GD, TN, TN & NĐ Hoàng Thị Hoa phát biểu tại buổi làm việc
Thành phần Đoàn khảo sát gồm có: Trưởng Đoàn khảo sát- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Hoàng Thị Hoa; Ủy viên Thường trực Ủy ban Nguyễn Quốc Hưng; Ủy viên Thường trực Ủy ban Phan Viết Lượng, cùng các thành viên Vụ Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi Đồng.
Nhiều nỗ lực trong đổi mới hoạt động thư viện
Theo Báo cáo Thư viện Tạ Quang Bửu - Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, Thư viện Tạ Quang Bửu là đơn vị cấp 2 tương đương với Khoa/Viện trong trường ĐH Bách Khoa Hà Nội. Theo cơ chế quản lý hành chính, Thư viện Tạ Quang Bửu thuộc sự quản lý của Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội và Bộ Giáo dục, nhưng chuyên môn lại chịu sự quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Thư viện TQB là thành viên Ban Chấp hành Hội Thư viện Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Liên chi hội Thư viện Đại học khu vực phía Bắc, Thư viện đã chủ động, tích cực trong việc phối hợp và xây dựng các kế hoạch hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ trong hệ thống thư viện đại học và hệ thống thư viện cả nước.
Thư viện có 06 phòng đọc chuyên ngành và 03 phòng tự học và 02 phòng phục vụ mượn trả giáo trình và tài liệu tham khảo, 01 phòng máy tính (multimedia). Phòng mượn về nhà có trên 200.000 bản ghi tài liệu đủ phục vụ sinh viên các khóa. Đáng chú ý, phòng đọc tại chỗ có trên 70.000 bản ghi tài liệu phục vụ bạn đọc tại chỗ với lưu lượng khoảng 1.500 chỗ ngổi. Hằng năm, thư viện đều tổ chức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người sử dụng thư viện. Đội ngũ cán bộ viên chức hiện có tại công tác tại Thư viện có 35 cán bộ, trong đó có 18 Thạc sỹ; 17 Cử nhân.
Giám đốc Thư viện Tạ Quang Bửu - Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội Hà Thị Huệ báo cáo trước Đoàn khảo sát
Với mục đích nâng cao hiệu quả phục vụ bạn đọc, Giám đốc Thư viện Tạ Quang Bửu - Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, Hà Thị Huệ cho biết, trong những năm qua, Thư viện luôn chủ động nghiên cứu, đổi mới và ứng dụng các chuẩn nghiệp vụ tiên tiến vào hoạt động thư viện; đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin và tự động hóa Thư viện. Ngoài ra, Thư viện Tạ Quang Bửu đã phối hợp, hợp tác thường xuyên với các thư viện các trường đại học trong nước đặc biệt là Thư viện các trường đại học kỹ thuật, xây dựng liên hiệp thư viện các trường đại học và công nghệ để bổ sung cơ sở dữ liệu dùng chung; bổ sung tài liệu ngoại văn và cơ sở dữ liệu hằng năm trên cơ sở nhu cầu của người sử dụng. Cán bộ thư viện được bồi dưỡng và nâng cao nghiệp vụ đáp ứng nhu cầu hoạt động.
Hằng năm Thư viện Tạ Quang Bửu đều xây dựng kế hoạch và đề xuất kinh phí hoạt động Thư viện và được nhà trường đầu tư. Năm 2016, Thư viện đã được đầu tư dự án “nâng cao năng lực Thư viện hướng trở thành Thư viện đầu mối”.
Sự cần thiết trong việc xây dựng Luật Thư viện
Về việc thực hiện Pháp lệnh Thư viện, Giám đốc Thư viện Tạ Quang Bửu Hà Thị Huệ khẳng định, Pháp lệnh cùng với các văn bản hướng dẫn thực hiện đã tạo hành lang pháp lý tương đối đồng bộ và thống nhất cho hoạt động thư viện phát triển. Tuy nhiên, việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về thư viện ở nước ta còn có nhiều bất cập bởi chưa có văn bản pháp quy cao nhất nên việc triển khai hệ thống văn bản pháp quy về thư viện đi vào cuộc sống còn thiếu sức nặng, dẫn tới việc đầu tư cho thư viện còn xem nhẹ, hoặc chưa thực sự quan tâm, vì chúng ta còn thiếu “cây gậy pháp lý” cao nhất, hữu dụng nhất, đó là Luật Thư viện.
Việc phối hợp giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với các Bộ, ngành khác ở Trung ương trong vấn đề soạn thảo văn bản pháp quy về thư viện còn chưa được tốt. Bằng chứng là Bộ Giáo dục và Đào tạo trước đây có một cơ quan quản lý nhà nước về thư viện, song nay đã bị sáp nhập và ghép vào trong Cục Cơ sở vật chất và thiết bị trường học; đồ chơi trẻ em, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đây là cơ quan không có chuyên môn nghiệp vụ về công tác Thư viện, việc tham mưu cũng như quản lý hệ thống thư viện (từ cơ sở vật chất, trang thiết bị, sách báo, tư liệu, đến cán bộ thư viện) trong các trường học trên cả nước lên đến hơn 10.000 là hết sức khó khăn, không thể sát sao được.
Thành viên Đoàn khảo sát phát biểu
Đặc biệt, hiện nay hoạt động của thư viện đang diễn ra trong xu thế hội nhập toàn cầu, việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến được áp dụng trong các Thư viện và đặc biệt là tác động của cách mạng công nghệ 4.0 đã tác động nhiều tới hoạt động thư viện, nhiều thư viện Trung ương, thư viện các trường đại học và cao đẳng; thư viện tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương đã ứng dụng Công nghệ thông tin trong lĩnh vực thư viện; song văn bản quy phạm pháp luật về nội dung này còn quá ít; thậm chí có điều khoản trong các văn bản đã ban hành, song còn chung chung,chưa cụ thể vì thế các thư viện đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa thư viện những năm qua theo cách của mình là chính; chứ chưa có văn bản pháp luật hướng dẫn cụ thể lĩnh vực quan trọng này.
Từ thực tiễn trên, đại diện Thư viện Tạ Quang Bửu cũng kiến nghị Quốc hội quan tâm, sớm đưa Luật Thư viện vào chương trình xây dựng Luật và thông qua, ban hành trong thời gian sớm nhất để việc áp dụng các quy định có liên quan đến thư viện tương thích với những quy định của Hiến Pháp, Luật Xuất bản, Luật Giáo dục, Luật Khoa học Công nghệ, Luật Công nghệ thông tin… Bên cạnh đó, xây dựng quy hoạch phát triển ngành Thư viện Việt Nam trong thời gian tới, trong đó cần chú trọng đến vai trò của các thư viện viện đại học nhằm khẳng định vị thế đầu tàu của hệ thống này trong việc xây dựng, khai thác thư viện số.
Đồng thời, hoàn thiện hệ thống chính sách đối với hoạt động thư viện, đặc biệt là cơ chế chính sách tài chính, nhân lực đối với thư viện. Chú ý xây dựng các điều kiện cần thiết đối với người đứng đầu các thư viện. Nhất là, cần phải đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho hệ thống thư viện đại học nhằm tạo đột phá trong hoạt động ngành thư viện đáp ứng yêu cầu của Cách mạng công nghiệp 4.0.
Đoàn khảo sát đến thăm và khảo sát hoạt động thực tế của Thư viện Tạ Quang Bửu
Đại diện Thư viện Tạ Quang Bửu cũng kiến nghị khi xây dựng Luật Thư viện cần đảm bảo quy định rõ, cụ thể hơn vai trò, cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước (Vụ Thư viện) với các Hội/Liên chi hội và các thư viện trong hệ thống; giữa Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch với Bộ Giáo dục trong việc quản lý định hướng triển khai hoạt động của Thư viện đại học nói riêng và hệ thống thư viện trường học nói chung; ban quy hành văn bản định về vấn đề xây dựng và khai thác thư viện số; quy định về số hóa tài liệu, vấn đề bản quyền số hóa tài liệu, quyền truy cập tài liệu số, vấn đề liên kết, chia sẻ nguồn lực thông tin và các biểu ghi thư mục, các dịch vụ mượn liên thư viện giữa các thư viện trong và ngoài nước; ban hành văn bản hướng dẫn thu phí các dịch vụ trong thư viện. Đồng thời, có chính sách cải tiến về lương và phụ cấp để động viên người lao động trong ngành thư viện; xây dựng các chính sách về hoạt động đào tạo lại nguồn nhân lực, yêu cầu phải có chứng chỉ nghề thư viện cập nhật sau 5 năm để nâng cao khả năng đáp ứng sự đổi mới nghề nghiệp trước sự thay đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ
Ghi nhận các kiến nghị của đơn vị, các thành viên Đoàn khảo sát đánh giá Thư viện Tạ Quang Bửu là thư viện hiện đại về cơ sở vật chất và trang thiết bị; phong phú về tài liệu hàng đầu trong hệ thống thư viện đại học trong cả nước. Với cơ sở vật chất đầy đủ và đội ngũ chuyên môn mạnh, Đoàn khảo sát đề nghị Thư viện Tạ Quang Bửu tiếp tục khẳng định vị trí đầu tàu của mình đối với hệ thống thư viện về kỹ thuật của cả nước; đẩy mạnh liên thông hệ thống thư viện cả nước, hợp tác quốc tế; không ngừng đổi mới hoạt động góp phần nâng cao chất lượng phục vụ bạn đọc.
Sáng cùng ngày, các thành viên Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ đã đến thăm và khảo sát hoạt động thực tế của Thư viện Tạ Quang Bửu.