NÂNG CAO HIỆU QUẢ ĐẤU TRANH VI PHẠM PHÁP LUẬT VÀ TỘI PHẠM VỀ BẢO VỆ ĐỘNG VẬT HOANG DÃ

20/07/2019

Ngày 19/7 tại Tp.Đà Nẵng, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phối hợp với Tổ chức bảo vệ động vật hoang dã WCS tổ chức hội thảo “Nâng cao hiệu quả đấu tranh, phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm về bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm và những khó khăn, vướng mắc ở Việt Nam”. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga chủ trì hội thảo.

Toàn cảnh buổi hội thảo 

Từ đầu năm 2018 đến hết tháng 5/2019, lực lượng kiểm lâm toàn quốc đã bắt giữ và xử lý 560 vụ, trong đó lập hồ sơ xử lý hình sự 41 vụ, tổng số tiền tịch thu xử phạt hành chính là hơn 4,2 tỷ đồng. Cũng trong khoảng thời gian này, lực lượng cảnh sát môi trường đã phát hiện, đấu tranh, xử lý gần 300 vụ vi phạm, trong đó khởi tố hình sự 141 vụ.

Hiện nay, hệ thống văn bản pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ các loài động thực vật hoang dã khá đầy đủ như Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản 2017, Luật Đầu tư 2014 cùng các văn bản dưới luật. Tuy nhiên, hiện nhiều quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, định giá tang vật, giám định tư pháp, xử lý tang vật vi phạm hành chính, xử lý vật chứng trong các vụ án, quy định cụ thể cơ quan quản lý chuyên ngành xử lý vật chứng là động vật hoang dã còn nhiều vướng mắc, khó khăn cho các cơ quan thực thi pháp luật trong triển khai thực hiện.

Ông Tăng Xuân Phương - Phó Phòng Điều tra, xử lý vi phạm về lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm, cho biết: Kiểm lâm có thẩm quyền xử phạt vi phạm về động vật hoang dã, nếu vượt khung hành chính đén mức xem xét khởi tố hình sự thì sẽ có vướng mắc bất cập trong các cơ quan tiến hành tố tụng. Trong khi đó Kiểm lâm có thẩm quyền xử lý trong điều 244 mà không có trong điều 234.

Đại biểu phát biểu ý kiến tại buổi hội thảo

Cũng theo thống kê từ đầu năm 2018 đến cuối tháng 5/2019, trên phạm vi toàn quốc đã tiến hành khởi tố gần 200 vụ án về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã theo điều 234 và tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp quý hiếm theo điều 244; Viện kiểm sát đã ra cáo trạng truy tố 120 vụ với 166 bị can, tòa án các cấp đã đưa ra xét xử 106 vụ với 138 bị cáo. Tuy nhiên, qua thực tiễn hoạt động điều tra, truy tố xét xử đối với tội phạm này còn nhiều khó khăn vướng mắc đối với lực lượng kiểm sát như lực lượng kiểm sát viên thực hiện nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra còn mỏng, thiếu phương tiện, thông tin, kiến thức về động vật hoang dã, nguy cấp quý hiếm.

Ông Trần Huy - Phó Vụ trưởng Vụ 3, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cho biết: "Để xác định hàng hóa bị bắt giữ là động vật hoang dã được quy định xử lý theo điều 234, 244, cần đến sự trợ giúp của các cơ quan chuyên môn, trong khi các vụ việc bắt giữ thường là bắt quả tang, thời hạn tạm giữ tối đa là 9 ngày, có những vụ việc sau khi bắt giữ, khó khăn trong việc đi lại, không đảm bảo thời hạn ra quyết định khởi tố theo quy định của bộ luật tố tụng hình sự".

Đối với công tác xét xử các vụ án, theo điều 244, tính từ năm 2015, số lượng bị cáo bị áp dụng cải tạo không giam giữ và cho hưởng án treo là nhiều nhất. Một số bị cáo là người dân tộc thiểu số, khi phạm tội không nhận thức được hành vi của mình, một số vụ án không xử lý được kẻ chủ mưu nên việc xử lý người giúp sức, vận chuyển thuê chỉ mang tính giáo dục. Từ 2015 đến 2017 không có bị cáo nào bị áp dụng hình phạt tù trên 7 năm. Tuy nhiên năm 2018 có tới 6 bị cáo bị áp dụng mức hình phạt tù này, thể hiện mức độ vi phạm ngày càng tăng. Đại diện ngành Tòa án đánh giá những quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này vẫn còn nhiều quy định định tính, chung chung và gây nhiều cách hiểu khác nhau cần có sự hướng dẫn áp dụng thống nhất.

Ông Nguyễn Văn Tùng - Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, Tòa án nhân dân tối cao, nhấn mạnh: "Nếu chúng ta không quy định vào đây, vì chúng ta không thể quy định khối lượng bao nhiêu được ví dụ như vẩy tê tê, theo quy định điều 244 thì 1 vẩy cũng xử lý hình sự, 10 tấn cũng chỉ xử lý khoản 1, chúng tôi cho rằng là không phù hợp. Nếu chúng ta quy định theo từng loại sản phẩm thì rất nhiều loại chúng ta không làm được, đây là vấn đề các đại biểu quốc hội cần cân nhắc thêm. "

Qua hai đợt khảo sát tại các tỉnh miền Trung Tây nguyên là Quảng Nam, Quảng Trị, Quảng Bình, Bình Phước, Đăk Nông và Lâm Đồng, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá công tác đấu tranh phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm về bảo vệ động vật hoang dã đạt được một số kết quả, thể hiện sự cố gắng, nỗ lực của các địa phương và các cơ quan thi hành pháp luật. Tuy nhiên, chuyển biến về nhận thức của người dân còn hạn chế, nhận thức về các văn bản quy phạm pháp luật của một bộ phận cán bộ công chức chưa cao. Hoạt động điều tra tội phạm về quản lý bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp quý hiếm gặp nhiều khó khăn, do hành vi phạm tội thực hiện tinh vi, lực lượng thi hành pháp luật còn mỏng, địa điểm phạm tội ở vùng rừng núi, trách nhiệm chứng minh tội phạm gặp nhiều khó khăn vì khó phân biệt giữa động vật hoang dã và động vật gây nuôi hợp pháp. Các hành vi vi phạm bị phát hiện chủ yếu bị xử lý hành chính, nhiều trường hợp xét xử còn chưa nghiêm.

Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, bày tỏ băn khoăn: "Ở một số địa phương, báo cáo của viện kiểm sát cho rằng chế tài xử phạt nhẹ chưa tương xứng với hành vi vi phạm, trong khi đó các vụ việc do tòa án nhân dân xử lý thì đều cho bị cáo hưởng án treo".

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga phát biểu kết luận tại hội thảo

Nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm về bảo vệ động vật hoang dã, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã trong các tầng lớp nhân dân, nhất là cán bộ, công chức; tăng cường công tác nắm tình hình để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn phổ biến quy định pháp luật mới ban hành cho cán bộ thực thi nhiệm vụ; nghiên cứu thành lập cơ quan giám định về động vật hoang dã theo khu vực hoặc theo tỉnh. Đặc biệt, các giải pháp cần được thực hiện một cách đồng bộ để công tác đấu tranh phòng ngừa đạt hiệu quả cao

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đánh giá công tác đấu tranh, phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm về bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp quý hiếm đã có chuyển biến đáng ghi nhận so với trước đây, nhất là trong hoàn cảnh các lực lượng thực thi pháp luật còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, vẫn cần khắc phục những tồn tại hạn chế còn gặp phải để cải thiện tình hình trong thời gian tới như còn nhiều vướng mắc trong hoạt động điều tra truy tố xét xử, tổ chức lực lượng, phương tiện và kinh phí hoạt động chưa đảm bảo yêu cầu.              

       

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nhấn mạnh một số trọng tâm, trọng điểm cần phải thực hiện nghiêm

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nêu rõ: "Đó là tình hình chấp hành pháp luật còn chưa nghiêm, một số văn bản dưới luật, nền luật so với nước khác là khá nghiêm, một số văn bản dưới luật, văn bản hướng dẫn phải rà soát, cái gì vướng phải hướng dẫn, cái gì mâu thuẫn phải rà soát". Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh, việc thực hiện đồng bộ, thống nhất các giải pháp để công tác đấu tranh phòng ngừa đạt hiệu quả cao hơn, nguyên nhân nào thì có giải pháp tương ứng. Ủy ban Tư pháp sẽ đưa những ý kiến kiến nghị tại hội thảo vào báo cáo thẩm tra vào cuối năm để trình Quốc hội, đồng thời chuyển tới các bộ ngành có liên quan để tiếp tục xem xét, nghiên cứu./.

Nguyễn Hùng