HỘI THẢO NÂNG CAO HIỆU QUẢ ĐẤU TRANH PHÒNG NGỪA TỘI PHẠM VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ ĐỘNG VẬT HOANG DÃ QUÝ HIẾM Ở VIỆT NAM

17/05/2018

Ngày 17/5, tại thành phố Hải Phòng, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (GIG) tổ chức Hội thảo “Nâng cao hiệu quả đấu tranh, phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật về động vật hoang dã, quý hiếm ở Việt Nam”

Hội thảo Nâng cao hiệu quả đấu tranh, phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật về động vật hoang dã, quý hiếm ở Việt Nam

Tham dự Hội thảo có đại diện của Thường trực Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội; đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng, tỉnh Nam Định; nhiều chuyên gia, cán bộ làm công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm về động vật hoang dã quý hiếm ở Việt Nam đến từ Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Trung tâm Giáo dục thiên nhiên thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và một số địa phương như: Hải Dương, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An…

Các báo cáo tham luận và các ý kiến thảo luận tại Hội thảo đều cho rằng, việc đấu tranh, phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật về động vật hoang dã thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh nguyên nhân từ nhận thức chưa đầy đủ của xã hội, của cấp ủy, chính quyền, người dân và các cơ quan chức năng về tính chất và tầm quan trọng của vấn đề còn có nguyên nhân từ các quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) và các văn bản hướng dẫn thiếu cụ thể, chồng chéo, khó áp dụng trong thực tế. Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã có các quy định cụ thể về phòng ngừa và xử lý tội phạm về động vật hoang dã, quý hiếm, về cơ bản khắc phục được những tồn tại của Bộ luật Hình sự năm 1999. Tuy nhiên việc sửa đổi, bổ sung một số văn bản dưới luật và văn bản hướng dẫn của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao về các vấn đề liên quan còn chậm. Bên cạnh đó, việc quản lý, bảo quản và xử lý vật chứng là động vật hoang dã, nhất là động vật hoang dã còn sống gặp nhiều khó khăn do liên quan đến kinh phí; do thời gian xử lý một vụ án hình sự thường rất dài, vì thế khi xét xử xong thì tang vật là động vật hoang dã hoặc đã chết hoặc rất yếu, rất khó cứu hộ; việc giám định tang vật là động vật hoang dã trong các vụ án hình sự cũng gặp khó khăn vì các địa phương không có giám định viên tư pháp để giám định tang vật…

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà phát biểu tại Hội thảo

Để nâng cao hiệu quả đấu tranh, phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật về động vật hoang dã quý hiếm ở Việt Nam, các đại biểu đề nghị, cần nâng cao hơn nữa nhận thức của cấp ủy, chính quyền các địa phương, các cơ quan chức năng về vấn đề này và đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật để người dân có ý thức phòng, chống vi phạm, tội phạm về bảo vệ động vật hoang dã; xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm. Cùng với đó, Chính phủ cần sớm sửa đổi, bổ sung các văn bản liên quan; Tòa án nhân dân tối cao sớm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015, nhất là các vấn đề đang có nhiều vướng mắc và có cách hiểu khác nhau trong thực tế như quy định về bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của động vật hoang dã hay trong cùng một vụ án người phạm tội đối với nhiều loài động vật hoang dã có cả lớp chim, lớp thú, lớp bò sát thì xử lý thế nào? Nhiều ý kiến đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Tố tụng Hình sự về vấn đề vật chứng là động vật hoang dã. Theo đó, trong trường hợp các cơ quan chức năng bắt được tang vật là động vật hoang dã còn sống cần hướng dẫn cho phép các cơ quan chức năng nhanh chóng tổ chức giám định sau đó chuyển cho cơ quan quản lý chuyên ngành để tái thả vào rừng hoặc giao cho các hoạt động cứu hộ sớm nhất…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Pha phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu kết thúc hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Pha đánh giá cao chất lượng các báo cáo tham luận và các ý kiến phát biểu tại Hội thảo. Thường trực Ủy ban Tư pháp sẽ tổng hợp đầy đủ kết quả cuộc Hội thảo để gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức hữu quan để nghiên cứu xử lý theo thẩm quyền. 

(Vụ Tư pháp)