HỘI THẢO “MỘT SỐ NỘI DUNG LỚN CỦA DỰ THẢO LUẬT PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG (SỬA ĐỔI)”

23/03/2018

Để tiếp tục thu thập thông tin từ các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, những người hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, phục vụ cho việc thẩm tra, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), chuẩn bị trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, ngày 22 - 23/3, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã tổ chức Hội thảo “Một số nội dung lớn của dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)” tại huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Hội thảo về "Một số nội dung lớn của dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)"

Tham dự Hội thảo có Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị, các đồng chí là thành viên Ủy ban Tư pháp, đại diện lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ủy ban Về các vấn đề Xã hội của Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Viện nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Quốc phòng, Kiểm toán Nhà nước cùng đại diện Ban Nội chính Trung ương, Bộ Tài Chính, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một số cơ quan nội chính của thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Kiên Giang.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu khai mạc Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu đã phát biểu, trao đổi, thảo luận với tinh thần sôi nổi và nghiêm túc; nghe và thảo luận trên cơ sở 10 chuyên gia trình bày tham luận về những nội dung liên quan đến chuyên đề của hội thảo, như: thực tiễn triển khai phòng chống tham nhũng; hiệu quả thực tế các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng; quy định về kiểm soát xung đột lợi ích; quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; việc công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; vấn đề minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập; thực trạng và hiệu quả công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, xử lý vi phạm pháp luật trong phòng chống tham nhũng....

Đại biểu trình bày tham luận tại Hội thảo

Các nội dung được nhiều đại biểu trao đổi, phân tích kỹ lưỡng là: về cơ quan và thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập; việc xử lý tài sản kê khai không trung thực, giải trình không hợp lý về nguồn gốc; về đối tượng và phương thức kê khai tài sản, thu nhập; các quy định về việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật sang khu vực ngoài nhà nước; việc phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động thanh tra, kiểm toán...

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội sẽ nghiên cứu các ý kiến của các chuyên gia, các vị đại biểu tham dự Hội thảo để phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan thẩm tra, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), bảo đảm khi trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có chất lượng tốt nhất./.

 

Vụ Tư pháp - Văn phòng Quốc hội