ỦY BAN TƯ PHÁP HỌP PHIÊN TOÀN THỂ THẨM TRA DỰ ÁN LUẬT PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG (SỬA ĐỔI)

05/03/2018

Ngày 05/3, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, Ủy ban Tư pháp họp phiên toàn thể lần thứ tám cho ý kiến thẩm tra về dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi).

Toàn cảnh phiên họp

Tham dự phiên họp còn có Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan hữu quan cùng các thành viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) đã được trình Quốc hội xem xét, thảo luận tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV và quyết định xem xét thông qua dự án luật này theo quy trình tại 3 kỳ họp. Nhấn mạnh đây là dự án luật vô cùng quan trọng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho hay sau khi được Quốc hội cho ý kiến, cơ quan chủ trì soạn thảo đã phối hợp với cơ quan thẩm tra để tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý dự án luật. Đây là lần thứ hai Ủy ban Tư pháp thẩm tra dự án luật này. Trên cơ sở ý kiến thảo luận tại phiên họp toàn thể, Ủy ban sẽ hoàn thiện báo cáo thẩm tra để trình Quốc hội tại kỳ họp tới.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày Báo cáo

Tại phiên họp, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội. Theo đó, các nội dung tiếp thu, giải trình của dự án luật gồm mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật ra khu vực ngoài nhà nước; đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập; cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập; công khai bản kê khai tài sản, thu nhập; về minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập; xử lý hành vi tham nhũng được phát hiện qua hoạt động thanh tra, kiểm toán…

Thảo luận về các nội dung của dự thảo luật, các đại biểu cho rằng, dự thảo luật cơ bản tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo, định hướng của Đảng trong xây dựng Luật, bám sát kết quả tổng kết 10 năm thi hành Luật phòng, chống tham nhũng. Nhiều quy định trong dự thảo luật được sửa đổi bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, đồng bộ với hệ thống pháp luật.

Các đại biểu thảo luận tại phiên họp

Đa số ý kiến phát biểu bày tỏ tán thành thành với sự cần thiết mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật đối với công ty đại chúng và tổ chức tín dụng cũng như nội dung các quy định phòng chống tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, đây là dự án luật rất quan trọng, tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội nên một số nội dung lớn cần được tiếp tục nghiên cứu thêm, có báo cáo đánh giá tác động và giải trình một cách thuyết phục. Đặc biệt, đối với các nội dung mới được quy định trong dự thảo Luật như quy định về thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập; xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, tài sản, thu nhập tăng thêm chưa được giải trình hợp lý…cần sớm lấy đầy đủ ý kiến của các cơ quan liên quan, nghiên cứu, hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động của chính sách theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật./.

Bảo Yến