Kết thúc phiên họp toàn thể lần thứ 17 Ủy ban Tư pháp: Thẩm tra các Tờ trình, đề án của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao

24/04/2015

Ngày 24/4, tại Hà Nội, phiên họp toàn thể lần thứ 17 của Ủy ban Tư pháp đã kết thúc với buổi thẩm tra các Tờ trình, đề án của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc kiện toàn cơ cấu, tổ chức, bộ máy, nhân sự của Viện kiểm sát nhân dân các cấp theo quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014.

Ảnh: An Vy

Tờ trình đề nghị phê chuẩn Quyết định của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định về bộ máy làm việc của Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề xuất, Bộ máy làm việc của Viện kiểm sát nhân dân tối cao chia thành 4 khối gồm: Khối làm nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp và cơ quan điều tra; Khối tham mưu quản lý hành chính-nhà nước; khối phụ vụ và khối sự nghiệp công lập.

Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề xuất giữ nguyên tên gọi, chức năng, nhiệm vụ của 12 đơn vị theo quy định hiện hành. Thành lập mới Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án xâm phạm hoạt động tư pháp, tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp. Điều chỉnh Viện Khoa học kiểm sát thành Vụ Pháp chế và khoa học kiểm sát; điều chỉnh Vụ Kế hoạch - Tài chính thành Cục Tài chính - Hậu cần; điều chỉnh Phân hiệu Trường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP. Hồ Chí Minh thành Trường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP. Hồ Chí Minh; điều chỉnh tên gọi và nhiệm vụ của Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế, chức vụ thành Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế. 

Đa số các thành viên Ủy ban Tư pháp không tán thành với đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc chuyển Viện khoa học kiểm sát thành Vụ pháp chế và khoa học kiểm sát. Các đại biểu đề nghị giữ nguyên Viện khoa học kiểm sát hoặc chuyển thành Vụ Pháp luật, đồng thời tách hoạt động sự nghiệp sang đơn vị phù hợp. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng nếu thực sự cần thiết để phù hợp với cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của Viện khoa học kiểm sát theo quy định của pháp luật, đồng thời nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, công tác pháp chế của ngành Kiểm sát nhân dân trong thời gian tới thì Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thể nghiên cứu, rà soát về chức năng, nhiệm vụ, khối lượng công việc để xem xét đề nghị tách Viện khoa học kiểm sát thành 2 đơn vị là Vụ pháp luật và Viện khoa học kiểm sát...

Tờ trình về việc thành lập các Viện kiểm sát nhân dân cấp cao theo quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân đề nghị thành lập 3 Viện kiểm sát nhân dân cấp cao trên cơ sở 3 Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm hiện nay. Theo đó, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại miền Bắc, trụ sở đặt tại Hà Nội, tên gọi là Viện kiểm sát nhân dân khu vực miền Bắc; Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại miền Trung và Tây Nguyên, trụ sở đặt tại Đà Nẵng, tên gọi là Viện kiểm sát nhân dân cấp cao khu vực miền Trung và Tây Nguyên; Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại miền Nam, trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh, tên gọi là Viện kiểm sát nhân dân cấp cao khu vực miền Nam.

Đa số các ý kiến thành viên Ủy ban Tư pháp tán thành với đề xuất của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc thành lập 3 Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại 3 khu vực, bảo đảm sự kế thừa ổn định về tổ chức, bộ máy hiện có, đúng với yêu cầu của Nghị quyết số 39-NQ/TW; bảo đảm tính khả thi để thực hiện ngay các nhiệm vụ, quyền hạn vào ngày 1/06/2015

Tại phiên họp, Ủy ban Tư pháp cũng cho ý kiến về Tờ trình đề nghị phê chuẩn Quyết định của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc quy định bộ máy làm việc của Viện kiểm sát quân sự các cấp; Tờ trình đề nghị ban hành Nghị quyết về tổ chức Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương, Viện kiểm sát quân sự khu vực… Ủy ban Tư pháp tán thành với nội dung của Tờ trình của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc tổ chức 11 Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương, 28 Viện kiểm sát quân sự khu vực, và giải thể các Viện kiểm sát quân sự quân đoàn.

An Vy