CÁC BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH CỦA TÒA ÁN CHƯA ĐƯỢC CHẤP HÀNH NGHIÊM TÚC TẠI MỘT SỐ ĐỊA PHƯƠNG

24/08/2018

Sáng 22/8, trong khuôn khổ Phiên họp toàn thể lần thứ 10 của Ủy ban Tư pháp cho ý kiến về vấn đề chấp hành pháp luật tố tụng hành chính, nhiều đại biểu chỉ ra rằng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân và Ủy ban nhân dân một số địa phương chưa chấp hành nghiêm quy định thi hành bản án, quyết định hành chính của Tòa án.

Chán án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu

Khó khăn, vướng mắc trong việc xét xử, ra quyết định buộc thi hành án hành chính

Phát biểu tại phiên họp, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, sau khi Luật Tố tụng hành chính 2015 được ban hành và có hiệu lực từ 01/7/2016, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành một số nghị quyết hướng dẫn thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thi hành Luật Tố tụng hành chính và các nghị quyết hướng cẫn thi hành các quy định của Luật Tố tụng hành chính về phương thức tống đạt văn bản và biểu mẫu trong tố tụng hành chính. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân quan trọng làm hạn chế chất lượng, hiệu quả giải quyết các vụ án hành chính là sự tham gia tố tụng của người đại diện Ủy ban nhân dân(UBND) và Chủ tịch UBND rất hạn chế; UBND và Chủ tịch UBND chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ giao nộp, cung cấp chứng cứ. Cụ thể, rất nhiều vụ án, phía người bị kiện chập giao nộp, cung cấp chứng cứ; cá biệt có trường hợp không cung cấp chứng cứ.

Chánh án tòa án nhân dân tối cao nhấn mạnh, thực tế này vừa ảnh hưởng đến thời hạn giải quyết vụ án, vừa gây khó khăn cho Tòa án khi phải xét xử và quyết định về vu án. Tòa án không thể tiến hành giải quyết vụ án nếu chưa thu thập được các tài liệu, chứng cứ cần thiết. Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng hồ sơ vụ án, Tòa án có văn bản yêu cầu UBND các cấp cung cấp tài liệu, chứng cứ, nhưng Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND thường giao phó cho các cơ quan chuyên môn cung cấp. Các cơ quan này thường không cung cấp hoặc cung cấp không đúng thời hạn; thậm chí có trường không trả lời Tòa án. Ngoài ra, quá trình giám đốc thẩm, tái thẩm, Tòa án nhân dân tối cao phải ủy thác cho Tòa án địa phương tiến hành xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ; hoặc có văn bản yêu cầu UBND cung cấp tài liệu. Tuy nhiên, một số vụ án UBND không cung cấp.

Các đại biểu thảo luận tại phiên họp

Việc tồn đọng án hành chính chưa thi hành là một hạn chế lớn đã tồn tại qua nhiều năm

Tại phiên họp, Thường trực Ủy ban Tư pháp ghi nhận và đánh giá cao sự khẩn trương, nghiêm túc của nhiều địa phương trong việc tổ chức, thi hành các bản án, quyết định của Tòa án. Đồng thời khẳng định trong thời gian qua Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo, chấn chỉnh những tồn tại trong công tác thi hành án hành chính; số lượng các bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật bị tồn đọng, chưa được thi hành cũng giảm đáng kể.

Tuy nhiên, qua kết quả giám sát, Thường trực Ủy ban Tư pháp chỉ ra rằng, việc thi hành các bản án, quyết định hành chính của Tòa án thuộc trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh ở một số địa phương còn chưa được thực hiện nghiêm túc. Cụ thể: Vẫn còn hơn 35 bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa được Chủ tịch UBND và UBND thi hành, gây bức xúc cho người thi hành án, dẫn đến tiếp tục khiếu nại, khiếu kiện phức tạp, thậm chí có bản án có hiệu lực từ năm 2011 đến nay nhưng vẫn chưa được thi hành.

Đưa ra ý kiến về vấn đề này, nhiều đại biểu cho rằng, đối tượng phải thi hành loại án này là cơ quan và người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính của Nhà nước. Đây là đối tường phải nghiêm túc, gương mẫu nhất trong việc thực thi pháp luật. Tuy nhiên việc tồn đọng án hành chính chưa thi hành là một hạn chế lớn và đã tồn tại qua nhiều năm, cho thấy việc chất hành kỷ luật, kỷ cương còn chưa nghiêm, làm giảm lòng tin của người dân. 

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, cơ chế thi hành án hành chính là cơ chế tự nguyện thi hành do người phải thi hành án là cơ quan hành chính nhà nước nên pháp luật không quy định cưỡng chế thi hành án. Tuy nhiên, trong 03 năm, nhiều trường hợp Chủ tịch UBND và UBND không tự nguyện thi hành án dẫn đến người dân phải có đơn đề nghị Tòa án ra các quyết định buộc thi hành. Chưa kể đến một số địa phương chưa xác định rõ được trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác thi hành án hành chính; thậm chí có những UBND cấp tỉnh coi công tác thi hành án hành chính là công việc của cơ quan Thi hành án dân sự nên ủy quyền cho cơ quan Thi hành án dân sự thực hiện các nhiệm vụ mà lẽ ra UBND phải có trách nhiệm thực hiện.

Trên cơ sở những tồn tại trong việc chấp hành pháp luật về thi hành án hành chính, Thường trực Ủy ban Tư pháp và các đại biểu đề nghị Chính phủ cần làm rõ các nguyên nhân khách quan và chủ quan, đồng thời tiếp tục có biện pháp đảm bảo kỷ luật, nâng cao hiệu lực thi hành các bản án, quyết định hành chính của Tòa án. Thường trực Ủy ban cũng đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội danh sách cụ thể các cơ quan và người có thẩm quyền trong các cơ quan hành chính nhà nước là đối tượng phải thi hành nhưng không thi hành nghiêm túc hơn 35 bản án hành chính còn tồn đọng từ năm 2011 đến nay; kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của những người không thi hành án, có biện pháp xử lý nghiêm, đảm bảo kỷ cương trong bộ máy hành chính nhà nước; đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người được thi hành án.

Hồ Hương