Ủy ban Tư pháp tiến hành phiên họp toàn thể lần thứ 22

05/11/2015

Ngày 5/11, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Tư pháp tiến hành phiên họp toàn thể thứ hai mươi hai. Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tham dự phiên họp.

Ảnh: Hồ Hương

Tại phiên họp, các đại biểu đã dành toàn bộ thời gian để thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện chế định Thừa phát lại.

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Nghị quyết về việc thực hiện chế định Thừa phát lại được soạn thảo dưới hình thức nghị quyết chứa đựng quy phạm pháp luật. Bao gồm 09 điều quy định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại, trong đó các điều cơ bản được nâng từ quy định hiện hành tại Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 và Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013 của Chính phủ quy định cụ thể về tổ chức và hoạt động của chế định Thừa phát lại.

Tờ trình cũng nhấn mạnh, hoạt động của chế định Thừa phát lại đã góp phần bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong đời sống dân sự, trong quan hệ với cơ quan nhà nước và trong các hoạt động tố tụng; góp phần tạo môi trường pháp lý lành mạnh, bảo đảm các giao dịch dân sự, kinh tế đúng pháp luật.

Đối với hoạt động tư pháp, việc thí điểm chế định Thừa phát lại không những không cản trở mà còn hỗ trợ, giúp cho hoạt động tư pháp đúng pháp luật, hiệu quả hơn. Đồng thời, nâng cao ý thức, trách nhiệm, sự đóng góp của người dân, xã hội đối với hoạt động bổ trợ tư pháp, giảm tải công việc cho các cơ quan nhà nước, bớt gánh nặng cho ngân sách.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được hoạt động của chế định Thừa phát lại trong thời gian qua cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: kết quả thực hiện Thừa phát lại ở một số văn phòng chưa cao, hiệu quả của hoạt động xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành án còn thấp, thiếu cơ sở pháp lý để giải quyết triệt để. Do đó, cần thiết trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc thực hiện chính thức chế định Thừa phát lại.

Trong quá trình thực hiện thí điểm và xây dựng dự thảo Nghị quyết về chế định Thừa phát lại, đã có ý kiến khác nhau về một số vấn đề liên quan đến thẩm quyền của Thừa phát lại trong tổ chức thi hành án dân sự, đào tạo nghề Thừa phát lại, chính sách ưu đãi đối với tổ chức hành nghề Thừa phát lại.

Về hoạt động thi hành án của Thừa phát lại, được quy định tại Điều 4, 5 của dự thảo Nghị quyết, Tờ trình của Chính phủ cho rằng, Nghị quyết của Quốc hội cần quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Thừa phát lại trong hoạt động thi hành án.

Cụ thể Khoản 2, Điều 4 quy định: khi thực hiện công việc về thi hành án, Thừa phát lại có nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện thủ tục theo quy định của Luật thi hành án dân sự; có quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế và bảo đảm cưỡng chế theo quy định;

Khoản 2, Điều 5 quy định: trường hợp áp dụng biện pháp cưỡng chế cần huy động lực lượng thì cần xin ý kiến của Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự cấp huyện và phải được Cục trưởng Cục Thi hành án phê duyệt kế hoạch cưỡng chế.

Thảo luận về vấn đề này, một số đại biểu cho rằng, cưỡng chế là quyền lực đặc biệt, chỉ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng. Quy định thẩm quyền này không phù hợp với nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại. Đây cũng là nguyên nhân làm hạn chế hiệu quả và khó tạo sự đồng thuận của các cơ quan hữu quan đối với hoạt động Thừa phát lại. Do đó, các đại biểu đề nghị trong quá trình thi hành án, chỉ nên quy định Thừa phát lại áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế mà không có sự huy động lực lượng như: phong tỏa, khấu trừ tài khoản, thu nhập của người phải thi hành án…

Về đào tạo nghề Thừa phát lại, Thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại được quy định tại Khoản 2, Điều 2, Tờ trình cho biết công việc mà Thừa phát lại thực hiện trực tiếp hoặc gián tiếp đều liên quan đến hoạt động tố tụng, thủ tục đòi hỏi phải chặt chẽ và trong một số trường hợp phải sử dụng biện pháp cưỡng chế, đặc biệt là thực hiện chức năng thi hành án; việc tống đạt văn bản của Tòa án có yêu cầu cao về chuyên môn nghiệp vụ đỏi hỏi các Thừa phát lại phải có trình độ, năng lực và kinh nghiệm. Do đó, trong quá trình hoạt động, cần thiết phải đào tạo nghề Thừa phát lại, Thư ký nghiệp vụ.

Đa số các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết phải đào tạo nghề đối với Thừa phát lại và Thư ký nghiệp vụ. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị cần làm rõ sự khác nhau giữa nghiệp vụ Thừa phát lại với Chấp hành viên Thi hành án dân sự, nếu giống nhau thì cả 2 loại đối tượng này nên có chung một chương trình đào tạo, không cần thiết phải quy định riêng.

Về chính sách ưu đãi với tổ chức hành nghề Thừa phát lại (Điều 6), Tờ trình cho rằng, Nghị quyết cần quy định về việc Văn phòng Thừa phát lại được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian 5 năm kể từ ngày thành lập.

Thảo luận tại phiên họp, một số đại biểu cho rằng việc ưu đãi chỉ áp dụng trong giai đoạn thí điểm. Hơn nữa để bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật, việc ưu đãi về thuế cần phải do luật chuyên ngành quy định, không nên quy định ở Nghị quyết.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị, để phù hợp với phạm vi điều chỉnh, cần cân nhắc điều chỉnh lại tên của dự thảo Nghị quyết là Nghị quyết về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại.

Nguyễn Phương- Hồ Hương