TỌA ĐÀM VIỆC THỰC HIỆN GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP TRONG TRƯỜNG HỢP CẦN PHỐI HỢP NHIỀU CƠ QUAN, TỔ CHỨC

21/02/2020

Sáng 21/02 tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Tư pháp tổ chức tọa đàm "Việc thực hiện giám định tư pháp trong trường hợp cần phối hợp nhiều cơ quan, tổ chức" quy định trong dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng chủ trì buổi tọa đàm.

Tham dự buổi tọa đàm có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Luật; Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu;  đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; đại diện các Bộ, ngành, cơ quan hữu quan cùng các thành viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng phát biểu khai mạc Tọa đàm

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng cho biết, dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, góp ý của các bộ ngành liên quan, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã chủ trì tiếp thu các ý kiến. Tuy nhiên để hoàn thiện dự án luật, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra mong muốn nhận được các ý kiến đóng góp nhằm tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực thi luật. 

Trước đó, tại phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho ý kiến về trưng cầu giám định trong trường hợp cần có sự phối hợp giữa nhiều cơ quan, tổ chức giám định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành phương án chỉnh lý quy định tại khoản 4 Điều 25 dự thảo Luật và giao các cơ quan phối hợp rà soát kỹ, hoàn thiện Điều 25 theo hướng: xác định rõ trách nhiệm của người trưng cầu giám định; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức được giao chủ trì và các cơ quan, tổ chức tham gia thực hiện giám định. Ngoài ra, cần rà soát chỉnh lý các điều, khoản liên quan về trình tự thực hiện giám định nhằm bảo đảm tính khả thi và tháo gỡ vướng mắc hiện nay.

Tại tọa đàm các đại biểu tập trung thảo luận về thực tiễn công tác trung cầu giám định tư pháp theo trưng cầu của Cơ quan tiến hành tố tụng, những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực thi luật, nhất là việc có sự tham gia, phối hợp của nhiều cơ quan, tổ chức thực hiện giám định và kiến nghị phương án chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho rằng cần xác định rõ hơn trách nhiệm của cơ quan trưng cầu giám định trong việc phải trưng cầu đúng và cung cấp đủ tài liệu, cũng như ràng buộc trách nhiệm của cơ quan được trưng cầu phải cử người giám định, thực hiện trưng cầu, đồng thời chỉ rõ trách nhiệm cá nhân trong trường hợp bộ ngành từ chối giám định. Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh cần phải ràng buộc chặt trách nhiệm các bên.

Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học phát biểu tại Tọa đàm

Liên quan đến quy định về lưu trữ hồ sơ giám định, các đại biểu cho rằng Giám định viên không thể tự lưu trữ hồ sơ giám định do đó cần quy định rõ việc cơ quan nào lưu trữ tài liệu hồ sơ giám định. Thượng tá Lê Đức Trường - Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công an đề nghị quy định cơ quan chủ quản tổ chức được trưng cầu có trách nhiệm bảo quản, lưu trữ hồ sơ giám định theo quy định của pháp luật về lưu trữ, cụ thể, cơ quan tổ chức được trưng cầu thực hiện giám định tư pháp chịu trách nhiệm bảo quản hồ sơ.

Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị làm rõ thời hạn giám định tư pháp, trách nhiệm của các bộ ngành trong giám định tư pháp. Phó Vụ trưởng Vụ thực hành quyền công tố và Kiểm sát điều tra án Kinh tế - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Đào Thịnh Cường cho rằng cần bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về thời hạn giám định, quy định trách nhiệm của các bộ ngành, chuyên quản các lĩnh vực giám định trong việc ấn định thời hạn giám định cụ thể, đối với từng loại giám định trong quy trình giám định để đảm bảo tính đồng bộ, tương thích với quy định của pháp luật tố tụng, đặc biệt khắc phục tình trạng chậm trễ.

Cũng tại buổi tọa đàm, các đại biểu cũng kiến nghị bổ sung một số quy định về quyền, nghĩa vụ của người trưng cầu giám định, cơ quan tổ chức được trưng cầu giám định. Bổ sung quy định mang tính phân cấp trong tiếp nhận trưng cầu và thực hiện giám định ở cấp trung ương và cấp tỉnh để khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trong tiếp nhận và thực hiện giám định ở nhiều địa phương và Bộ ngành chủ quản.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng đánh giá cao ý kiến đóng góp của các đại biểu, đồng thời khẳng định đây sẽ là cơ sở để Ủy ban Tư pháp cùng cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục hoàn thiện, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 tới./. 

Bảo Yến - Trọng Quỳnh