ỦY BAN TƯ PHÁP TỔ CHỨC PHIÊN GIẢI TRÌNH VỀ TÌNH HÌNH AN TOÀN GIAO THÔNG

07/03/2019

Ngày 06/3, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Tư pháp tổ chức Phiên giải trình về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông đường bộ, đường bộ, đường sắt trong các năm 2017, 2018, đầu năm 2019 và giải pháp trong thời gian tới.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu khai mạc Phiên giải trình về tình hình an toàn giao thông

Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga chủ trì Phiên giải trình.

Tham dự có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH; Ban Công tác đại biểu, Ban Dân nguyện thuộc UBTVQH; đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tòa án Nhân dân Tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Giao thông và Vận tải, Bộ Thông tin và Truyền thông...

Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, bảo đảm trật tự an toàn giao thông là một nội dung rất quan trọng trong hoạt động của nhà nước, kết quả công tác này tác động trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày, sức khỏe, sinh mạng của người dân. Trước tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông diễn ra phức tạp, tai nạn giao thông nghiêm trọng với số người chết lên đến hàng nghìn người mỗi năm, Đảng, QH, Chính phủ đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để hạn chế tình trạng này. Mục tiêu giảm tai nạn giao thông từ 5-10% trên cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết và số người bị thương. Với những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong các năm gần đây, nhất là năm 2017, 2018 và đầu năm 2019, tình hình tai nạn giao thông đã được kiểm soát tốt hơn, kéo giảm trên cả 3 tiêu chí.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông, ngăn ngừa tai nạn giao thông còn những hạn chế, bất cập. Mặc dù có giảm về cả ba tiêu chí, nhưng số người chết vì tai giao thông vẫn rất cao và đáng báo động, mỗi năm khoảng trên 8.000 người chết; vẫn còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trong thời gian ngắn, làm chết và bị thương nhiều người. Cùng với đó, công tác quản lý người điều khiển phương tiện, giáo dục ý thức của người tham gia giao thông, quản lý vận tải, kết cấu hạ tầng giao thông, đăng kiểm, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, đăng ký phương tiện giao thông đường bộ… đều còn những hạn chế, tồn tại.

Tình trạng nêu trên đặt ra yêu cầu cần đánh giá chính xác, khách quan và toàn diện việc chấp hành các quy định của pháp luật trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, nhất là giao thông đường bộ, đường sắt; đánh giá đúng tình hình tai nạn giao thông; kết quả điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xâm phạm an toàn giao thông. Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan chưa thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.

Các đại biểu dự Phiên giải trình cho rằng, trong hai năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã quan tâm, chú trọng thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên phạm vi cả nước. Các đại biểu chỉ rõ tồn tại về hạ tầng giao thông chưa theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội. Công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm của lực lượng cảnh sát giao thông chưa triệt để, hiệu quả chưa cao. Mặc dù số lượng các vi phạm được phát hiện qua công tác tuần tra, kiểm soát là khá lớn nhưng vẫn chưa phản ánh đúng thực trạng vi phạm hiện nay. Tỷ lệ xử phạt vi phạm pháp luật về an toàn giao thông còn thấp, vẫn còn tình trạng “chung chi” trong xử phạt vi phạm.

Toàn cảnh Phiên giải trình về tình hình an toàn giao thông 

Trong phát biểu kết luận Phiên giải trình, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá cao sự số gắng, nỗ lực của các lực lượng chức năng trực tiếp thực thi nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trong đó có lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, đồng tình với các giải pháp các bộ, ngành đưa ra.

Đối với QH, trước tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm TTATGT đang diễn ra phức tạp, tình hình TNGT nghiêm trọng, với số lượng lớn, đáng báo động về số người chết, người bị thương, Chủ nhiệm UB Tư pháp đề nghị QH tăng cường giám sát tối cao về việc chấp hành các quy định của pháp luật về TTATGT.

Đối với Chính phủ cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức giao thông, hướng dẫn người tham gia giao thông cũng như hỗ trợ công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về TTATGT. Bộ Công an đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm đối với hành vi vi phạm quy định của Luật Giao thông đường bộ. Đề nghị lắp đặt 100% hệ thống camera tại các điểm tuần tra, kiểm soát giao thông và kiểm soát tải trọng phương tiện, bảo đảm công khai, minh bạch và hiệu quả.

Bộ Giao thông Vận tải nâng cao hiệu quả công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh để yêu cầu các cơ sở đào tạo bắt buộc phải có thiết bị giám sát thời gian học lý thuyết tập trung, thời gian học lái xe.  

Bộ Y tế tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động khám và cấp giấy khám sức khỏe cho người học lái xe và người tham gia điều khiển phương tiện giao thông. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, các bộ, ngành có liên quan trong việc quy định và tổ chức thực hiện việc kiểm tra chất ma túy, nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông...

Sau Phiên giải trình, Ủy ban Tư pháp sẽ hoàn thiện báo cáo kết quả và kiến nghị gửi đến các cơ quan hữu quan, Chủ nhiệm UB Lê Thị Nga cho biết.

(Theo Báo Đại biểu Nhân dân)