PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH DỰ PHIÊN HỌP THẨM TRA BÁO CÁO CÔNG TÁC NĂM 2021 CỦA CHÍNH PHỦ, VKSNDTC, TANDTC CỦA THƯỜNG TRỰC ỦY BAN TƯ PHÁP

06/09/2021

Sáng 06/9, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Lê Thị Nga, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức phiên họp thường trực mở rộng về thẩm tra các Báo cáo công tác năm 2021 của Chính phủ, VKSNDTC, TANDTC và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định tới dự và phát biểu chỉ đạo.

Toàn cảnh Phiên họp.

Tham dự phiên họp còn có sự tham gia của các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp và các Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; đại diện lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành của Chính phủ như Bộ Công an, Bộ Tư pháp, đại diện lãnh đạo Tổng Thanh tra Chính phủ; đại điện lãnh đạo VKSNDTC; đại diện lãnh đạo TANDTC; đại diện lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, như thường lệ vào cuối năm, Ủy ban Tư pháp thẩm tra các Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, Báo cáo của VKSNDTC, TANDTC cũng như Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, do dịch bệnh Covid-19, phiên họp toàn thể nhưng tổ chức họp thường trực mở rông, sau đó sẽ xin ý kiến các thành viên của Ủy ban Tư pháp về dự thảo báo cáo. Trong vài năm trở lại đây, đại diện của Chính phủ, VKSNDTC và TANDTC đã gửi trước nội dung các báo cáo nên không trình bày tại phiên họp để tiết kiệm thời gian. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh, phiên họp tập trung trình bày các nhóm ý kiến nghiên cứu của từng báo cáo, sau đó các đại biểu thảo luận về các báo cáo này. Cơ quan tư pháp và Thanh tra Chính phủ giải trình các ý kiến làm rõ các nội dung liên quan.

Trình bày ý kiến nghiên cứu về Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa cho biết, Báo cáo của Chính phủ về cơ bản đã bám sát vào các yêu cầu theo đề cương báo cáo của Ủy ban Tư pháp. Báo cáo đã đánh giá được tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật, chỉ ra những mặt đạt được, hạn chế và nguyên nhân của công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2021; đã đưa ra dự báo về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2022 và những kiến nghị cụ thể nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc để nâng cao chất lượng của công tác này; đồng thời triển khai có hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội trong hoạt động phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa cũng cho biết, năm nay, Báo cáo cũng có sự đổi mới thống kê được cụ thể các loại tội phạm, báo cáo cụ thể được kết quả, tiến độ thực hiện các kiến nghị của Ủy ban Tư pháp tại Báo cáo thẩm tra năm 2020 và các năm trước, đồng thời có gửi kèm theo Phụ lục được kẻ bảng so sánh số liệu với năm 2020.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa.

Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa cho rằng, Báo cáo của Chính phủ vẫn chưa đánh giá được tổng thể tình hình xử lý vi phạm hành chính trên toàn quốc; việc triển khai thực hiện một số kiến nghị của Ủy ban Tư pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác phòng, chống tội phạm còn chậm. Qua đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa cũng đề xuất một số kiến nghị với Chính phủ nhằm sớm khắc phục những hạn chế đã nêu trong báo cáo thẩm tra và tiếp tục có những biện pháp nâng cao năng lực quản lý nhà nước, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực công nghệ thông tin, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, môi trường, an toàn thực phẩm, thực hiện các gói hỗ trợ an sinh xã hội… để hạn chế điều kiện phát sinh vi phạm pháp luật, tội phạm và kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh đối với những vi phạm pháp luật, tội phạm trên các lĩnh vực này. Do sự tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân do dịch Covid-19 gây ra, đề nghị Chính phủ cần có kế hoạch, dự báo đánh giá tác động của những nguyên nhân này đối với tình hình an ninh trật tự xã hội trong thời gian tới và đưa ra những phương hướng phòng ngừa hiệu quả, không để xảy ra những tình huống đột xuất, bất ngờ.

Tại phiên họp, các đại biểu cũng đã nghe Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy trình bày ý kiến nghiên cứu về Báo cáo của Viện trưởng VKSNDTC về công tác của ngành Kiểm sát năm 2021 và Báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của ngành Kiểm sát năm 2021; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Hoàng Văn Liên trình bày ý kiến nghiên cứu về Báo cáo của Chánh án TANDTC về công tác của ngành Tòa án năm 2021 và Báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của ngành Tòa án năm 2021; nghe Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà trình bày ý kiến nghiên cứu về Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án năm 2021; nghe Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường trình bày ý kiến nghiên cứu về Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu ý kiến chỉ đạo.

Phát biểu ý kiến chỉ đạo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, 5 báo cáo đã được nghiên cứu cụ thể, số liệu báo cáo từ ngày 1/10/2020 đến 31/07/2021 là 10 tháng và các cơ quan nghiên cứu tiếp tục tổng kết thêm 2 tháng nữa và sau đó Ủy ban Tư pháp sẽ tổ chức phiên họp toàn thể để thẩm tra lại. Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, phiên họp này là bước đầu chuẩn bị để các phiên họp sau thẩm tra đầy đủ, toàn diện hơn. Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước biến động, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động mạnh tới tất cả các mặt của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có hoạt động của Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Thanh tra Chính phủ, các cơ quan thi hành án Tuy nhiên, thời gian qua, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, cải cách tư pháp được triển khai mạnh mẽ, có nhiều đề án mới, có sự tham gia tích cực của các cơ quan, trong đó có Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, 10 tháng qua, khó khăn nhiều hơn thuận lợi, thách thức nhiều hơn cơ hội, tình hình tội phạm tăng lên, nhưng các cơ quan đã phối hợp chặt chẽ, có nhiều đổi mới để thích ứng với tình hình dịch bệnh, chủ động nghiên cứu, đề xuất, phối hợp với nhau để khắc phục những khó khăn, hạn chế. Qua các báo cáo, Phó Chủ tịch Quốc hội nhận thấy các cơ quan đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ nhiều cơ chế, chính sách, nhiều văn bản mới, khẩn trương quy định chi tiết và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Các cơ quan cũng đã tham mưu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, từng cơ quan xử lý nhiều tình hình cụ thể theo chức năng, nhiệm vụ của mình có kết quả, vừa linh hoạt ứng phó với dịch bệnh và điều kiện khó khăn, vừa phù hợp với tình hình và yêu cầu nhiệm vụ phải đổi mới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, các Báo cáo và các ý kiến nghiên cứu đã nêu được rất nhiều số liệu, có nhiều kết quả tích cực, báo cáo nghiên cứu tốt hơn, thấy được sự so sánh tiến bộ hơn so với năm trước. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Báo cáo thẩm tra năm nay cần nêu nổi bật các vấn đề có gì khác so với năm trước, tình hình, kết quả khác gì năm trước, có gì tốt hơn, có gì xấu hơn, và năm nay khắc phục được những vấn đề gì, đồng thời báo cáo cũng cần nhận diện được những nguyên nhân mới xuất hiện trong năm nay và tìm cách khắc phục những hạn chế trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, qua đó tìm ra được bài học kinh nghiệm, giải pháp khắc phục các vấn đề này và các bài học kinh nghiệm rút ra có gì mới so với năm trước.

Cho rằng Ủy ban Tư pháp là một trong những Ủy ban nòng cốt của Quốc hội, phụ trách khối lượng công việc khó, sâu, đòi hỏi phải có bản lĩnh, Ủy ban đã luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, giữ được lề lối làm việc, kỷ luật kỷ cương, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định mong muốn Ủy ban Tư pháp tiếp tục phát huy tốt hơn nữa trong thời gian tới. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Ủy ban Tư pháp tiếp tục chủ động phối hợp với các cơ quan của Chính phủ, VKSNDTC, TANDTC, tăng cường phối hợp từ xa, từ sớm, không muốn bị động thì phải chủ động hơn nữa, xây dựng kế hoạch phối hợp, thường xuyên làm việc với nhau, định kỳ hàng tháng, hàng quý, góp ý để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, góp phần tiết kiệm thời gian. Phó Chủ tịch Quốc hội nhận thấy, các báo cáo thẩm tra rất chi tiết, cụ thể, có khái quát và phân tích, đánh giá thẳng thắn, đề nghị các cơ quan tiếp thu giải trình, những vấn đề đã thống nhất thì báo cáo ngắn gọn với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, những vấn đề còn ý kiến khác nhau thì đưa ra thảo luận. 

Các đại biểu tham dự Phiên họp.

Tại phiên họp, các đại biểu thảo luận, cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021, Báo cáo về công tác của ngành Kiểm sát năm 2021, Báo cáo về công tác của ngành Tòa án năm 2021, Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021.

Cho ý kiến về Báo cáo về phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, đại biểu Vũ Trọng Kim bày tỏ quan ngại đến tội phạm về trật tự xã hội, cho rằng tội phạm này diễn biến phức tạp, số vụ việc rất lớn, đề nghị cần làm rõ hơn nguyên nhân chủ quan, khách quan của những vụ việc này để giảm mạnh, từ đó người dân hiểu và chia sẻ, xây dựng nhận thức chung về các vụ việc xảy ra để có những đánh giá đúng.

Về tội phạm tham nhũng, Đảng, Nhà nước đã có những biện pháp quyết liệt để ngăn chặn tội phạm tham nhũng, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, theo đại biểu Vũ Trọng Kim, thực tế cho thấy, tội phạm tham nhũng, tội phạm kinh tế diễn biến phức tạp, lây lan sang các lĩnh vực khác như y tế. Các tội phạm này xâm hại lợi ích quốc gia vào những lĩnh vực không nên có, không đáng có. Bên cạnh đó, tham nhũng trong hoạt động từ thiện đã có từ lâu nhưng là vấn đề mới không được nêu trong Báo cáo. Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, tội phạm này ngày càng tinh vi và tác hại rất lớn nhưng báo cáo của Chính phủ chưa được đề cập sâu sắc. Đại biểu Vũ Trọng Kim đề nghị Báo cáo cần làm rõ hơn các nội dung này cũng như công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Đề cập đến Báo cáo về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021, Phó Viện trưởng VKSNDTC Trần Công Phàn cho rằng, báo cáo cơ bản nêu được các biện pháp trong việc đấu tranh chống tội phạm. Dưới góc độ cơ quan tư pháp, Phó Viện trưởng VKSNDTC Trần Công Phàn nhận thấy, vi phạm của tội phạm không những không giảm mà còn tăng và có chiều hướng phức tạp hơn, đồng thời băn khoăn liệu tăng ở đây là số lượng tuyệt đối, tăng ở các vụ tố tụng hay số lượng tội phạm tăng, do đó báo cáo cần đánh giá lại. Ông Trần Công Phàn cũng lưu ý báo cáo cần đánh giá thêm tội phạm trong tình hình hiện nay, nhất là tội phạm lừa đảo qua mạng và tội phạm lừa đảo trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Đại biểu Phan Đức Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình, đề nghị Báo cáo cần đánh giá thêm về tình hình phòng, chống tham nhũng, doanh nghiệp cũng là đối tượng dễ bị tống tiền, liệu họ gặp vấn đề đến đâu, có nghiêm trọng hay không, do đó báo cáo cần xem xét, đánh giá về nội dung này. Đại biểu đề nghị cần nâng cao nhận thức người dân, cần có đường dây nóng để người dân được tiếp cận nhanh nhất, cảnh báo về các vấn đề để người dân tự đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Liên quan đến báo cáo về công tác của VKSNDTC và TANDTC, đại biểu Phan Đức Hiếu cho rằng, Báo cáo mới chỉ dừng lại về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của ngành ở con số nhiều hay ít, cần nhìn sâu hơn về mặt chất lượng và đánh giá thêm về nội dung này. Đại biểu Phan Đức Hiếu kiến nghị Báo cáo cần đánh giá về mặt thời gian đã cải thiện hay chưa, ý kiến phản hồi của người dân và doanh nghiệp có thật sự hài lòng về chất lượng của VKSNDTC và TANDTC hay không. Về Báo cáo về công tác của TANDTC, đại biểu Phan Đức Hiếu đề nghị cần đào tạo kiến thức dành cho cấp xét xử sơ thẩm, rà soát Luật Phá sản, đánh giá tổng kết thi hành Luật Phá sản trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 nhằm giảm thiểu rủi ro cho kinh tế - xã hội.

Trên cơ sở các ý kiến tại phiên họp, Thường trực Ủy ban Tư pháp hoàn thiện báo cáo thẩm tra sơ bộ và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Phiên họp thứ 3, dự kiến khai mạc vào ngày 13/9 tới./.

Bích Ngọc - Minh Hùng