ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI UBND TỈNH ĐẮK LẮK VỀ PHÒNG, CHỐNG XÂM HẠI TRẺ EM

03/10/2019

Ngày 03/10, tại Tp. Buôn Ma Thuột, Đoàn giám sát của Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em do Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga làm Trưởng đoàn có cuộc làm việc với UBND tỉnh Đắk Lắk.

Cùng dự có đại diện Thường trực Ủy ban Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND tỉnh và các sở, ngành có liên quan của Đắk Lắk…

Báo cáo của tỉnh cho thấy, Đắk Lắk có gần 510 nghìn trẻ em, chiếm 26% dân số. Trong giai đoạn 2015 - 2019, toàn tỉnh xảy ra 279 vụ trẻ em (222 bé gái và 57 bé trai) bị xâm hại, nhiều vụ việc để lại tác động mạnh về thể chất, tinh thần. Đối tượng xâm hại trẻ em có người ruột thịt, người thân, có giáo viên, cán bộ, nhân viên tại các cơ sở giáo dục, thậm chí đối tượng là người có trách nhiệm chăm sóc chữa bệnh, người quen và đối tượng khác. Tội phạm xâm hại trẻ em trên địa bàn chủ yếu mang tính bột phát, đơn lẻ, nhưng được nhận định diễn biến khá phức tạp. Đáng chú ý, theo thống kê của tỉnh, số trẻ em đang độ tuổi đi học nhưng không được đến trường trong toàn tỉnh lên tới hơn 10 nghìn em.


Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại buổi làm việc

UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ, xâm hại trẻ em tại địa phương… Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là nhận thức của một bộ phận lãnh đạo, cán bộ về xâm hại trẻ em vẫn chưa thật thông suốt. Hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em, nhất là văn bản dưới luật còn để lộ nhiều khoảng trống, như: khung hình phạt chưa đủ mức răn đe tội phạm bạo lực, xâm hại trẻ em; công tác tuyên truyền đến vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế; tình trạng xâm hại, bạo lực trẻ em, buôn bán, bắt cóc trẻ em vì mục đích thương mại, trẻ em vi phạm pháp luật vẫn xảy ra… Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền cơ sở một số nơi chưa thực sự làm hết trách nhiệm, việc phối hợp giữa các ngành còn hạn chế. Điều đặc biệt là nhiều gia đình, cha mẹ, người chăm sóc trẻ và chính trẻ em chưa chủ động thông tin, tố giác tội phạm.

Kiến nghị với Đoàn giám sát, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị đề xuất nghiên cứu, bổ sung các tình tiết tăng nặng tội danh bạo lực, xâm hại tình dục đối với trẻ em. Trung ương cần ưu tiên nguồn lực, hoặc phân luồng các dự án phát triển trẻ em cho các địa bàn miền núi, biên giới nhiều khó khăn.

Các thành viên trong Đoàn giám sát đã trao đổi, thảo luận với tỉnh về thực trạng công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, làm rõ những khó khăn, hạn chế, vướng mắc, xác định nguyên nhân của hạn chế, vướng mắc; trách nhiệm và việc xử lý trách nhiệm đối với tập thể và cá nhân có liên quan; bàn các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em. Có ý kiến đề nghị tỉnh lưu tâm hơn tới vai trò của ngành giáo dục tại địa phương, bởi phần lớn thời gian trẻ gắn bó trong ngày chính là môi trường sư phạm; thầy cô giáo cũng có tác động mạnh mẽ đến con trẻ. Có đại biểu đặt vấn đề môi trường mạng quá mở hiện nay cũng là nguyên nhân tiếp tay cho tình trạng dụ dỗ, xúi giục trẻ em được dễ dàng hơn…

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga ghi nhận kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em của Đắk Lắk có nhiều điểm tích cực, từ chỉ đạo đến hành động của ngành chức năng và thực hiện quyền trẻ em. Khi có vụ việc xảy ra, tỉnh chỉ đạo thực hiện khá kịp thời, nghiêm minh, có một số mô hình tốt trong phòng, chống xâm hại trẻ em. Tuy nhiên, tình hình xâm hại trẻ em trên địa bàn có chiều hướng tăng và diễn biến phức tạp. Đặc biệt là một số vụ nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận, đối tượng xâm hại và người bị xâm hại phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số.

Đoàn giám sát ghi nhận những kiến nghị của Đắk Lắk; cho biết sẽ tổng hợp đầy đủ hoàn thiện báo cáo kết quả giám sát, để Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Trước tình trạng trẻ có nguy cơ xâm hại vẫn còn cao, Chủ nhiệm UB Lê Thị Nga yêu cầu Đắk Lắk đánh giá đúng công tác thực hiện nhiệm vụ của cơ quan liên quan, đặc biệt là ngành lao động - thương binh và xã hội. Cùng với đó, lực lượng công an và ngành giáo dục, Hội phụ nữ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cũng phải tham gia tích cực hơn. Chủ nhiệm UB Lê Thị Nga đề nghị, UBND tỉnh Đắk Lắk nên bố trí tổ chức một hội nghị toàn tỉnh, nhằm rà soát, đánh giá việc thực hiện các phần việc của từng ngành, từng địa phương, từ đó dự báo sát tình hình và xây dựng chương trình hành động cụ thể, phù hợp.

(Lê Tùng - Báo Đại biểu nhân dân)