ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VỀ PHÒNG, CHỐNG XÂM HẠI TRẺ EM LÀM VIỆC TẠI CƯ M'GAR, ĐẮK LĂK

02/10/2019

Ngày 02/10, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát của Quốc hội Lê Thị Nga đã dẫn đầu Tổ công tác số làm việc với UBND huyện Cư M’Gar, Đắk Lắk về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Cư M’Gar là huyện khó khăn của tỉnh Đắk Lắk có15 xã, 2 thị trấn, 189 thôn, buôn, tổ dân phố. Dân số của huyện là trên 185.000 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 50% và chủ yếu là dân tộc Êđê, đời sống vật chất, tinh thần đa số còn nhiều khó khăn. Tổng số trẻ em đang cư trú trên địa bàn huyện là 50.400 em; không có trẻ lang thang, không nơi cư trú.


Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát của Quốc hội Lê Thị Nga phát biểu tại buổi làm việc

Báo cáo của huyện cho thấy, dù đã có nhiều nỗ lực trong phát triển kinh tế, nâng cao nhận thức cũng như công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nhưng từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn vẫn xảy ra 73 vụ, khiến 77 trẻ em bị xâm hại… Đa số đối tượng thực hiện hành vi xâm hại thường là người trẻ, là họ hàng, thân thích, là hàng xóm hay các đối tượng quen qua mạng xã hội. Lãnh đạo huyện Cư M’Gar thẳng thắn chỉ rõ nguyên nhân khiến tình hình xâm hại trẻ em tại địa phương cao hơn những nơi khác là do tác động của nền kinh tế thị trường. Điều kiện kinh tế tại một số xã vùng sâu còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn thấp. Thêm vào đó, đa phần các vụ xâm hại là do thiếu sự quan tâm từ phía gia đình, ví dụ ly hôn hoặc hoàn cảnh quá khó khăn khiến cha mẹ phải đi làm ăn xa… Ngoài ra, một phần cũng do ảnh hưởng của văn hóa phẩm, phim, ảnh khiêu dâm, kích dục trên các trang mạng internet.

Các thành viên trong Đoàn công tác đã đặt nhiều câu hỏi về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em như: Công tác tuyên truyền; việc tiếp nhận thông tin; xử lý đối tượng cũng như những khó khăn về nhân sự hay sự phối hợp giữa các ban, ngành trong công tác phòng chống xâm hại trẻ em tại địa phương… Có đại biểu đặt vấn đề, cơ quan chức năng trên địa bàn huyện cần xem lại chất lượng của công tác tuyên truyền để giúp toàn hệ thống chính trị và người dân hiểu rõ hơn về khái niệm “xâm hại” bởi trẻ em bị xâm hại còn có cả trẻ em bị bỏ rơi, bạo lực nhà trường cũng là xâm hại, không nên hiểu đơn thuần là chỉ có xâm hại tình dục.


Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói chuyện với học sinh khối 6 trường Dân tộc nội trú THCS Cư M’Gar

Tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga ghi nhận một số kết quả tích cực trong công tác thực hiện chính sách pháp luật phòng, chống xâm hại trẻ em của huyện Cư M’Gar, nhất là trong bối cảnh kinh tế địa phương còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bà Lê Thị Nga cũng thẳng thắn chỉ ra công tác tuyên truyền còn chưa hiệu quả. Khi đoàn khảo sát tại Trường Dân tộc nội trú THCS huyện, hầu hết các em học sinh (khối 6, 7 và 9) trả lời phỏng vấn của Đoàn đều chưa hiểu được khái niệm “xâm hại”. Ngay cả tổng đài/đường dây nóng 111 (miễn phí) để trẻ em tố giác tội phạm khi bị xâm hại cũng không một học sinh nào biết. Công tác thanh tra, kiểm tra chuyên đề cũng chưa thường xuyên, việc phối hợp giữa các ban, ngành từ tỉnh xuống huyện còn nhiều hạn chế...

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu các cơ quan hữu quan phải cảnh giác với tỷ lệ “tội phạm ẩn” trong các vụ việc xâm hại trẻ em bởi xâm hại tình dục trẻ em là một dạng tội phạm ẩn tương đối lớn, những con số được thống kê chỉ là những vụ việc được phát hiện. Đa phần các em bị xâm hại có hoàn cảnh khó khăn, không được quan tâm đầy đủ, bị đẩy ra ngoài xã hội, làm thuê làm mướn, gia đình tan vỡ phải ở với bố dượng, người quen… Vì vậy, khi bị xâm hại một phần không có người chia sẻ, mặt khác do mặc cảm nên không tố cáo.

(Lê Tùng - Báo Đại biểu nhân dân)