ỦY BAN TƯ PHÁP GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ VIỆC CHẤP HÀNH PHÁP LUẬT VỀ GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ

05/09/2019

Sáng ngày 05/9, tiếp tục chương trình phiên họp toàn thể lần thứ 13, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội giám sát “Việc thực hiện chấp hành pháp luật về giám định tư pháp trong tố tụng hình sự”. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga chủ trì phiên họp.

Tham gia phiên họp còn có Thứ trưởng Bộ Công an Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh, đại diện lãnh đạo các Bộ ngành, cơ quan hữu quan cùng các thành viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

Ủy ban Tư pháp giám sát "Việc chấp hành pháp luật về giám định tư pháp trong tố tụng hình sự"

Thực hiện Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và chương trình công tác năm 2019, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thành lập Đoàn giám sát về “Việc chấp hành pháp luật về giám định tư pháp trong tố tụng hình sự”. Đoàn giám sát của Ủy ban Tư pháp đã yêu cầu Ủy ban nhân dân, Phòng kỹ thuật hình sự công an tỉnh, Trung tâm pháp y các địa phương xây dựng và gửi báo cáo; Đoàn giám sát cũng đã làm việc với các cơ quan hữu quan tại 7 tỉnh, thành phố và nghe các Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao báo cáo việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác giám định tư pháp.

Nội dung giám sát gắn với chương trình xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 tới.

Công tác giám định tư pháp góp góp phần tích cực vào công cuộc đấu tranh, phòng, chống tội phạm

Trình bày tóm tắt kết quả giám sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Pha, Phó Trưởng Đoàn giám sát cho biết, thời gian qua trên cơ  sở Luật Giám định tư pháp và các văn bản pháp luật có liên quan, công tác giám định tư pháp trong tố tụng hình sự cơ bản đáp ứng yêu cầu của công tác điều tra, truy tố, xét xử, góp phần tích cực vào công cuộc đấu tranh, phòng, chống tội phạm.

Các tổ chức giám định tư pháp công lập đã được củng cố, hoàn thiện ở 3 lĩnh vực giám định chuyên trách (pháp ý, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự) cơ bản đáp ứng yêu cẩu của Luật. Các tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc đã được thành lập trong các lĩnh vực tài chính, thuế, ngân hàng, xây dựng, công thương, tài nguyên và môi trường...

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Pha trình bày tóm tắt kết quả giám sát

Cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, một số loại tội phạm gia tăng và diễn biến phức tạp, do đó số lượng các vụ giám định tư pháp được thực hiện theo yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng ngày càng nhiều. Lĩnh vực kỹ thuật hình sự trong Công an nhân dân, trung bình mỗi năm tiến hành giám định gần 75.000 vụ, giám định pháp y trong Công an nhân dân trung bình mỗi năm thực hiện khoảng 12.811 vụ việc, Viện pháp y quốc gia của Bộ Y tế tiến hành giám định 14.821 vụ việc. Cùng với đó giám định tư pháp theo vụ việc tăng nhanh trong những năm gần đây, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, đất đai cơ bản đáp ứng công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng.

Nguyên nhân tồn tại, hạn chế chủ yếu từ khâu tổ chức triển khai thực hiện

Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện còn một số tồn tại hạn chế, khó khăn vướng mắc cần được các cơ quan có thẩm quyền phân tích, đánh giá, nghiên cứu toàn diện để đề ra phương hướng khắc phục trong thời gian tới. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Pha nêu rõ, qua giám sát cho thấy nhiều tồn tại hạn chế phát sinh chủ yếu do quá trình tổ chức triển khai thực hiện mà không phải do các quy định của Luật.

Trong đó, nhiều bộ ngành chưa ban hành đủ quy chuẩn chuyên môn theo yêu cầu và đặc thù của ngành, lĩnh vực của mình hoặc một số quy chuẩn chuyên môn chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung để phục vụ giám định tư pháp. Đa số các bộ ngành chưa ban hành được quy trình giám định chuẩn ở một số lĩnh vực. Công tác phối hợp giữa cơ quan trưng cầu giám định với cá nhân, tổ chức giám định tư pháp trong một số trường hợp chưa chặt chẽ thường xuyên, còn có tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.

Điều này xuất phát từ việc một số bộ ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác giám định tư pháp. Chất lượng trưng cầu giám định chưa thực sự bảo đảm, trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong trưng cầu giám định chưa cao. Năng lực trình độ của một số giám định viên còn hạn chế.

Cần quan tâm giải quyết vấn đề kinh phí và con người thực hiện giám định tư pháp

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cơ bản đồng tình với các nhận định của Đoàn giám sát trong đó nhấn mạnh tồn tại, hạn chế trong công tác giám định tư pháp hiện nay chủ yếu xuất phát từ khâu tổ chức thực hiện, sự phối hợp giữa các cơ quan trong thực hiện giám định tư pháp.

Theo đại biểu Nguyễn Bá Sơn, thực tế mọi việc vẫn đang vận hành rất tốt, chỉ tồn tại một số hạn chế như trưng cầu giám định của các cơ quan có những yêu cầu không chính xác, thời gian gần đây nổi lên hiện tượng dường như cơ quan điều tra ở một số địa phương dựa vào kết luận giám định đưa ra kết luận điều tra thay cho hoạt động điều tra chuyên môn. Điều này cần quan tâm, lưu ý. Đại biểu cũng cho rằng vướng mắc nhiều nhất là về kinh phí phục vụ công tác giám đinh và đào tạo giám định viên và đề nghị Quốc hội cần quan tâm hỗ trợ cho các địa phương về vấn đề này.

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Tp.Đà Nẵng, Ủy viên Ủy ban Tư pháp, phát biểu tại phiên họp

Đại biểu Nguyễn Quang Dũng phản ánh tình trạng còn thiếu giám định viên trong một số lĩnh vực chuyên môn, một số lĩnh vực không có đủ giám định viên, một số cơ quan không cử người, không có danh sách giám định viên. Điều này xuất phát từ sự thiếu quan tâm của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương. Cùng với đó là tình trạng đùn đẩy trách nhiệm và sự phối hợp giữa cơ quan trưng cầu với người thực hiện, cơ quan thực hiện giám định. Dẫn đến thời gian giám định kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết các vụ án.

Trao đổi thêm tại phiên họp, đại diện lãnh đạo các Bộ như Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Công an… cho biết các Bộ đều tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao theo quy định của Luật Giám định tư pháp theo đúng chức năng, nhiệm vụ chuyên môn. Hầu hết các yêu cầu giám định đều được trả lời, cơ bản đáp ứng  yêu cầu về thời hạn.

Thứ trưởng Bộ Công an Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết, trong quá trình tổ chức thực hiện cho thấy các quy định của Luật Giám định tư pháp tương đối phù hợp, các nội dung quy định rõ ràng, chặt chẽ, đầy đủ. Tuy nhiên khó khăn vướng mắc nhất hiện nay là hoạt động của các tổ chức giám định tư pháp liên quan đến giám định vụ việc, về quy chuẩn trong giám định liên quan đến trách nhiệm của các Bộ

Đồng tình với ý kiến giám định theo vụ việc chưa có tổ chức chuyên môn mà chia về các bộ, ngành thực, yêu cầu đặt ra đối với các giám định viên phải có trình độ cao hơn người thực hiện cũng như có khả năng trình bày quan điểm trước tòa…nên nhiều khi vượt quá khả năng thực tế của các Bộ, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Do đó, Bộ Công an cũng có kiến nghị các bộ, ngành xây dựng tổ chức giám định trong cơ quan mình, bồi dưỡng giám định viên, xây dựng quy chuẩn thực hiện; đồng thời đề nghị Đoàn giám sát quan tâm đến vướng mắc trong chi trả chi phí giám định.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga kết luận nội dung thảo luận

Kết luận nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá cao các ý kiến phát biểu đóng góp tại phiên họp, đồng thời cho biết Uỷ ban Tư pháp sẽ tổng hợp đầy đủ và sẽ được tiếp thu, nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện báo cáo kết quả giám sát, phục vụ trong quá trình xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp./.

Bảo Yến - Nghĩa Đức