HÌNH ẢNH ỦY BAN TƯ PHÁP TIẾP TỤC THẢO LUẬN VỀ CÁC BÁO CÁO VỀ PHÒNG CHỐNG TỘI PHẠM, VI PHẠM PHÁP LUẬT, BÁO CÁO CÔNG TÁC TƯ PHÁP VÀ THI HÀNH ÁN

04/09/2019

Tiếp tục chương trình phiên họp toàn thể lần thứ 13, sáng 04/9, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tiếp tục thảo luận, cho ý kiến thẩm tra về báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật năm 2019; các báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và báo cáo công tác thi hành án năm 2019.

Phiên toàn thể lần thứ 13 của Ủy ban Tư pháp dự kiến diễn ra từ ngày 03-06/9, thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2019; báo cáo công tác của ngành Kiểm sát, ngành Tòa án năm 2019; báo cáo công tác thi hành án; thẩm tra đối với 02 dự án Luật.

Tại phiên họp sáng 04/9, các đại biểu tiếp tục thảo luận về các báo cáo đồng thời nghe đại diện lãnh đạo các Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp tiếp thu, giải trình một số vấn đề đại biểu quan tâm.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp sáng 04/9:

Toàn cảnh phiên họp thứ 13 của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga chủ trì phiên họp.

Sáng 04/9, các đại biểu tiếp tục thảo luận, cho ý kiến thẩm tra về báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật năm 2019; các báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và báo cáo công tác thi hành án năm 2019.

Về chỉ tiêu Quốc hội giao cho ngành tư pháp, đại biểu Nguyễn Quang Dũng cho rằng trong thực hiện các chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội đề ra có những nội dung năm nào cũng không đạt nên cần nghiên cứu xem xét để có những đề xuất kiến nghị thay đổi cho phù hợp.

Cho ý kiến về báo cáo công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, tình hình kinh tế xã hội của đất nước ngày càng phát triển, tiến bộ, GDP tăng nhưng tình hình tội phạm vẫn diễn ra rất phức tạp và các ngành đều quá tải. Đại biểu cho rằng việc quá tải của các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử là một phần nguyên nhân của những hạn chế, sai sót. Do đó, theo đại biểu nên tìm nguyên nhân của tình hình tội phạm từ gốc để có hướng giải quyết, xử lý.

Giải trình một số vấn đề đại biểu quan tâm, Thứ trưởng Bộ Công an Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết về tình hình vi phạm trật tự an toàn giao thông ở nhiều địa phương còn rất phổ biến. Bộ Công an tập trung chấn chỉnh từ việc kiểm tra nồng độ cồn, sử dụng ma túy khi tham gia giao thông rồi đến vấn đề cấp bằng. Bộ cũng đề xuất sửa đổi Luật Giao thông đường bộ để góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Giải trình ý kiến của các đại biểu tại phiên họp, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến đánh giá, góp ý, đặc biệt là những tồn tại, hạn chế được đại biểu chỉ ra để có hướng giải quyết, khắc phục, xử lý. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cũng chia sẻ, trong năm 2019, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã chủ động, có kế hoạch khắc phục giải quyết những tồn tại hạn chế mà Ủy ban Tư pháp đã nêu năm 2018 và bước đầu đạt những kết quả, chuyển biến tích cực. 

Giải trình về tỉ lệ xử án hành chính thấp so với chỉ tiêu, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Hồng Quang cho biết, án hành chính có xu hướng gia tăng về số lượng và phức tạp về nội dung bởi khi kinh tế xã hội phát triển, nhiều vấn đề phát sinh liên quan đến đầu tư, quy hoạch…, chẳng hạn như quy hoạch sử dụng đất, giải tỏa, đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư, cơ quan chính quyền ban hành nhiều quyết định hành chính ảnh hưởng đến người dân...

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh giải trình tại phiên họp.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, sau 1,5 ngày thảo luận sôi nổi, các thành viên Ủy ban Tư pháp ghi nhận và đánh giá cao kết quả đạt được của các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế diễn biến phức tạp. Hoạt động điều tra, truy tố, xét xử cơ bản chấp hành đúng pháp luật, đạt được những kết quả tích cực đóng góp lớn vào sự ổn định, phát triển của đất nước.

Bảo Yến - Nghĩa Đức