ỦY BAN TÀI CHÍNH - NGÂN SÁCH THẨM TRA VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH GIẢM THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG
Ủy ban Tài chính - Ngân sách thẩm tra về tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết 43/2022/QH15
Chính phủ đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) 2% theo quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể: Giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tải chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đều cơ bản tán thành việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT 2% theo quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội như đề nghị của Chính phủ để tiếp tục hỗ trợ cho người dân và khu vực doanh nghiệp phục hồi và phát triển, đặc biệt trong giai đoạn kinh tế đang có những dấu hiệu suy giảm và các khu vực sản xuất, kinh doanh đang rất khó khăn hiện nay.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Thanh Vân
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Thanh Vân bày tỏ nhất trí với đề xuất giảm thuế GTGT song Chính phủ cũng cần có lý giải thuyết phục và rõ ràng hơn. Đại biểu phân tích, trong bối cảnh tình hình trong nước gặp nhiều khó khăn, có nguy cơ suy thoái, nếu không kịp thời có những chính sách nhằm “khoan thư sức dân” thì không thể nuôi dưỡng được nguồn thu.
Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng thay vì giảm 2% thuế GTGT có thể xem xét giảm ở mức cao hơn, bởi khi giảm thuế sẽ góp phần giảm giá thành sản phẩm, kích cầu mua sắm, kích thích tiêu dùng, khuyến khích doanh nghiệp phát triển. Việc giảm thuế dẫn đến giảm giá sản phẩm sẽ làm tăng doanh số bán hàng cho nên dù số thu từ thuế GTGT giảm nhưng số thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp, xuất nhập khẩu, thu nhập cá nhân, phí và lệ phí…có thể tăng lên, cùng với đó là tăng cường kiểm tra giám sát chống thất thu thuế. Những khoản này sẽ bảo đảm cho cân đối ngân sách.
Cần đánh giá tác động kỹ lưỡng về thu chi, cân đối ngân sách
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn điều hành phiên họp
Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT trong thời điểm hiện nay vì còn băn khoăn về hiệu quả của chính sách, đồng thời lo ngại về tác động giảm thu trong bối cảnh nhiệm vụ thu năm 2023 là rất khó khăn. Điều này có thể sẽ gây bị động cho quá trình điều hành thực hiện dự toán NSNN năm 2023 đã được Quốc hội thông qua. Báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ cũng chưa đánh giá cụ thể các tác động dự kiến của chính sách đối với khả năng kích cầu tiêu dùng và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong nửa cuối năm 2023 như mục tiêu đặt ra.
Tờ trình của Chính phủ đã đề cập một số biện pháp quản lý thu để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu NSNN, bảo đảm chủ động trong điều hành dự toán như tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, tập trung triển khai kịp thời, hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế... Trong bối cảnh tình hình kinh tế xã hội và nhiệm vụ thu ngân sách năm 2023 dự kiến còn nhiều khó khăn. Các đại biểu đề nghị Chính phủ có giải trình thêm về phương án, giải pháp bù đắp các khoản giảm thu này ngoài các biện pháp về tăng cường công tác quản lý nói chung được triển khai hàng năm để bảo đảm nhiệm vụ thu và khả năng cân đổi của ngân sách trong phạm vi bội chi 2023 đã được Quốc hội thông qua.
Các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách tại phiên họp
Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội, Ủy viên Uỷ ban Tài chính-Ngân sách Phạm Thị Thanh Mai cho biết, các khoản Chính phủ dự kiến giảm là thuế GTGT ngoài ra còn có giảm tiền sử dụng đất đều là những khoản chưa được tính chưa được tính khi xây dựng dự toán đầu năm. Thực tế tại một số thành phố lớn, trong đó có Hà Nội, trong năm 2022 không hoàn thành được mục tiêu thu tiền sử dụng đất, dù điều này không ảnh hưởng nhiều đến cân đối ngân sách. Nhưng trong bối cảnh của năm 2023 tiếp tục được đánh giá là có nhiều khó khăn hơn, những tháng đầu năm số thu giảm, tháng sau giảm hơn tháng trước. Do đó, khi Chính phủ tiếp tục đề xuất thực hiện chính sách giảm thuế GTGT từ 1/7 đến 31/12/2023 cần được đánh giá kĩ hơn.
Mặt khác yêu cầu đặt ra giảm thuế nhưng không làm giảm ngân sách là điều tương đối khó khăn. Tại Hà Nội, theo báo cáo của Cục Thuế Hà Nội trong 4 tháng đầu năm, hoàn thành hơn 50% dự toán thu cả năm, thu nội địa dự báo những tháng cuối năm gặp khó khăn, số doanh nghiệp rơi vào trạng thái cầm cự và khả năng tạm ngừng hoạt động tăng lên. Điều này ảnh hưởng đến khả năng thu. Do đó tác động của chính sách càng cần được phải đánh giá kĩ hơn nhất là đối với những thành phố lớn.
Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội, Ủy viên Uỷ ban Tài chính-Ngân sách Phạm Thị Thanh Mai
Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai phản ánh trên thực tế việc ban hành và thực hiện chính sách một cách “dật cục” gây khó khăn, bị động cho các địa phương và doanh nghiệp. Khi mà các chính sách thiếu tính ổn định, các doanh nghiệp bị động trong việc tính toán phương án sản xuất kinh doanh. Do đó cần tính toán một cách tổng thể, tính dài hạn của các chính sách. Đây mới là điều doanh nghiệp thực sự cần được tháo gỡ, nếu không sẽ mãi loay hoay, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai nêu rõ. Đại biểu dẫn chứng thêm, việc thay đổi chính sách thuế, các doanh nghiệp còn không kịp điều chỉnh phần mềm in hóa đơn từ 10% xuống 8%. Nên chính sách khi ban hành có doanh nghiệp làm, có doanh nghiệp không.
Đặt câu hỏi chính sách thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2023 thì sau đó có tiếp tục thực hiện nữa hay không, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Tp.Đà Nẵng, Ủy viên Uỷ ban Tài chính-Ngân sách Trần Chí Cường chỉ rõ tình hình, doanh nghiệp thì thoi thóp, sức mua của người dân giảm, trong khi từ 1/7 nhiều chính sách khác cũng có hiệu lực thi hành tác động lớn đến đời sống như giá điện tăng, lương cơ sở tăng kéo theo hiệu ứng tăng giá các loại hàng hóa, dịch vụ khác. Trong khi đó thuế GTGT chỉ giảm có 2%, cân đối với các khoản tăng và tình hình thực tế chưa chắc chính sách đã đạt được mục tiêu kì vọng.
Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Tp.Đà Nẵng, Ủy viên Uỷ ban Tài chính-Ngân sách Trần Chí Cường
Mặt khác tại các địa phương, nhất là địa phương có tỉ lệ thu từ dịch vụ lớn thì ngân sách địa phương sẽ bị tác động lớn bởi chính sách giảm thuế GTGT, các dự án từ nguồn tăng thu tiết kiệm chi cũng sẽ bị ảnh hưởng. Vấn đề đặt ra là chỉ trong vào 6 tháng áp dụng chính sách, nguồn thu giảm nhưng khó có thể tìm được nguồn để bù vào phần hụt thu.
Đại biểu chỉ rõ thực tế, nếu chính sách có hiệu lực từ ngày 1/7, khi đó tại địa phương Hội đồn nhân dân phải họp điều chỉnh lại dự toán nhưng lại chưa biết sang năm 2024 chính sách có tiếp tục hay không, để cân đối các khoản thu chi.
Từ những phân tích trên, đại biểu Trần Chí Cường bày tỏ thống nhất với nhiều kiến ý đề xuất chính sách cần tính toán dài hạn kéo dài sang năm 2024 hoặc đến 2025, để các địa phương, các doanh nghiệp có thể chủ động trong tính toán cân đối các khoản thu, phân bổ chi một cách ổn định, hợp lý.
Cần tính toán áp dụng chính sách một cách dài hạn, ổn định
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai phát biểu
Cùng quan điểm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai cho rằng với mức giảm 2% thời gian áp dụng là 6 tháng cuối năm 2023 là ngắn và sẽ khó có tác động nhiều, hiệu quả thiết thực trên thực tế.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Nguyễn Hải Nam cũng cho rằng việc chỉ áp dụng trong 6 tháng cuối năm 2023 sẽ không bảo đảm tính ổn định của chính sách. Trong bối cảnh 2023, dự báo 2024 tình hình kinh tế trong nước và quốc tế vẫn chưa thể phục hồi nhanh mà còn có dấu hiệu suy thoái thì mục tiêu kích hoạt cho kinh tế của chính sách khó có thể đạt được. Do đó, đại biểu đề nghị cần có tính toán liều lượng, mức độ, thời gian triển khai chính sách để đạt được mục tiêu đề ra.
Phản ánh tình hình khó khăn của các doanh nghiệp hiện nay, thiếu đơn hàng, người lao động phải nghỉ luân phiên, suy giảm trong sản xuất kinh doanh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Trần Văn Lâm cho rằng việc áp dụng chính sách trong 6 tháng thì khó mang lại sự phục hồi như kì vọng.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Trần Văn Lâm
Nêu rõ chính sách không thể chỉ 6 tháng, thực hiện một cách “giật cục” theo kiểu thực hiện 6 tháng này rồi 6 tháng sau dừng rồi lại thực hiện tiếp 6 tháng mà cần tính toán dài hơi, đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng có thể nghiên cứu để kéo dài thời gian thực hiện sang năm 2024. Đại biểu phân tích, chính sách giảm thuế GTGT sẽ làm giảm thu ngân sách trong năm 2023 trong khi các khoản chi dự toán đã được Quốc hội thông qua sẽ khó có thể điều chỉnh. Khi đó nếu kéo dài chính sách sang năm 2024, dự toán chi sẽ được điều chỉnh để cân đối thu chi.
Ngoài ra, đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng trong bối cảnh nhiều khó khăn hiện nay, Chính phủ cần quan tâm để có các chính sách chi hỗ trợ người lao động, phối hợp các chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ doanh nghiệp, để doanh nghiệp thực sự tiếp cận được nguồn vốn.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cho biết, qua thảo luận, các đại biểu tán thành với sự cần thiết trình Quốc hội xem xét quyết định về việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT 2% theo Nghị quyết 43/2022/QH15. Các ý kiến của các đại biểu tại phiên họp cùng với việc lấy ý kiến bằng văn bản của tất cả các thành viên Ủy ban sẽ là cơ sở để Ủy ban Tài chính – Ngân sách hoàn thiện báo cáo thẩm tra./.