THƯỜNG TRỰC ỦY BAN TÀI CHÍNH – NGÂN SÁCH THẨM TRA DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT VỀ ĐIỀU CHỈNH MỨC GIẢM TRỪ GIA CẢNH CỦA THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN

14/05/2020

Chiều ngày 14/5, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Quang, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội họp mở rộng để thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế nhập cá nhân.

Trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, Tại khoản 4 Điều 1 Luật số 26/2012/QH13 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân quy định: Giảm trừ gia cảnh là số tiền được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công của đối tượng nộp thuế là cá nhân cư trú, Giảm trừ gia cảnh gồm hai phần sau đây:

a) Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm);

b) Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng.

Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia canh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo”.

Trong khi đó, theo số liệu Tổng cục Thống kê cung cấp, chỉ số CPI tại thời điểm cuối tháng 12/2019 so với thời điểm 01/7/2013 là 123,2%, tăng 23,2%.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nêu rõ, căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 1 Luật số 26/2012/QH13 nêu trên cân thiết phải nghiên cứu điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân.

Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội họp mở rộng

Căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 1 Luật số 26/2012/QH13, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với biến động của chỉ số CPI theo đúng quy định tại Luật từ thời điểm 01/7/2013 (thời điểm Luật số 26/2012/QH13 có hiệu lực thi hành), cụ thể: Điều chỉnh nâng mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế lên mức 11 triệu đồng/tháng, tương ứng cho mỗi người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng.

Với phương án nêu trên, mức giảm trừ gia cảnh mới sẽ làm giảm mức điều tiết thuế thu nhập cá nhân phải nộp đối với tất cả đối tượng nộp thuế, đảm bảo phù hợp với biến động về chỉ số giá tiêu dùng.

Theo tính toán, phương án điều chỉnh nâng mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế lên 11 triệu đồng/tháng, cho mỗi người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước (NSNN) khoảng 10.800 tỷ đồng/năm (14% tổng số thu NSNN về thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công năm 2019).

Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phương án điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh nêu trên áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020.

Theo đánh giá của Chính phủ, việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh sẽ góp phần giảm bớt khó khăn cho người nộp thuế trong bối cảnh giá cả, lạm phát tăng so với thời điểm năm 2013. Số thuế phải nộp sẽ được giảm cho mọi đối tượng nộp thuế.

Việc điều chỉnh này sẽ đảm bảo thực hiện mục tiêu chính sách động viên hợp lý, công bằng, góp phần nâng cao đời sống của người nộp thuế, tạo động lực khuyến khích mọi cá nhân ra sức lao động, sản xuất kinh doanh, gia tăng thu nhập làm giàu chính đáng; đảm bảo chính sách đơn giản, rõ ràng, minh bạch, thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế, tính tuân thủ pháp luật về thuế.

Tuy nhiên điều này cũng sẽ có tác động tiêu cực đối với ngân sách nhà nước (NSNN). Theo dữ liệu trên hệ thống tập trung của ngành thuế trong năm 2019, số lượng người nộp thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công đạt khoảng 6,8 triệu người với tổng số thu NSNN đạt khoảng 79.219 tỷ đồng. Nếu áp dụng mức giảm trừ theo mức dự kiến là 11 triệu đồng/tháng cho bản thân người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng cho mỗi người phụ thuộc thì dự kiến giảm thu NSNN xuống còn khoảng 68.386 tỷ đồng. Như vậy số thu về thuế thu nhập cá nhân 1 năm giảm khoảng 10.800 tỷ đồng (tương đương giảm khoảng 14% số thu ngân sách từ thuế thu nhập cá nhân năm 2019).

Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân như Tờ trình của Chính phủ nhằm thực hiện khoản 4 Điều 1 của Luật thuế TNCN số 26/2012/QH13 và cho rằng, chỉ số CPI tại thời điểm tháng 12/2019 so với thời điểm 1/7/2013 tăng 23,2%, cùng với quá trình vận hành, biến động của nền kinh tế, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay đã không còn phù hợp với tình hình thực tế.

Các đại biểu tại phiên họp

Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng nhất trí với việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế lên mức 11 triệu đồng/tháng, tương ứng cho mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng là phù hợp với biến động của chỉ số CPI  và đảm bảo thực hiện quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị trong thời gian tới cần có tổng kết, đánh giá tổng thể việc thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân giai đoạn 2011-2020 để sửa đổi một cách căn bản, toàn diện theo yêu cầu của chiến lược cải cách hệ thống thuế, đảm bảo đúng bản chất của thuế thu nhập cá nhân.

Bên cạnh đó cũng có ý kiến đề nghị làm rõ đánh giá tác động của việc nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân nhất là đối với nguồn thu của NSNN. Trong tình hình hiện nay nhiều khoản thu NSNN giảm so với dự toán, trong khi các khoản chi từ NSNN lại tăng, áp lực bội chi ngân sách, các đại biểu đặt vấn đề điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân trong thời điểm này có thực sự phù hợp.

Cũng có ý kiến cho rằng việc điều chỉnh này sẽ làm giảm số người phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Điều này chưa đảm bảo mục tiêu khi ban hành Luật Thuế thu nhập cá nhân là người có thu nhập thì phải chịu nộp thuế, số người nộp thuế từng bước được tăng lên, ngày càng nhiều người có thu nhập từ mức trung bình trở lên trong xã hội có cơ hội làm quen dần với sắc thuế này và thực hiện nghĩa vụ của mình đối với đất nước, góp phần ổn định nguồn thu ngân sách nhà nước.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Quang nêu rõ, qua thảo luận Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhất trí với việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân, áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020; đồng thời đề nghị các cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu tiếp thu ý kiến các đại biểu để có giải trình, làm rõ tác động của việc điều chỉnh này đối với ngân sách và có giải pháp xử lý./.

Bảo Yến