THƯỜNG TRỰC ỦY BAN TÀI CHÍNH – NGÂN SÁCH THẨM TRA DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT QUY ĐỊNH NGUYÊN TẮC, TIÊU CHÍ VÀ ĐỊNH MỨC PHÂN BỔ VỐN ĐẦU TƯ CÔNG NGUỒN NSNN GIAI ĐOẠN 2021-2025

14/05/2020

Chiều 14/5, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội họp phiên mở rộng để thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025.

 

Trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, việc ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cần thiết nhằm tăng cường hơn nữa hiệu quả, tính công khai, minh bạch của công tác phân bổ, quản lý và sử dụng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước (NSNN), làm căn cứ cho việc xây dựng và thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương

Dự thảo Nghị quyết quy định 10 nguyên tắc chung về phân bổ vốn đầu tư nguồn NSNN bám sát quy định của Luật Đầu tư công, phù hợp với mục tiêu, định hướng đầu tư giai đoạn 2021-2025. Trong đó, quy định nội dung về số vốn chưa phân bổ để tránh khoảng trống pháp lý đối với việc phân bổ vốn cho các dự án chưa đủ thủ tục đầu tư ngay từ thời điểm đầu tiên của Kế hoạch đầu tư công trung hạn; tạo điều kiện cho công tác chuẩn bị đầu tư được kỹ lưỡng, hiệu quả, không bị lúng túng phải tìm nguồn khi có nhiệm vụ mới phát sinh hoặc có các dự án đầu tư công khẩn cấp.

Đối với việc phân bổ vốn ngân sách trung ương (phần vốn trong nước), dự thảo Nghị quyết quy định dành tối đa không quá 30% tổng số vốn ngân sách trung ương (NSTW) để bổ sung có mục tiêu cho địa phương theo quy định tại khoản 3 Điều 40 Luật NSNN. Số vốn còn lại (70%) được phân bổ cho các chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của NSTW như: đầu tư của các bộ, cơ quan trung ương, chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, dự án kết nối, có tác động liên vùng, dự án có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững của cả nước và của các cấp, các ngành, nhiệm vụ quy hoạch của quốc gia, vùng lãnh thổ theo quy định của pháp luật về quy hoạch, các chính sách khác sử dụng vốn đầu tư công nguồn NSTW theo quy định của pháp luật.

Việc phân bổ NSTW cho từng bộ, cơ quan trung ương, địa phương theo nguyên tắc: Một là, Phân bổ đủ số chỉ tiêu cơ sở cho các dự án thuộc danh mục của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 chuyển tiếp sang giai đoạn 2021-2025; thu hồi vốn ứng trước của các dự án đầu tư công được cấp có thẩm quyền quyết định hoãn thu hồi trong giai đoạn 2016-2020. Hai là, Phân bổ số chi tiêu mới trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch phát triển của các bộ, cơ quan trung ương. Riêng đối với các địa phương, việc phân bổ số chi tiêu mới dựa trên 05 tiêu chí, định mức tính điểm gồm: dân số, trình độ phát triển, diện tích, đơn vị hành chính cấp huyện và các tiêu chí bổ sung.

Đối với vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, dự thảo Nghị quyết quy định nguyên tắc bố trí đủ vốn theo dự án, đúng cam kết với các nhà tài trợ, phù hợp với tiến độ thực hiện dự án và dành nguồn để xử lý kịp thời các dự án phát sinh trong quá trình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Đối với vốn cân đối NSĐP, dự thảo Nghị quyết quy định lấy phương án phân bổ năm 2021 của Kế hoạch tài chính NSNN 03 năm giai đoạn 2020-2022 làm căn cứ xác định tỷ lệ điều tiết về NSTW và số bổ sung từ NSTW cho các địa phương giai đoạn 2021-2025, theo đó, vốn NSĐP các năm sau được tính dựa trên tốc độ tăng trưởng bình quân vốn đầu tư công nguồn NSĐP đối với những địa phương nhận bổ sung cân đối.

Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến của các đại biểu cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ về về sự cần thiết ban hành quy định về các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn NSNN giai đoạn 2021-2025; đồng thời nhấn mạnh, Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ nguồn vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN gian đoạn 2016-2020  áp dụng trong thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2016-2020 sẽ hết hiệu lực thi hành, cần có quy định mới để áp dụng cho giai đoạn kế tiếp. Bên cạnh đó, sau 5 năm thực hiện đã có một số điểm cần sửa đổi để phù hợp với những yêu cầu đặt ra trong thực tiễn và những quy định của pháp luật hiện hành và khắc phục những hạn chế, bất cập trong phân bổ vốn đầu tư công của giai đoạn trước.

Đồng thời, để bảo đảm thực hiện đúng quy định của Luật Đầu tư công, cần sớm ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 để các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có căn cứ để xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn, trình Chính phủ tổng hợp, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2020).

Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội tổ chức phiên họp mở rộng 

Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng cơ bản thống nhất với đa số các nguyên tắc nêu trong dự thảo, song cũng đề nghị xem xét bổ sung thêm một số nguyên tắc:

Một là, bảo đảm khả năng cân đối của NSNN trong kế hoạch tài chính ngân sách 3 năm và kế hoạch tài chính 5 năm. Đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư công, tính toán hợp lý cơ cấu nguồn lực ngân sách Trung ương và địa phương; tăng cường huy động các nguồn vốn ngoài NSNN, xã hội hóa đầu tư công.

Hai là, ưu tiên bố trí vốn hợp lý cho miền núi, các tỉnh phía Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, biên giới, hải đảo còn nhiều khó khăn nhằm thu hẹp khoảng cách vùng, miền, kết hợp phát triển kinh tế với giữ vững an ninh, quốc phòng; ưu tiên bố trí vốn để ứng phó với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn.

Ba là, để đảm bảo phân bổ vốn đầu tư tập trung, không phân tán, dàn trải. bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, đề nghị bổ sung nội dung quy định “ Các chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, các dự án mới phải bảo đảm thời gian bố trí vốn thực hiện dự án nhóm A không quá 06 năm, nhóm B không quá 04 năm, nhóm C không quá 03 năm.Trường hợp không đáp ứng thời hạn trên, Thủ tướng Chính phủ quyết định thời gian bố trí vốn thực hiện dự án đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định thời gian bố trí vốn thực hiện dự án đối với dự án sử dụng vốn ngân sách địa phương”.

Bên cạnh đó, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Vân Chi cũng cho rằng để có thêm cơ sở trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định, đề nghị Chính phủ làm rõ những nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 có gì khác biệt so với giai đoạn 2016-2020, những điểm mới của dự thảo Nghị quyết này so với Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 áp dụng cho giai đoạn trước.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn nêu rõ, việc Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định ban hành Nghị quyết về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 là đúng thẩm quyền, đúng quy định pháp luật. Ủy ban Tài chính – Ngân sách cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành quy định về các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn NSNN giai đoạn 2021-2025, đồng thời đề nghị làm rõ thêm một số nội dung về thời gian ban hành Nghị quyết, có thêm đánh giá thực tiễn, những tác động đến cân đối nguồn lực./.

Bảo Yến