LÀM RÕ TÁC ĐỘNG, PHẢN ỨNG CỦA XÃ HỘI KHI TĂNG THUẾ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

05/07/2018

Sáng 04/7, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình phiên họp toàn thể lần thứ 26, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội thẩm tra về dự án Nghị quyết về thuế bảo vệ môi trường.

Tham dự phiên họp có Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân, đại diện thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan hữu quan.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách thẩm tra dự án Nghị quyết về thuế bảo vệ môi trường

Tăng thuế để khuyến khích sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm

Trình bày Tờ trình tóm tắt số 177/TTr-CP của Chính phủ về Dự án Nghị quyết về Biểu thuế bảo vệ môi trương tại phiên họp đại diện Bộ Tài chính cho biết trước bối cảnh kinh tế- xã hội của đất nước hiện nay và tình hình thực tế, cần thiết phải nghiên cứu điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường cụ thể các hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường bảo đảm nguyên tắc điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường tại Luật thuế bảo vệ môi trường.

Theo đó mục đích, quan điểm của việc xây dựng Nghị quyết là nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước về hoàn thiện chính sách tài chính về bảo vệ môi trường và cơ cấu một bước nguồn thu ngân sách. Khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân sử dụng tiết kiệm hàng hóa khi sử dụng gây tác hại đến môi trường, khuyến khích việc sử dụng các hàng hóa thân thiện với môi trường. Khắc phục những hạn chế về mức thuế bảo vệ môi trường hiện hành của một số hàng hóa. Việc ban hành Nghị quyết cũng phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế- xã hội; đảm bảo lợi ích quốc gia trong điều kiện hội nhập sâu khi thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo cam kết quốc kế; thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo vệ môi trường. Đồng thời cũng động viên hợp lý đóng góp của xã hội vào ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ kinh tế- xã hội của đất nước, trong đó có nhiệm vụ chi cho bảo vệ môi trường.

Tờ trình của Chính phủ đề nghị điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, than đá, dung dịch HCFC, túi ni lông. Cụ thể, đối với xăng đề nghị tăng từ 3.000 đồng/lít lên mức trần 4.000 đồng/lít. Đối với dầu diesel đề nghị tăng  từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít. Đề nghị tăng từ 900 đồng/lít lến mức trần 2.000 đồng/lít đối với dầu mazut, dầu nhờn và mỡ nhờn. Đề nghị tăng từ 300 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít đối với dầu hỏa.

Để khuyến khích sử dụng nhiên liệu thay thế, có ảnh hưởng ít hơn đến môi trường, đồng thời không làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của ngành than cũng như giá điện, Chính phủ đề nghị điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với than antraxiat tăng từ 20.000 đồng/tần lên 30.000 đồng/tấn và tăng từ 10.000 đồng/tấn lên 15.000 đồng/tấn đối với than nâu, than mỡ và than đá khác.

Dung dịch HCFC và túi ni lông thuộc diện chịu thuế cũng được đề nghị tăng lên mức trần. Dung dịch HCFC được đề nghị tăng từ 4.000 đồng/kg lên 5.000 đồng/kg. Túi ni lông thuộc diện chịu thuế tăng từ 40.000 đồng/kg lên 50.000 đồng/kg.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại phiên họp

Ngoài ra Chính phủ cũng đề nghị sửa đổi tên hoạt chất, tên thương phẩm các loại thuốc bảo vệ thực vật hạn chế sử dụng tại phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết số 1269/2011/UBTVQH12 để phù hợp với pháp luật về quản lý thuốc bảo vệ thực vật hiện hành và xin ý kiến về xử lý một số vướng mắc phát sinh về thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng than cốc và dầu tái sinh.

Sớm thông tin tuyên truyền đầy đủ về chính sách

Phát biểu tại phiên họp, đa số ý kiến phát biểu đều cơ bản nhất trí đối với sự cần thiết sửa đổi và mục đích, quan điểm xây dựng Nghị quyết về thuế bảo vệ môi trường như Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên để bảo đảm sự đồng thuận của xã hội trong việc điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường, các đại biểu đề nghị phải có báo cáo rõ hơn việc tác động đến hiệu quả của nền kinh tế nói chung và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống người dân nói riêng cũng như công tác tuyên truyền, phản ứng của dư luận xã hội trong quá trình soạn thảo, lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học và các đối tượng bị tác động.

Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang đề nghị cần hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động của dự án, trong đó làm rõ tác động đến CPI bởi theo thống kê, trong tháng 5/2018 chỉ số CPI tăng 0.55%; tháng 6/2018 tăng 0.61% và tính chung cho 6 tháng đầu năm tăng 3.29% chưa tính đến tăng thuế bảo vệ môi trường. Dự báo giai đoạn 2018-2020 giá xăng dầu sẽ đóng góp từ 0.8-1 điểm tăng CPI. Vì vậy cần có đánh giá sát hơn về tác động của việc tăng mức thuế bảo vệ môi trường đến CPI.

Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang đề nghị đánh giá sát hơn về tác động của việc tăng mức thuế bảo vệ môi trường 

Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cũng bày tỏ quan điểm tán thành với đề nghị hiệu lực thi hành của Nghị quyết bắt đầu từ ngày 01/10/2018 vừa bảo đảm đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật vừa bảo đảm khả năng điều tiết giá cả hàng hóa vào cuối năm, đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát do Quốc hội đề ra. Đồng thời trong quá trình chờ Nghị quyết có hiệu lực thi hành, các cơ quan có liên quan cần vào cuộc tích cực thông tin tuyên truyền một cách đầy đủ, hợp lý để người dân, dư luận hiểu đúng và ủng hộ thực hiện chính sách.

Cùng quan điểm Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cũng cho rằng việc tăng thuế là vấn đề hết sức nhạy cảm, vì vậy cần phải có đánh giá tác động cụ thể, đầy đủ về vấn đề này.

Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Thị Yến đề nghị cùng với đánh giá tác động đến kinh tế- xã hội, cần nắm dư luận xã hội và làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, nội dung thông tin tuyên truyền cụ thể ngay từ trước khi xem xét thông qua Nghị quyết này để người dân hiểu được đầy đủ ý nghĩa của chính sách thay vì chỉ hiểu tăng thuế bảo vệ môi trường chỉ nhằm tăng thu ngân sách nhà nước.

Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Thị Yến đề nghị làm tốt công tác thông tin tuyên truyền về chính sách

Tính toán mức tăng hợp lý

Liên quan đến nội dung tăng mức thuế bảo vệ môi trường đối với dầu hỏa, Tờ trình của Chính phủ đề nghị tăng từ 300 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/ lít. Tuy nhiên đa số ý kiến thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách cho rằng mức tăng thuế suất đối với mặt hàng dầu hỏa như tờ trình là quá cao và đột ngột, có thể gây ảnh hưởng nhất định đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân. Do đó đề nghị áp dụng ở mức thấp hơn.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho rằng, đối với việc tăng thuế bảo vệ môi trường không nên lấy lý do ảnh hưởng đến một số vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để không tăng mà đối với những khu vực đặc biệt nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ cụ thể. Tuy nhiên đối với mức tăng đối với dầu hỏa là quá đột ngột, tăng hơn 300%, thì cần phải có sự cân nhắc điều chỉnh cho hợp lý.

Về vấn đề này, phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Bộ Tài chính đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ và được Thủ tướng Chính phủ đòng ý với đề nghị điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với dầu hỏa từ 300 đồng/lít lên 1.000 đồng/lít.

Theo chương trình, dự án Nghị quyết về thuế bảo vệ môi trường sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua tại phiên họp thứ 25 dự kiến diễn ra từ ngày 11/7 đến ngày 13/7 tới.

Bảo Yến