NỘI LUẬT HÓA CAM KẾT QUỐC TẾ GIỮA CÁC NƯỚC ASEAN

27/08/2019

Theo dự kiến nội dung Phiên họp thứ 37 (tháng 9/2019), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo Nghị định quy định thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hoá quá cảnh thông qua Hệ thống quá cảnh Hải quan ASEAN để thực hiện Nghị định thư 7 về Hệ thống quá cảnh hải quan. Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đã tiến hành thẩm tra dự thảo Nghị định này.

Ủy ban Tài chính – Ngân sách thẩm tra dự thảo Nghị định quy định thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hoá quá cảnh thông qua Hệ thống quá cảnh Hải quan ASEAN để thực hiện Nghị định thư 7 về Hệ thống quá cảnh hải quan

Một trong những nỗ lực của ASEAN để tiến tới thực hiện thành công Cộng đồng Kinh tế ASEAN là việc gỡ bỏ các rào cản thương mại, thúc đẩy giao lưu thương mại hàng hóa nội khối trong đó có hàng hóa quá cảnh. Nhằm hiện thức hóa mục tiêu này, vào năm 1998, các quốc gia thành viên ASEAN đã ký kết Hiệp định khung ASEAN về "Tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh". Trong hiệp định khung có hai Nghị định thư liên quan đến lĩnh vực Hải quan là Nghị định thư 2 về chỉ định các cửa khẩu biên giới và Nghị định thư 7 về Hệ thống quá cảnh hải quan. Trong đó Nghị định thư 7 được xây dựng trên cơ sở phù hợp với tinh thần của Hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh, phù hợp với Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN.

Tại Việt Nam, hiện nay, hoạt động hàng hóa quá cảnh đã được thể chế hóa tại các văn bản pháp luật gồm Luật Thương mại, Luật Hải quan, Luật Giao thông đường bộ, Luật Thuế xuất nhập khẩu; Nghị định số 08/2015/NĐ-CP, Nghị định số 187/2013/NĐ-CP; Thông tư số 38/2015/TT-BTC. Về cơ bản, các quy định trong các văn bản này không trái với quy định của Nghị định thư nhưng chưa có các quy định liên quan đến bảo lãnh đối với hàng hóa quá cảnh, cơ chế bảo lãnh, cơ chế hỗ trợ trong việc thu hồi nợ thuế, các tình huống phát sinh bất khả kháng và cơ chế xử lý, doanh nghiệp ưu tiên đối với hàng hóa quá cảnh, việc sử dụng và chấp nhận niêm phong của các nước khác…

Do đó Tờ trình dự thảo Nghị định quy định thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống quá cảnh Hải quan ASEAN để thực hiện Nghị định thư 7 về Hệ thống quá cảnh hải quan khẳng định để triển khai được Hệ thống quá cảnh hải quan (Hệ thống ACTS) thì các nội dung trên cần phải được thể chế hóa trong một văn bản pháp luật có tính pháp lý cấp Nghị định của Chính phủ là cần thiết.

Nghị định sẽ là cơ sở pháp lý để triển khai áp dụng hiện đại hóa hải quan đối với hàng hóa quá cảnh giữa các nước ASEAN trong đó có Việt Nam. Việc tham gia thực hiện thủ tục quá cảnh thông qua Hệ thống ACTS sẽ thúc đẩy và tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại quá cảnh tại các cửa khẩu cũng như thiết lập cơ chế hợp tác giữa hải quan các nước trong việc quản lý thương mại quá giữa các nước hiệu quả, mang tính cải cách.

Việc thực hiện thủ tục hải quan ACTS trên hệ thống công nghệ thông tin duy nhất và hoàn toàn tự động là phù hợp với thực tế mà Hải quan Việt Nam đang áp dụng, tạo khả năng quản lý hiệu quả, hiệu quả trong việc di chuyển hàng hóa quá cảnh trong phạm vi các nước thuộc khối ASEAN. Thực hiện thủ tục hải quan trên hệ thống ACTS tạo ra sự đơn giản và hài hòa hơn so với thủ tục hiện tại, giảm giấy tờ. Nhờ hệ thống cung cấp và xử lý thông tin đầy đủ, bao gồm thông tin trước khi hàng đến, thông tin phản hồi tại địa điểm xuất phát, tại từng cửa khẩu biên giới và tại địa điểm hàng hóa được nhập khẩu, theo đó Hải quan Việt Nam theo dõi được chặt chẽ, thống nhất đối với lô hàng quá cảnh đến hoặc qua Việt Nam. Ngoài ra còn tăng cường quản lý rủi ro theo vết, tăng cường kiểm soát hiệu quả, hiệu lực hơn.

Nếu như theo quy định hiện hành thì hàng hóa từ ngoài khu vực ASEAN quá cảnh qua Việt Nam để đi sang các nước thuộc ASEAN sẽ phải thực hiện thủ tục quá cảnh hàng hóa tại cửa khẩu đầu tiên và cửa khẩu xuất cuối cùng. Sau khi hàng hóa quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam thì cơ quan hải quan Việt Nam hết trách nhiệm và việc hàng có xảy ra bất thường gì hay có đến điểm đích nhập khẩu hay không thì cơ quan hải quan Việt Nam không thể biết được do không có công cụ theo dõi. Song nếu áp dụng thủ tục quá cảnh theo Hệ thống ACTS thì cơ quan hải quan Việt Nam có thể biết được cụ thể hành trình hàng hóa từ điểm đầu đến điểm đích của lô hàng.

Tuy nhiên, việc thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống ACTS sẽ tạo ra một số khó khăn nhất định cho cơ quan hải quan trong công tác kiểm tra, giám sát do đây là một hệ thống mới với những quy định mới áp dụng đối với hàng hóa quá cảnh.

Để thực hiện quá cảnh hàng hóa theo Nghị định thư 7 thì hàng hóa phải được đặt dưới chế độ bảo lãnh, đặt cọc tiền thuế. Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cụ thể các vấn đề liên quan đến bảo lãnh thuế đối với hàng hóa quá cảnh, tổ chức bảo lãnh, cơ chế hỗ trợ trong việc thu hồi nợ thuế, các tình huống phát sinh/ bất khả kháng, cơ chế xử lý vì pháp luật hiện hành đang quy định hàng hóa quá cảnh thuộc đối tượng không chịu thuế.

Pháp luật hiện hành cũng quy định chế độ doanh nghiệp ưu tiên chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, chưa quy định đối với doanh nghiệp quá cảnh hàng hóa. Để phù hợp với Nghị định thư 7, dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về điều kiện, việc công nhận, thu hồi, đình chỉ cũng như các nội dung được ưu tiên trong quá trình làm thủ tục hải quan để làm cở sở triển khai thực hiện. Do đây đều là nội dung mới so với pháp luật hiện hành, cần xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thành viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tại phiên họp

Thẩm tra về nội dung này, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị định của Chính phủ. Song do nội dung dự thảo Nghị định có những quy định mà pháp luật trong nước chưa điều chỉnh về cơ chế bảo lãnh, áp dụng doanh nghiệp ưu tiên trong hoạt động quá cảnh, ngoài ra quy định về người khai hải quan và địa điểm làm thủ tục hải quan cũng hẹp hơn so với Luật Hải quan hiện hành. Do đó, theo Điều 19 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì việc ban hành Nghị định cần phải được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời, Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng cho rằng về lâu dài cần tiến hành tổng kết, đánh giá để pháp điển hóa trong các luật chuyên ngành liên quan nhằm đồng bộ hệ thống pháp luật.

Ngoài ra, tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, hoàn thiện hồ sơ, báo cáo làm rõ các nội dung của Nghị định đã nội luật hóa bao nhiều nội dung của Nghị định thư 7 và những nội dung nào của Nghị định thư 7 chưa được nội luật hóa; các nội dung trong dự thảo Nghị định của Chỉnh phủ có những điểm gì mới, khác so với pháp luật hiện hành. Đối với các nội dung được nội luật hóa cần có giải trình về tính khả thi, việc kiểm soát, bảo đảm an ninh quốc gia, điều kiện cơ sở vật chất, năng lực để nắm bắt thông tin, thực hiện các quy định mà pháp luật hiện hành trong nước chưa điều chỉnh./.

Bảo Yến