Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải và Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đồng chủ trì Hội thảo.
Tham dự có: đại diện Ngân hàng Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, đại diện cơ quan thuế một số địa phương.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã được QH Khóa XIV xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Sáu. Trên cơ sở ý kiến của các ĐBQH, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp thu, giải trình ý kiến của các ĐBQH và đã báo cáo UBTVQH cho ý kiến tại phiên họp vào tháng 2 vừa qua. UBTVQH đã thống nhất với nhiều nội dung định hướng tiếp thu giải trình, chỉnh lý do cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo trình, đồng thời tiếp tục đề nghị cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo nghiên cứu về tính cụ thể, tính thống nhất của Luật Quản lý thuế với Luật Hải quan, Luật Xử phạm vi phạm hành chính, Luật Khiếu nại về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan Kiểm toán Nhà nước; Hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn; thẩm quyền xóa nợ tiền thuế…
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Nguyễn Đức Hải phát biểu tại Hội thảo
Để tiếp tục hoàn thiện Báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo Luật, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo mong nhận được sự đóng góp ý kiến về các điều khoản cụ thể của dự thảo Luật; từ đó sẽ tiếp thu các ý kiến xác đáng hoàn thiện Báo cáo trình QH xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Bảy tới.
Về Nghị quyết xử lý nợ thuế, tiền phạt, tiền phạt nộp chậm, tiền chậm nộp của người nộp thuế đã phá sản, giải thể không còn sản xuất kinh doanh, không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước, Chủ nhiệm UB Nguyễn Đức Hải cho biết, Nghị quyết này đã được UBTVQH đồng ý đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 để trình QH quyết định vào Kỳ họp tháng 5 tới.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Nguyễn Đức Hải chủ trì hội thảo
Chủ nhiệm UB Nguyễn Đức Hải cũng cho biết, mục tiêu trình QH ban hành Nghị quyết này nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, quan điểm của QH và Chính phủ về pháp luật quản lý thuế nói chung và pháp luật quản lý nợ thuế nói riêng xử lý tiền chậm nộp và tiền phạt chậm nộp nhằm tháo gỡ khó khăn về tài chính cho doanh nghiệp có phát sinh nợ thuế do gặp nguyên nhân bất khả kháng xử lý tiền nợ thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tồn tại lâu năm không có khả năng thu ngân sách do người nộp thuế đã phá sản không thực hiện được các thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật; người nộp thuế đã ngừng kinh doanh và cơ quan đã thực hiện việc kiểm tra để xác minh về tài sản, tài khoản, công nợ. Những trường hợp này không còn khả năng thu nợ. Đây là các chính sách lớn, nhiều nội dung nằm ngoài nội dung của Luật Quản lý thuế hiện hành và dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) với dự kiến số tiền nợ thuế theo các tiêu chí trong Tờ trình của Chính phủ dự kiến là rất lớn, có thể tác động đến số thu ngân sách cũng như bảo đảm sự công bằng cho người nộp thuế…
Các đại biểu thống nhất cho rằng, việc sửa đổi Luật Quản lý thuế vào thời điểm này hết sức phù hợp, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập với kinh tế thế giới để tạo môi trường đầu tư thuận lợi. Các quy định của dự thảo Luật đã sát hơn với thông lệ quốc tế: Áp dụng các biện pháp quản lý rủi ro, chuyển giá, áp dụng hóa đơn điện từ; khai và nộp thuế điện tử; vai trò của cán bộ thuế… Về quy định thanh toán điện tử, các đại biểu cho rằng, quy định này tạo sự công bằng, minh bạch, tuy nhiên một số quy định về nội dung này chưa được thể hiện rõ nét, do đó cần được nghiên cứu để quy định cụ thể hơn…