TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC GIÁM SÁT TÀI KHÓA VÀ NGÂN SÁCH CỦA QUỐC HỘI: KINH NGHIỆM QUỐC TẾ VÀ KẾ HOẠCH HOẠT ĐỘNG TẠI VIỆT NAM

08/09/2018

Ngày 7-8/9, tại Vĩnh Phúc, Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới tổ chức Hội thảo “Tăng cường công tác giám sát tài khóa và ngân sách của Quốc hội: Kinh nghiệm quốc tế và kế hoạch hoạt động tại Việt Nam”. Chủ nhiệm Ủy bàn Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải chủ trì hội thảo.

Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đức Hải phát biểu tại hội thảo

Tham dự hội thảo còn có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc, đại diện lãnh đạo Ban Ngân sách của một số tỉnh khu vực miền Bắc, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, các chuyên gia, nhà cố vấn cùng các thành viên Ủy ban Tài chính- Ngân sách.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, thực hiện chương trình công tác năm 2018, Ủy ban Tài chính- Ngân sách và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã phối hợp tổ chức Đoàn công tác đi nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm hoạt động ngân sách nghị viện tại Australia. Đoàn công tác đã tìm hiểu, nghiên cứu, khảo sát và trao đổi với các cơ quan của Australia về kinh nghiệm trong lập, thẩm tra, quyến định dự toán và quyết toán ngân sách nhà nước; kinh nghiệm giám sát, điều trần ngân sách nhà nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải chia sẻ, qua làm việc với nhiều cơ quan của nghị viện, chính phủ của chính quyền liên bang và bang Victoria; gặp và trao đổi với Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch Hạ viện của chính quyền liên bang và bang Victoria; dự khán các phiên chất vấn tại Thượng viện và Hạ viện Australia… các thành viên Đoàn công tác đã tiếp thu được nhiều thông tin có giá trị liên quan đến vai trò chức năng năng của các ủy ban ngân sách của Quốc hội Australia, Quốc hội bang Victoria, quy trình ngân sách cũng như mối quan hệ giữa Quốc hội và các cơ quan khác như Văn phòng ngân sách nghị viện, cơ quan tổng kiểm toán và bộ tài chính tại một nước có mô hình quốc hội tiên tiến. Qua đó góp phàn tăng cường mối quan hệ, sự hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam với Australia, giữa Quốc hội cũng như các Ủy ban tương ứng của Quốc hội Việt Nam và Australia.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách bày tỏ mong muốn thông qua những thông tin chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo sẽ đóng góp tích cực vào thực hiện kế hoạch trong nhiệm kỳ của Uỷ ban và Quốc hội hướng đến tăng cường chức năng giám sát tài khóa và tăng tính minh bạch công khai hiệu quả của ngân sách; cũng như góp phần cho công tác chuẩn bị kỳ họp thứ 6 của Quốc hội trong đó có nội dung đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm 2016 – 2020 và Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 – 2020.

Các đại biểu trao đổi tại hội thảo

Đánh giá cao nội dung của hội thảo, Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Sebastian Eckardt cho rằng, trong bối cảnh Luật ngân sách nhà nước đã mở rộng vai trò của Quốc hội trong quản lý ngân sách ở Việt Nam và trong việc thẩm tra, giám sát hoạt động thực hiện ngân sách thì hội thảo cơ hội để thảo luận về bài học thu được từ cuộc khảo sát tại Australia của Ủy ban vừa qua; hướng đến tư duy một cách hệ thống, rút ra được kế hoạch hành động để tăng cường vai trò của Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội trong thời gian tiếp theo.

Tại hội thảo, các thành viên Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội đã chia sẻ một số kết quả nghiên cứu, khảo sát tại Australia như so sánh phát luật Australia và Việt Nam về ngân sách; vai trò thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước của Quốc hội và mối quan hệ với cơ quan kiểm toán nhà nước; bài học kinh nghiệm trong thẩm tra, giám sát dự án đầu tư công. Các đại biểu cũng nghe và trao đổi kinh nghiệm quốc tế trong một số lĩnh vực tài chính – ngân sách; trách nhiệm giải trình, công tác thẩm tra, giám sát của Quốc hội đối với dự toán, quyết toán ngân sách; vai trò thẩm tra, giám sát của Ủy ban Tài chính – Ngân sách trong mối quan hệ với các cơ quan liên quan và việc tăng cường năng lực công tác của Ủy ban cũng như cơ quan giúp việc chuyên môn.

Toàn cảnh hội thảo

So sánh hệ thống pháp luật về ngân sách của Australia và Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Đinh Văn Nhã cho biết, khuôn khổ pháp lý về ngân sách giữa hai nước có sự khác biệt lớn. Nếu như Australia số lượng lớn các luật quan trọng nhằm bảo đảm thực hiện và giám sát ngân sách nhà nước như Luật ngân sách liên bang, Luật ngân sách thường niên, Luật bảo đảm trung hạn về ngân sách, Luật trách nhiệm giải trình, Luật tổng kiểm toán và Văn phòng ngân sách liên bang hoặc bang. Trong khi đó, so với pháp luật Australia pháp luật nước ta thiếu nhiều công cụ để quyết định và giám sát ngân sách một cách hiệu quả. Hiện nay pháp luật về ngân sách của nước ta mới chỉ có Luật Ngân sách nhà nước, Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước và Luật Kiểm toán nhà nước.

Trên cơ sơ nghiên cứu thực tiễn tại Australia, tiếp thu những điểm tiên tiến như xây dựng bảng câu hỏi phục vụ thẩm tra dự toán ngân sách, dự toán theo hiệu quả đầu ra bảo đảm hướng tới mục tiêu cuối cùng của chính sách, hướng tới việc phát triển kinh tế và an sinh xã hội với định hướng cụ thể và được giải thích bằng các số liêu đầu ra cả định tính và định lượng…, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Đinh Văn Nhã cho rằng, trong thời gian tới cần nghiên cứu thay đổi phương thức thẩm tra báo cáo về dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước theo hướng yêu cầu cao hơn đối với báo cáo của Chính phủ, bảo đảm chi tiết cụ thể với từng chính sách; xây dựng bộ tiêu chí về hiệu quả của từng chính sách, khoản chi tiêu từ ngân sách nhà nước; nghiên cứu lộ trình áp dụng thực hiện dự toán ngân sách nhà nước theo kết quả đầu ra cũng như tăng cường hoạt động giải trình của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội về lĩnh vực tài chính, ngân sách./.

Bảo Yến