Đại biểu Quốc hội với sự phát triển Trường Sa

03/05/2014

Mới đây, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội phối hợp với Bộ Quốc phòng tổ chức chuyến khảo sát thực tế đầu tư của nhà nước cho xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Trong chuyến đi này, các đại biểu Quốc hội thuộc Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã được chứng kiến sự đổi thay rất nhiều trên quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đây là lần thứ hai chúng tôi lại được ra với quân dân huyện đảo Trường Sa. So với 4 năm trước, đời sống của quân và dân trên các đảo đã được cải thiện ngày một tốt hơn. Ngoài màu xanh của cây bàng quả vuông, cây phong ba và màu xanh của những luống rau cải, rau muống, chúng tôi còn thấy có rất nhiều hoa trên các đảo mang từ đất liền ra như hoa sứ, hoa giấy hay phong lan. Những khó khăn của ngày hôm qua như nước sạch, điện sinh hoạt và sản xuất, thông tin liên lạc, phát thanh, truyền hình đã được giải quyết. Sóng 3G của mạng di động Viettel khá mạnh nên việc nắm bắt thông tin, truyền dữ liệu thực hiện với tốc độ cao và chất lượng tốt. Cùng với việc tàu thuyền, máy bay ra vào thường xuyên, tất cả đã góp phần rút ngắn khoảng cách, tạo cho người dân, cán bộ, công nhân viên chức và chiến sĩ trên các đảo cảm giác gần gũi với đất liền hơn.

Trung tâm Dịch vụ Hậu cần nghề cá tại đảo Đá Tây (thuộc huyện đảo Trường Sa). Ảnh: Nhất Ngôn

Khi ra thăm Nhà giàn DK1/15 mới được đầu tư nâng cấp hiện đại, chắc chắn, nghe Đại úy Nguyễn Văn Đức, Chỉ huy trưởng Nhà giàn báo cáo và tận mắt nhìn thấy khẩu hiệu “còn người còn nhà giàn, còn biển đảo quê hương”, chúng tôi đã không kìm nén nổi cảm xúc trước tinh thần kiên quyết bám trụ, mài sắc ý chí chiến đấu, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc của quân và dân huyện đảo Trường Sa.

Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa Phạm Văn Hòa (người con của thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh, từng 7 năm gắn bó với đảo) báo cáo với đoàn công tác về tình hình phát triển kinh tế, xã hội và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của thị trấn. Anh nhấn mạnh: Người dân trên đảo ngày càng có cuộc sống tốt hơn, thu nhập ổn định nhờ vào đánh bắt cá và tăng gia sản xuất, các cháu nhỏ được học hành. Các công trình phục vụ đời sống dân sinh như điện, nước, thông tin, dịch vụ nghề cá, bảo đảm an toàn hàng hải, các công trình phòng thủ… đã được đầu tư, kiên cố hóa. Tuy nhiên, do môi trường, thời tiết biển hết sức khắc nghiệt nên không thể tránh khỏi một số hạng mục nhanh xuống cấp, vì vậy cần có những nghiên cứu về vật liệu, công nghệ phù hợp và bố trí đầy đủ, kịp thời kinh phí duy tu bảo dưỡng thường xuyên để bảo đảm tính bền vững, lâu dài của trang thiết bị, công trình.

Đưa chúng tôi đến thắp hương tại Đền thờ Bác Hồ, Đài tưởng niệm các liệt sĩ, thăm chùa Trường Sa Lớn - nơi Đại đức Thích Pháp Đạt chủ trì, Thượng tá Lương Xuân Giáp, Chính trị viên đảo Trường Sa Lớn cho biết, so với 10 năm trước thì đời sống của cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo đã tốt hơn rất nhiều. Các đại biểu Quốc hội đã tới thăm hỏi một số gia đình người dân trên đảo. Vợ chồng chị Lê Thị Trúc Hà và anh Nguyễn Thành Hưng bày tỏ: Người dân trên các đảo được hưởng nhiều chính sách ưu tiên của Nhà nước, do đó rất yên tâm lao động sản xuất, tham gia dân quân tự vệ tuần tra bảo vệ đảo.

Hiện nay, nhờ ngư trường đánh bắt thủy hải sản truyền thống trên Biển Đông ổn định nên hàng nghìn lượt tàu bè đánh bắt xa bờ của bà con ngư dân đã ra vào cảng của huyện đảo Trường Sa. Còn nhớ, trong lần ra thăm Trường Sa cùng Ủy ban Quốc phòng, an ninh của Quốc hội năm 2010, tôi đã được “thực mục sở thị” Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây (thuộc Tổng công ty Thủy sản Việt Nam), nơi bà con ngư dân có thể được giúp đỡ mọi mặt về vật chất và tinh thần như cung ứng lương thực, thực phẩm, nhiên liệu xăng dầu bằng giá bán trên đất liền, sửa chữa tàu thuyền bị hư hỏng, cứu hộ cứu nạn, chăm sóc y tế, neo đậu tránh trú bão an toàn. Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Chủ tịch UBND xã đảo Song Tử Tây cho biết, âu tàu của đảo đủ rộng để tiếp nhận khoảng một trăm con tàu đánh bắt xa bờ vào tránh bão. Trên các đảo, là các công trình công cộng như trụ sở UBND, nhà văn hóa, bưu điện xã… được xây dựng khang trang. Hệ thống tua-bin năng lượng gió và pin mặt trời cung cấp đủ điện sinh hoạt và sản xuất trên đảo. Thật cảm động khi thấy trên các đảo cộng đồng người dân, cán bộ, nhân viên thuộc các đơn vị khí tượng - thủy văn, bảo đảm hàng hải, xây dựng đã cùng với bộ đội sống đoàn kết, đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau. Các đại biểu Quốc hội cũng đến thăm chùa Song Tử Tây - là một trong những ngôi chùa đẹp nhất trên huyện đảo Trường Sa - với phong cảnh trữ tình, không khí ấm áp, linh thiêng chẳng kém gì những ngôi chùa đẹp trên đất liền.

Ra thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng: Chúng ta đã có Luật Biển Việt Nam, quy định khuôn khổ pháp lý, phục vụ cho việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo và phát triển kinh tế biển, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế. Vì vậy, việc sớm có quy hoạch và chính sách đặc biệt phát triển kinh tế huyện đảo Trường Sa bền vững là rất cần thiết. Các đại biểu Quốc hội thuộc Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội cũng nhận thấy, Nhà nước cần ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hậu cần nghề cá, phát triển kinh tế; có chính sách để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở huyện đảo, khuyến khích, ưu đãi về thuế, vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân đầu tư khai thác tiềm năng và thế mạnh của huyện đảo, tăng cường hoạt động nghề cá, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, bảo đảm yêu cầu quốc phòng, an ninh, đồng thời đầu tư tập trung bảo đảm hoạt động của các lực lượng làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, chấp pháp trên biển.

Theo Chuẩn Đô đốc Lê Minh Thành, Phó tư lệnh Quân chủng Hải quân, Nhà nước cần sớm ưu tiên tập trung phát triển mạnh các ngành kinh tế biển ở huyện đảo Trường Sa như tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến dầu, khí và các loại tài nguyên, khoáng sản biển, du lịch biển và kinh tế đảo, khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản… Các đại biểu Quốc hội ủng hộ việc xây dựng làng chài ở đảo Song Tử Tây, xây dựng các ngư đội đánh bắt thủy sản, tổ chức du lịch ra đảo. Kinh tế các đảo khi đó sẽ bao gồm làng chài, trung tâm dịch vụ nghề cá, cơ sở thu mua, bảo quản, chế biến thủy sản trên biển... Nếu tổ chức tốt việc đi lại giữa các đảo có thể tiến tới xây dựng trường trung học trên đảo Trường Sa Lớn để học sinh ở các đảo nhỏ có thể về học nội trú. 

Chia tay quân và dân huyện đảo Trường Sa, chúng tôi thầm hứa sẽ làm hết mình vì Trường Sa thân yêu và mong sớm có dịp được trở lại thăm huyện đảo thiêng liêng nơi đầu sóng của Tổ quốc.

(Theo Quân đội Nhân dân Online)