THƯỜNG TRỰC ỦY BAN TÀI CHÍNH - NGÂN SÁCH THẨM TRA DỰ ÁN LUẬT ĐẤU THẦU (SỬA ĐỔI)

16/09/2022

Chiều 16/9, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội họp phiên mở rộng để thẩm tra sơ bộ dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Đây là nội dung sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022 tới.

Tọa đàm góp ý Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi)

Cùng dự phiên họp có Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn; Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Đinh Thị Phương Lan; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh, đại diện Thường trực Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cùng các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội.

 Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội họp phiên mở rộng để thẩm tra sơ bộ dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi)

Trình bày Tờ trình dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, việc sửa đổi Luật có mục tiêu tiếp tục tạo dựng khung pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu, mua sắm sử dụng nguồn vốn nhà nước; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật; khắc phục tình trạng đấu thầu hình thức, nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả; đơn giản hóa thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; ngăn chặn tham nhũng tiêu cực trong hoạt động đấu thầu…

Dự thảo Luật gồm 10 chương, 92 điều. Nội dung của dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở 05 nhóm chính sách.

Một là nhóm các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm xác định rõ phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc áp dụng Luật Đấu thầu.

Hai là nhóm các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu thầu, bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu. Theo đó, sửa đổi, bổ sung quy định về công khai thông tin theo hướng yêu cầu tất cả các thông tin trong hoạt động lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, bao gồm cả thông tin về quá trình và kết quả thực hiện hợp đồng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu phải được công khai trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và khuyến khích đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Sửa đổi, bổ sung quy định yêu cầu công khai nội dung, kết quả thực hiện hợp đồng của nhà thầu; về trường hợp, điều kiện áp dụng đấu thầu quốc tế, đấu thầu nội khối; các trường hợp chỉ định thầu; lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường phát biểu mở đầu phiên họp

Ba là, nhóm các quy định sửa đổi, bổ nhằm đơn giản hóa sung quy trình, thủ tục thực hiện hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, cắt giảm thời gian, chi phí trong hoạt động đấu thầu. Cùng với việc đẩy mạnh lộ trình đấu thầu qua mạng trong thời gian tới thì thời gian tổ chức đấu thầu sẽ tiếp tục được rút ngắn do nhiều công việc, tác nghiệp sẽ được thực hiện trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia…

Bốn là, nhóm các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện chính sách đấu thầu mua sắm hàng hóa trong nước, mua sắm các sản phẩm đổi mới sáng tạo, mua sắm xanh, mua sắm sản phẩm, dịch vụ được cung cấp bởi nhóm lao động yếu thế nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước, thực hiện mục tiêu kinh tế xã hội, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

Năm là nhóm các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu thầu; phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong hoạt động đấu thầu.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương trình bày Tờ trình dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), 

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đều thống nhất về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13. Các đại biểu cho biết, sau 8 năm thi hành, Luật Đấu thầu cùng với hệ thống văn bản hướng dẫn là cơ sở pháp lý quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước trên nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng, công khai, minh bạch trong lựa chọn nhà thầu thực hiện các dự án đầu tư, mua sắm công, quản lý sử dụng vốn, tài sản của nhà nước. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật Đấu thầu trong thời gian qua đã bộc lộ nhiều hạn chế, khó khăn, vướng mắc như một số quy định của Luật chưa phù hợp với thực tiễn hoặc quy định chưa đầy đủ dẫn đến khó khăn trong lựa chọn nhà thầu, nhất là trong trường hợp cấp bách, phòng chống dịch bệnh, xây dựng công trình khẩn cấp. Quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu còn phức tạp, thời gian lựa chọn nhà thầu kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện đầu tư, mua sắm công. Một số quy định chưa bảo đảm thống nhất với một số quy định trong hệ thống pháp luật hiện hành như Luật Đất đai, Luật Lao động, Luật nhà ở, Luật Đầu tư công…

Các đại biểu kỳ vọng sửa đổi Luật lần này sẽ kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong đấu thấu, lựa chọn nhà thầu và quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước.

Các đại biểu tham dự phiên họp

Cơ bản nhất trí với các mục tiêu, quan điểm, yêu cầu và các nhóm chính sách đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ, các đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định nhằm thể chế hóa chủ trương về: “Tăng cường hiệu lực, hiệu công tác lựa chọn nhà thầu, quản lý đấu thầu” của Đảng; quản lý hiệu công khai, minh bạch và sử dụng hiệu quả nguồn vốn, tài sản nước; khắc phục tối đa những vứng mắc, tồn tại, thiếu đồng bộ trong quá trình thực hiện đấu thầu. Trước tình trạng nhiều vụ việc vi phạm quy định đấu thầu mua sắm công xảy ra thời gian qua, các đại biểu đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu quy định chặt chẽ, tăng cường kiểm tra, giám sát, giảm thiểu các hành vi gian lận trong đấu thầu, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Qua rà soát, dự thảo Luật còn 26 nội dung giao Chính phủ quy định và quy định chi tiết, trong đó nhiều nội dung quan trọng, cần được quy định rõ trong luật như ưu đãi lựa chọn nhà thầu, chi phí trong đấu thầu, thanh tra, kiểm tra và giám sát hoạt động đấu thầu... Các đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát, cụ thể hóa các nội dung liên quan, hạn chế các nội dung phải dẫn chiếu nhằm giảm thiểu các văn bản dưới luật, chỉ giao Chính phủ hướng dẫn những vấn đề nào chưa rõ, chưa được kiểm nghiệm trong thực tế, song cần quy định trong Luật những nguyên tắc lớn để Chính phủ hướng dẫn chi tiết, tạo sự ổn định, thuận tiện cho quá trình thực hiện.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn trao đổi nghiên cứu ban đầu

Một số ý kiến bày tỏ băn khoăn khi phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật quy định theo hướng liệt kê đồng thời những quy định các hoạt động phải đấu thầu và các hoạt động không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật. Như vậy dễ dẫn đến rất khó bao quát đầy đủ thực tiễn phát sinh. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu theo hướng quy định rõ trong phạm vi điều chỉnh định các hoạt động phải đấu thầu, đối với các hoạt động không thuộc đối tượng “phải đấu thầu” thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật; đối với những hoạt động đấu thầu đã được quy định trong luật chuyên ngành khác thì quy định nguyên tắc thực hiện theo luật chuyên ngành.

Có chung nội dung quan tâm về đấu thầu qua mạng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Vân Chi và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phạm Thúy Chinh đều đánh giá cao và ủng hộ cần đẩy mạnh đấu thầu qua mạng, cho rằng đây là bước tiến trong cải cách, đổi mới. Thực tế cho thấy phương thức đấu thầu qua mạng đã mang lại hiệu quả nhiều mặt, vừa tiết kiệm thời gian, kinh phí và tính minh bạch, công khai trong đấu thầu được tăng cường, hạn chế sự can thiệp của con người. Để hình thức đấu thầu này phát huy hiệu quả hơn nữa, các đại biểu đề nghị bổ sung đánh giá, làm rõ  vấn đề hạ tầng kỹ thuật, nhân lực vận hành mạng đấu thầu quốc gia và quy định có tính bắt buộc thực hiện đấu thầu qua mạng; quy định về cơ sở dữ liệu, cũng như công khai năng lực, kinh nghiệm, các gói thầu mà các nhà thầu đang thực hiện.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Vân Chi

Ngoài ra, tại phiên họp các đại biểu cũng góp ý về nhiều nội dung cụ thể của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) nhất là đấu thầu trong lĩnh vực y tế đòi hỏi quy định đặc thù, quy định về ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu, đấu thầu quốc tế, các hành vi bị cấm; các hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; điều khoản chuyển tiếp, rà soát bảo đảm thống nhất vơi các luật hiện hành và với các dự thảo Luật đang được sửa đổi.

Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách sẽ tổng hợp đầy đủ và nghiên cứu để tiếp thu tối đa các ý kiến tại phiên họp với mục tiêu giải quyết tốt nhất những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả; tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho các cán bộ thực hiện công tác đấu thầu trong thực hiện nhiệm vụ. Các ý kiến cũng là cơ sở để Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách hoàn thiện báo cáo thẩm tra sơ bộ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp chuyên đề tháng 9/2022.

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Các đại biểu tham dự phiên họp

 Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương trình bày Tờ trình dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi)

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai

Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Nguyễn Đức Hiển

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Thành Trung

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Minh Nam

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Thanh Vân

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phạm Thúy Chinh

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Đinh Thị Phương Lan

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường kết luận nội dung phiên họp

Bảo Yến - Nghĩa Đức