THƯỜNG TRỰC ỦY BAN TÀI CHÍNH - NGÂN SÁCH THẨM TRA SƠ BỘ BÁO CÁO CÔNG TÁC CỦA KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC NĂM 2022: KẾT QUẢ KIỂM TOÁN HỖ TRỢ HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI

09/09/2022

Chiều 09/9, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội họp phiên mở rộng để thẩm tra sơ bộ về báo cáo công tác năm 2022 và kế hoạch kiểm toán năm 2023 của Kiểm toán nhà nước. Đây là nội dung sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 15 tới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự phiên họp toàn thể lần thứ 8 của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà chủ trì phiên họp. Cùng dự phiên họp có các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội; Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Đinh Thị Phương Lan; Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa; đại diện thường trực các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính và các cơ quan hữu quan.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà chủ trì phiên họp mở rộng của Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách

Trình bày báo cáo công tác, đại diện Kiểm toán nhà nước cho biết, mặc dù năm 2022, đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi hoạt động kinh tế - xã hội trong đó có hoạt động của Kiểm toán nhà nước, song toàn ngành đã chủ động tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, khắc phục mọi khó khăn vơi phương châm hành động “đoàn kết, kỷ cương, chất lượng và đạo đức công vụ”, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ năm 2022 đạt tiến độ, chất lượng và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực công tác.

Năm 2022, Kiểm toán nhà nước xây dựng kế hoạch kiểm toán vơi 178 nhiệm vụ kiểm toán. Ngoài nhiệm vụ kiểm toán báo cáo quyết toán của bộ, cơ quan trung ương, địa phương để xác nhận quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm và kiểm toán hoạt động theo Chiến lược phát triển của ngành, năm 2022, Kiểm toán nhà nước đã lựa chọn kiểm toán các chủ đề lớn gắn với việc quản lý, điều hành ngân sách nhà nước; nhiều chuyên đề có phạm vi rộng được dư luận xã hội quan tâm nhằm đánh giá toàn diện việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước xuyên suốt từ trung ương đến địa phương trong đó có chuyên đề việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các chính sách hỗ trợ; việc quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017-2021; việc thực hiện chính sách xã hội trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề; việc thực hiện đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ công ích; công tác quản lý nhà nước về đất đai…

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa tham dự phiên họp có báo cáo và làm rõ một số vấn đề các đại biểu quan tâm

Tính đến 31/8/2022, toàn ngành đã xét duyệt 200 kế hoạch kiểm toán, triển khai 184/231 đoàn kiểm toán theo kế hoạch; kết thúc 140 cuộc kiểm toán; phát hành 162 báo cáo kiểm toán bảo đảm tiến độ. Tổng hợp kết quả từ 162 báo cáo kiểm toán đã phát hành, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 22.036 tỷ đồng; kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới 102 văn bản pháp luật không phù hợp và kiến nghị chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật với nhiều tập thể và cá nhân đối với từng sai phạm. Đồng thời, Kiểm toán nhà nước cũng cung cấp 724 bộ tài liệu cho các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát, điều tra; cung cấp thông tin phục vụ các phiên họp của Quốc hội, Chính phủ; cho ý kiến về các chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia…

Bên cạnh những kết quả đạt được, Kiểm toán nhà nước cũng nhận thấy còn một số tồn tại, hạn chế như số lượng kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động trong tổng số cuộc kiểm toán chiếm tỷ trọng thấp; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán chưa đáp ứng yêu cầu; tỷ lệ thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán tại một số đơn vị chưa cao làm giảm hiệu lực kiểm toán.

Các đại biểu, thành viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tham dự phiên họp

Về dự kiến hoạt động trong năm 2023, Kiểm toán nhà nước cho biết sẽ tiếp tục thực hiện các cuộc kiểm toán thuộc kế hoạch năm trên tinh thần đổi mới toàn diện. Trong đó tập trung kiểm toán phục vụ tốt yêu cầu giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quản lý điều hành của Chính phủ, bộ, ngành, chính quyền địa phương; lựa chọn kiểm toán những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, những đơn vị có quy mô ngân sách lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro, các dự án quan trọng quốc gia, việc triển khai thực hiện chính sách theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội…Đồng thời, xây dựng phương án tổ chức kiểm toán khoa học, hiệu quả, không gây khó khăn cho các cơ quan, đơn vị, địa phương, giảm số cuộc và đầu mối kiểm toán; đẩy mạnh kiểm toán tổng hợp; tăng cường theo dõi, đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cơ bản thống nhất với nội dung báo cáo công tác của Kiểm toán nhà nước và dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2023. Ghi nhận các kết quả công tác của Kiểm toán nhà nước, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phạm Thúy Chinh, đánh giá cao trong năm 2022 bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19 song Kiểm toán nhà nước vẫn thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra theo kế hoạch. Đặc biệt từ đầu năm Kiểm toán nhà nước đã chủ động, quyết liệt, tập trung thực hiện kiểm toán chuyên đề “Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các chính sách hỗ trợ” đảm bảo đúng mục tiêu, yêu cầu của Quốc hội, gửi báo cáo kết quả kiểm toán đến Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 vừa qua được đại biểu Quốc hội đánh giá cao. Kết quả kiểm toán này là căn cứ quan trọng để đại biểu Quốc hội thảo luận về tình hình ngân sách và thực hiện giám sát.

 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phạm Thúy Chinh phát biểu tại phiên họp

Có cùng đánh giá, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Vân Chi đề nghị báo cáo công tác của Kiểm toán nhà nước thể hiện đậm nét hơn về kết quả này. Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Hoàng Anh thì cho rằng kết quả này thể hiện bản lĩnh, tinh thần chủ động, tích cực, hiệu quả công tác của Kiểm toán nhà nước bảo đảm cung cấp đầy đủ kịp thời các báo cáo, tài liệu theo yêu cầu Quốc hội cũng như các Ủy ban của Quốc hội.

Bên cạnh đó, các ý kiến tại phiên họp cũng đề nghị Kiểm toán nhà nước tiếp tục rà soát, phân tích nguyên nhân tồn tại, hạn chế để có giải pháp khắc phục thiết thực, trong đó chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan để không chồng chéo giữa thanh tra và kiểm toán; đẩy nhanh hơn nữa ứng dụng công nghệ để thực hiện các cuộc kiểm toán từ xa.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Vân Chi phát biểu tại phiên họp

Liên quan đến dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2023, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Thành Trung đánh giá cao sự chuẩn bị của Kiểm toán nhà nước đã bám sát các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội như Nghị quyết 43/2022/QH15 đồng thời bám sát chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nâng tỉ lệ kiểm toán quyết toán ngân sách ở địa phương.

Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Trần Văn Lâm thì cho rằng trong giai đoạn đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực những đóng góp của Kiểm toán nhà nước thời gian qua tương đối hiệu quả và mong muốn Kiểm toán nhà nước tiếp tục phát huy hơn nữa theo hướng tăng cường kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động trọng tâm vào những lĩnh vực đang nóng, được dư luận quan tâm và có sắp xếp thứ tự ưu tiên. Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Trần Văn Lâm nhấn mạnh, bên cạnh lĩnh vực quản lý sử dụng nguồn lực nhà nước, chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển, Kiểm toán nhà nước cần tiếp tục quan đến lĩnh vực quản lý tài nguyên đặc biệt là đất đai, tài chính đất đai.

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà nêu rõ qua thảo luận, các ý kiến của các đại biểu đều đồng tình và đánh giá kết quả công tác của Kiểm toan nhà nước năm 2022 và dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2023. Đồng thời trên cơ ở các ý kiến góp ý cụ thể về báo cáo công tác và kế hoạch kiểm toán, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà đề nghị Kiểm toán nhà nước nghiên cứu tiếp thu hoàn thiện các báo cáo, có giải trình những vấn đề các đại biểu quan tâm.

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Thành Trung

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Đinh Thị Phương Lan đánh giá cao hoạt động của Kiểm toán nhà nước, đồng thời đề nghị Kiểm toán nhà nước tăng cường việc công khai các kết quả kiểm toán

Toàn cảnh phiên họp

Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Trần Văn Lâm đề nghị định lượng một số nhận xét, đánh giá, có phân tích làm rõ thêm một số tồn tại hạn chế, chỉ ra nguyên nhân để có giải pháp khắc phục 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà tại phiên họp

Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Hoàng Anh đánh giá cao hoạt động của Kiểm toán nhà nước trong năm 2022, đã cuộc theo đúng kế hoạch, đúng tiến độ và yêu cầu của Quốc hội dù bối cảnh năm 2022 nhiều khó khăn do đại dịch diễn biến phức tạp, khó lường

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đỗ Thị Lan phát biểu tại phiên họp

Bảo Yến