ỦY BAN TÀI CHÍNH – NGÂN SÁCH THẨM TRA BÁO CÁO CÔNG TÁC CỦA KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC NHIỆM KỲ QUỐC HỘI KHÓA XIV

08/01/2021

Để chuẩn bị cho phiên họp thứ 52 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 08/01, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Phó Chủ nhiệm Bùi Đặng Dũng, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội tổ chức phiên họp thẩm tra báo cáo của Tổng Kiểm toán nhà nước về công tác của Kiểm toán nhà nước nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.

 

Dự phiên họp có Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thanh tra Chính phủ, các cơ quan hữu quan cũng các thành viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội.

 Ủy ban Tài chính – Ngân sách họp thẩm tra báo cáo của Tổng Kiểm toán nhà nước về công tác của Kiểm toán nhà nước nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV

Theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa, trong nhiệm kỳ, với sự quyết tâm cao, Ban cán sự Đảng, Đảng ủy, lãnh đạo Kiểm toán nhà nước đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và tổ chức thực hiện các nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước; tập trung nâng cao chất lượng kiểm toán. Công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán có nhiều đổi mới cả về nội dung và cách thức tổ chức thực hiện. Công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành hoạt động kiểm toán với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt và sát hợp, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực hoạt động kiểm toán.

Trong giai đoạn 2016-2021, Kiểm toán nhà nước luôn quan tâm đến công tác xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của Kiểm toán nhà nước. Việc thực hiện Kế hoạch kiểm toán với nhiều kết quả nổi bật, góp phần quan trọng hoàn thiện cơ chế chính sách, phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, lãng phí và siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Trong nhiệm kỳ, Kiểm toán nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 353.733 tỷ đồng; chuyển 20 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật, 02 vụ việc đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý; cung cấp 498 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho cơ quan của Quốc hội, Ủy ban kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 786 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý sai quy định hoặc không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn, góp phần làm lành mạnh nền tài chính quốc gia.

Nhiệm kỳ 2016-2021, số kiến nghị về xử lý tài chính của Kiểm toán nhà nước đã được các đơn vị thực hiện là 237.578 tỷ đồng, đạt 73,6% tổng số kiến nghị; có 136/786 văn bản đã được Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương thực hiện hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung theo kiến nghị của Kiểm toán nhà nước.

Bên cạnh đó, hoạt động hội nhập và hợp tác quốc tế của Kiểm toán nhà nước không ngừng được mở rộng, tăng cường về chiều sâu, thiết thực và có hiệu quả; vai trò, vị thế của Kiểm toán nhà nước trong cộng đồng kiểm toán tối cao khu vực và thế giới ngày càng được khẳng định và nâng cao. Trong khuôn khổ tổ chức các Cơ quan kiểm toán tối cao khu vực châu Á (ASOSAI), Kiểm toán nhà nước Việt Nam đã đăng cai và tổ chức thành công Đại hội ASOSAI lần thứ 14 năm 2018 tại Hà Nội, theo đó Kiểm toán nhà nước là thành viên Ban Điều hành ASOSAI giai đoạn 2015-2024 và Chủ tịch ASOSAI giai đoạn 2018-2021.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa phát biểu tại phiên họp

Cho ý kiến thẩm tra về báo cáo công tác nhiệm kỳ của Kiểm toán Nhà nước, các đại biểu cơ bản nhất trí với những nhận định, đánh giá được nêu trong Báo cáo của Kiểm toán nhà nước và cho rằng Báo cáo đã thể hiện tương đối đầy đủ kết quả đạt được trong hoạt động của Kiểm toán nhà nước; ghi nhận trong nhiệm kỳ vừa qua, với sự cố gắng, nỗ lực không ngừng, Kiểm toán nhà nước đã từng bước khẳng định được vị thế là cơ quan kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, chuyên nghiệp, hiệu quả và là công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Các đại biểu cho rằng một trong những kết quả đạt được nổi bật của Kiểm toán nhà nước đạt được trong thời gian qua là thực hiện hoán đổi đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán để tăng cường tính minh bạch và hiệu quả trong hoạt động kiểm toán; đẩy mạnh việc lập kế hoạch kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu, rà soát bớt các thủ tục, giảm thiểu sự phiền hà, ảnh hưởng đến các hoạt động của đơn vị được kiểm toán. Đặc biệt là các chuyên để liên quan đến tái cơ cấu nền kinh tế, hiệu quả đầu tư công, nợ công, quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, BOT...Trong năm 2020 trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Kiểm toán nhà nước đã xây dựng phương án và tổ chức kiểm toán khoa học, bảo đảm phù hợp với diễn biến của đại dịch, hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, đơn vị được kiểm toán.

Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng ghi nhận những nỗ lực của Kiểm toán nhà nước trong việc đôn đốc thực hiện các kết luận, kiến nghị và cho rằng, Kiểm toán nhà nước đã tích cực trong việc triển khai thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng kiểm toán, chất lượng công tác kiểm tra thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị trong việc đôn đốc thực hiện các kiến nghị kiểm toán. Tỷ lệ thực hiện kiến nghị xử lý tài chính giai đoạn 2016-2020 có tiến bộ, cao hơn nhiều so với giai đoạn trước.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Quang phát biểu tại phiên họp

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị Kiểm toán Nhà nước làm rõ một số nội dung trong Báo cáo. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cho rằng các đánh giá trong báo cáo cần được làm rõ hơn, có số liệu chứng minh hiệu quả thực tế như việc khắc phục chồng chéo trong thực hiện nhiệm vụ của thanh tra và kiểm toán, các thủ tục kiểm toán giảm phiền hà cho đối tượng bị kiểm đạt kết quả như thế nào. Việc kiểm soát chất lượng kiểm toán theo 5 cấp độ (Tổng Kiểm toán nhà nước, kiểm toán trưởng, trưởng đoàn, tổ kiểm toán và kiểm toán viên tự soát xét kết quả) và 5 hình thức (giám sát, kiểm soát trực tiếp, kiểm soát đột xuất, kiểm soát hồ sơ sau, kiểm soát công tác tổ chức kiểm soát của kiểm toán trưởng) cho thấy Kiểm toán nhà nước rất chú trọng kiểm soát nội bộ vậy kết quả đạt được là gì, tác động như thế nào cũng cần được thể hiện rõ hơn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Quang cho rằng trong nhiệm kỳ tới, Kiểm toán nhà nước cần đẩy mạnh thực hiện 100% báo cáo tài chính của các Bộ, cơ quan Trung ương và báo cáo quyết toán các địa phương được kiểm toán thường xuyên hàng năm theo đúng yêu cầu của Luật Ngân sách nhà nước, bởi đây là cơ sở quan trọng để Hội đồng nhân dân xem xét, phê chuẩn quyết toán hàng năm. Cần chú trọng việc kiểm toán chuyên đề về sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp qua đó góp phần đẩy nhanh thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước nước tại các doanh nghiệp.

Đồng thời nâng cao chất lượng tham gia kiên đế Quốc hội quyết định các vấn đề quan trọng của Quốc gia như Dự toán ngân sách hàng năm, các kế hoạch tài chính 5 năm, Chương trình mục tiêu quốc gia...

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai thì cho rằng trong thời gian tới cần thực hiện tốt hơn quy định của Luật Kiểm toán nhà nước, thể hiện rõ hơn vai trò của Kiểm toán nhà nước trong việc trình ý kiến để Quốc hội xem xét, quyết định dự toán ngân sách nhà nước, quyết định phân bổ ngân sách trung ương, quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước. Điều này đòi hỏi Kiểm toán nhà nước cần có sự chủ động và phối hợp với các cơ quan hữu quan của Chính phủ, Quốc hội trong quá trình xem xét quyết định phân bổ vốn, chương trình, dự án đầu tư hay chủ động có ý kiến, kiến nghị về việc thực hiện chuyển hình thức đầu tư từ đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP sang đầu tư công ở một số dự án. Đồng thời, đẩy mạnh hơn kiểm toán tài nguyên, khoáng sản để tránh thất thoát, lãng phí.

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Bùi Đặng Dũng nêu rõ, trên cơ sở ý kiến thảo luận của các đại biểu, đề nghị các cơ quan hữu nghiên cứu tiếp thu để hoàn chỉnh các báo cáo, có thêm báo cáo giải trình làm rõ các vấn đề đại biểu đề nghị để trình bổ sung, làm rõ các số liệu, đánh giá hiệu quả thực tế.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Bùi Đặng Dũng cho rằng, báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ của Kiểm toán nhà nước cần nhấn mạnh một số điểm nổi bật, hiệu quả công việc thực hiện được như chú trọng hoàn thiện cơ sở pháp lý, tăng cường đổi mới nâng cao toàn diện chất lượng kiểm toán, thông qua hiệu quả hoạt động của Kiểm toán nhà nước nhận thức của các cấp chính quyền đối với việc kiểm toán đã thay đổi rõ rệt. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ này, Kiểm toán nhà nước đã đảm nhận trọng trách Chủ tịch ASOSAI 2018-2021 và tổ chức thành công Đại hội ASOSAI.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Bùi Đặng Dũng kết luận phiên họp

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Bùi Đặng Dũng đề nghị, thời gian tới, Kiểm toán nhà nước cần chú trọng thực hiện bảo đảm 100% quyết toán của các đại phương được kiểm toán làm cơ sở để Hội đồng nhân dân phê duyệt; lưu ý chất lượng kiểm toán hoạt động, kiểm toán tài nguyên khoáng sản môi trường, hiệu quả sử dụng vốn nhà nước trong doanh nghiệp; phát huy cao độ ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng hiệu quả các trang thiết bị để phục vụ hoạt động.

Ghi nhận sự phối hợp của Kiểm toán nhà nước với Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội nhiệm kỳ vừa qua, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Bùi Đặng Dũng bày tỏ mong muốn nhiệm kỳ tới, hai cơ quan tiếp tục phát huy kết quả đạt được, đồng thời tăng cường phối hợp thực hiện nhiệm vụ tốt hơn nữa./.

Bảo Yến

Các bài viết khác