Tham dự buổi làm việc có đại diện Kiểm toán Nhà nước, chuyên gia, các thành viên Đoàn giám sát; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình Nguyễn Văn Dũng, đại diện Đoàn ĐBQH tỉnh, đại diện các sở, quỹ tài chính ngoài ngân sách…
Theo báo cáo của UBND tỉnh Hòa Bình, sau khi thành lập, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách đều được chú ý xây dựng, trình ban hành các quy định về quản lý, tổ chưc bộ máy, tiêu chuẩn chức danh, chức năng, nhiệm vụ và quy chế hoạt động của các phòng, ban; xây dựng và ban hành đầy đủ các quy chế hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ. Việc xây dựng, ban hành và áp dụng các quy trình, quy chế chuyên môn nghiệp vụ đồng bộ, chặt chẽ, bảo đảm đúng quy định hiện hành, góp phần phát huy hiệu quả sử dụng vốn.
Tuy nhiên, một số loại quỹ chưa có đầy đủ văn bản hướng dẫn thực hiện nên gặp khó khăn trong hoạt động đầu tư như Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh, Quỹ Phát triển đất, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ, Quỹ Bảo vệ môi trường…
Báo cáo của UBND tỉnh Hòa Bình cũng nêu rõ, vốn điều lệ của đa số các quỹ nhà nước ngoài ngân sách đều chưa đáp ứng được theo quy định, thậm chí có quỹ không được hỗ trợ từ ngân sách nữa nên khó khăn trong hoạt động. Đa số các quỹ tài chính ngân sách đều do ngân sách Nhà nước cấp, chỉ một số quỹ huy động vốn từ xã hội, nhưng đều vận động khó khăn, số thu thấp.
Trong quá trình hoạt động, một số quỹ gặp khó khăn, chưa phát huy hiệu quả, một số nhiệm vụ chưa triển khai thực hiện do vướng quy định pháp luật liên quan. Một số quỹ do thiếu văn bản hướng dẫn cụ thể về hoạt động nên các địa phương tự xây dựng, hoạt động theo quy định riêng, không thống nhất trên cả nước.
Căn cứ quy định tại Khoản 8, Điều 1, Nghị định số 37 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 138 về tổ chức và hoạt động của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương, tỉnh Hòa Bình đang xem xét cơ cấu lại một số quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách theo hình thức ủy thác qua Quỹ Đầu tư phát triển, theo nguyên tắc nguồn vốn và tài sản của các quỹ khác khi ủy thác phải được hạch toán, quản lý tách bạch với qũy này.
Hòa Bình kiến nghị, Chính phủ, các bộ, ngành nghiên cứu xây dựng văn bản hướng dẫn cho việc cơ cấu lại một số quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Do là tỉnh miền núi, chi ngân sách hàng năm còn phụ thuộc vào ngân sách Trung ương, UBND tỉnh Hòa Bình đề nghị, Chính phủ, Bộ Tài chính quan tâm cấp bổ sung kinh phí cho địa phương.
Các thành viên Đoàn giám sát đánh giá cao việc Hòa Bình đã chủ động xem xét cơ cấu lại một số quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Song nhiều ý kiến cho rằng, Hòa Bình cần báo cáo cụ thể cách thức cơ cấu lại một số quỹ, theo hình thức sáp nhập hay thực hiện ủy thác qua các quỹ đang hoạt động ổn định, phát huy hiệu quả hiện nay? Từ giác độ của địa phương thấy những quỹ nào cần thu chi theo phương thức quản lý ngân sách nhà nước hoặc theo cơ chế phù hợp hơn? Để đánh giá chính xác hiệu quả của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, một số ý kiến cho rằng, cần lượng hóa tác dụng của quỹ tài chính này, thông qua nêu rõ số dự án được cho vay vốn, hiệu quả mang lại cụ thể…
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Trưởng đoàn giám sát Nguyễn Hữu Quang đánh giá cao việc UBND tỉnh Hòa Bình đã xây dựng báo cáo chi tiết, cơ bản bám sát đề cương của Đoàn giám sát. Hòa Bình còn nhiều khó khăn nên nguồn tài chính cho quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách có hạn chế, song Phó trưởng Đoàn giám sát nhấn mạnh, đây không phải vấn đề cần được quan tâm khi đánh giá về các quỹ tài chính này, mà yếu tố quan trọng cần được đánh giá là hiệu quả hoạt động ở địa phương, cũng như hướng đổi mới hoạt động trong thời gian tới.
Phó Trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Hữu Quang đề nghị, Hòa Bình cần báo cáo cụ thể về hiệu quả hoạt động của một số quỹ; tổ chức, bộ máy nhân sự, chi phí duy trì hoạt động của những quỹ có bộ máy chuyên trách; kết quả thanh tra, kiểm tra quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh…
Về quá trình sắp xếp lại các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, Phó Trưởng Đoàn giám sát gợi mở, Hòa Bình không chỉ đề xuất phương án sắp xếp lại dựa trên điều kiện, nhu cầu của địa phương, mà còn phù hợp với đòi hỏi chung trên cả nước. Chủ động xây dựng phương thức huy động các nguồn lực ngoài xã hội, vì đây là yếu tố quan trọng giúp duy trì, phát huy hiệu quả hoạt động của các quỹ. Phó Trưởng Đoàn giám sát cũng đề nghị, UBND tỉnh Hòa Bình cần tiếp tục hoàn thiện báo cáo, sớm gửi lại Đoàn giám sát, để cung cấp thông tin chi tiết, đưa ra những minh họa sinh động cho hiệu quả, vướng mắc, khó khăn trong hoạt động quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách./.