PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG: GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ THẢO LUẬT CẢNH SÁT CƠ ĐỘNG PHẢI KHÁCH QUAN, TOÀN DIỆN

01/12/2021

Sáng 01/12, tại Trụ sở các cơ quan của Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương làm việc với Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh về dự kiến kế hoạch giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động sau khi đã được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Tham dự buổi làm việc còn có đại diện Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và Ban soạn thảo dự án Luật Cảnh sát cơ động.

 

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương làm việc với Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh về dự kiến kế hoạch giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động 

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương nhấn mạnh, với phương châm “chủ động, đoàn kết, trí tuệ và trách nhiệm”, cuộc làm việc này nhằm rà soát, nghe kết quả nghiên cứu ban đầu ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 về dự án Luật Cảnh sát cơ động; dự kiến về nội dung, phương pháp, thời gian kế hoạch tiếp thu, chỉnh lý và giải trình của Ủy ban Quốc phòng và An ninh để tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đến giai đoạn này, việc tiếp thu giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật do Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì thẩm tra, phối hợp với Cơ quan soạn thảo của Chính phủ.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, dự án Luật cảnh sát cơ động là 1 trong 5 dự án Luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2, được các đại biểu rất quan tâm, với tổng số 299 ý kiến phát biểu. Vì vậy, việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và xây dựng dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng; vừa thể hiện sự thống nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Chính phủ, đồng thời thể hiện được sự nhất quán trong chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và lãnh đạo Quốc hội trước yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng công tác lập pháp của Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới phát biểu tại buổi làm việc

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, kể từ sau Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội, Thường trực Ủy ban đã tập trung xây dựng Kế hoạch giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động; Kế hoạch tổ chức tọa đàm đàm lấy ý kiến về dự thảo Luật. Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng đã có kế hoạch thành lập 4 đoàn khảo sát và sẽ bắt đầu làm việc tại 1 số địa phương, đơn vị vào tuần tới.

Báo cáo tình hình, kết quả tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động, Trung tướng GS.TS Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, theo dự kiến, trong tháng 1/2022, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh và Ban soạn thảo sẽ hoàn thành tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật để báo cáo UBTVQH (dự kiến tháng 2/2022) trước khi gửi xin ý kiến Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, các Đoàn đại biểu Quốc hội.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Minh Đức báo cáo tình hình, kết quả tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động

Tại buổi làm việc, các đại biểu tham dự và các thành viên trong Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý bước đầu dự thảo Luật liên quan đến các nội dung như: Vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, hệ thống tổ chức của Cảnh sát cơ động và các nội dung khác trong dự thảo luật.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, phát biểu thẳng thắn, khách quan và xây dựng của các đại biểu; đồng tình cần phải thống nhất phạm vi quy định của dự thảo Luật trên 4 nội dung gồm: chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và quan hệ phối hợp của Cảnh sát cơ động.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu kết luận buổi làm việc với Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh về dự kiến kế hoạch giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động 

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần tiếp tục quán triệt đầy đủ quan điểm đổi mới và nâng cao công tác lập pháp theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội là “tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, vị trí của Quốc hội trong việc tạo lập khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động của đất nước”. Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, việc nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật phải thực hiện đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, có nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội. Việc nghiên cứu giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật phải khách quan, toàn diện.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, đối với những vấn đề giải trình, căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn phải hết sức sâu sắc, theo quan điểm chỉ đạo của Trung ương là “cái gì đã chín, đã rõ, được sự đồng thuận thì đưa vào xây dựng Luật”, không đi nhiều vào khái niệm gây khó hiểu. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng đồng tình với Kế hoạch khảo sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh phục vụ việc thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động./.

Khắc Phục