PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI ĐỖ BÁ TỴ DỰ VÀ CHỈ ĐẠO PHIÊN HỌP TOÀN THỂ LẦN THỨ 17 ỦY BAN QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH

01/10/2020

Sáng ngày 01/10/2020, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 17, cho ý kiến vào Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch Quốc hội dự và chỉ đạo tại hội nghị. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt chủ trì Phiên họp.

Toàn cảnh Phiên họp toàn thể lần thứ 17 Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.

Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội; các thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội. Hội nghị còn có đại diện của các bộ ngành liên quan như: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ.

Sát nhập lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng và công an xã bán chuyên trách thành lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Mở đầu phiên họp, thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an trình bày Tờ trình Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Theo Thượng tướng Lê Quý Vương, bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách là các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật khác về an ninh, trật tự tại địa bàn xã, phường, thị trấn. Với vị trí, chức năng quan trọng làm nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và là hạt nhân tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại địa bàn cơ sở, thường xuyên, trực tiếp tiếp xúc với người dân, gắn bó mật thiết với Nhân dân. Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở luôn được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và ngành Công an, sự giúp đỡ, cộng tác, phối hợp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; từ đó, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở ngày càng được củng cố, kiện toàn và đã có những đóng góp quan trọng trong bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở.

Tuy nhiên, trước yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới, kiện toàn, sắp xếp, bố trí lực lượng, tinh gọn đầu mối gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của từng tổ chức cơ sở; tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước; bảo đảm thực hiện tốt hơn các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, hoạt động của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở. Trong điều kiện đó, việc đề nghị xây dựng, thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là cần thiết.

Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an trình bày Tờ trình Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Bên cạnh đó, hiện nay, việc bố trí lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đang có tình trạng không thống nhất (bảo vệ dân phố được bố trí thành ban, tổ trên địa bàn phường; dân phòng được bố trí thành đội, tổ ở thôn, làng, ấp, bản, đơn vị dân cư tương đương; Công an xã bán chuyên trách được bố trí theo mô hình dân phòng). Trên một địa bàn cấp xã cùng tồn tại các lực lượng quần chúng với tên gọi khác nhau (dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách) và đều do Ủy ban nhân dân cấp xã thành lập, quản lý, duy trì hoạt động để cùng tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự có tính chất tương đồng, từ đó dễ dẫn đến chồng chéo, mâu thuẫn, chồng lấn.

Do đó, việc nghiên cứu điều chỉnh lại theo hướng thống nhất lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ Công an xã để thành một lực lượng với tên gọi chung, được bố trí thống nhất trên địa bàn xã, phường, thị trấn sẽ góp phần kiện toàn, tinh gọn bộ máy theo chủ trương chung hiện nay cũng như kiện toàn lực lượng để có điều kiện tập trung bảo đảm nguồn lực, cơ sở vật chất, chế độ, chính sách và bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được tốt hơn, thật chất hơn cũng như bảo đảm việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng này được đồng bộ, thống nhất.

Việc điều chỉnh theo hướng này sẽ xác định rõ chủ thể chịu trách nhiệm chính trong quan hệ phối hợp giữa lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với cơ quan, tổ chức, cá nhân khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự; khắc phục thực trạng hiện nay là có nhiều lực lượng cùng tham gia nhưng không xác định được chủ thể chịu trách nhiệm chính. Mặt khác, việc điều chỉnh thống nhất 03 lực lượng này sẽ khắc phục hạn chế, bất cập hiện nay khi người dân rất khó phân biệt tên gọi, nhiệm vụ, quyền hạn, trang phục, địa bàn, phạm vi hoạt động… của các lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, nội dung cơ bản của dự thảo Luật quy định về vị trí, chức năng, nguyên tắc hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn, quan hệ phối hợp, xây dựng lực lượng, bồi dưỡng, hỗ trợ, bảo đảm điều kiện hoạt động đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Luật này áp dụng đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách); cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài cư trú, hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng điều ước quốc tế đó.

Dự thảo Luật cũng quy định cụ thể về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; tiêu chuẩn tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; quan hệ công tác của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với các cơ quan, tổ chức trên địa bàn, dự thảo Luật quy định; các hành vi bị nghiêm cấm; nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; về bảo đảm điều kiện hoạt động và giải quyết một số trường hợp khi lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở…

Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cũng khẳng định, ngoài nội dung nêu trên, dự thảo Luật trên cơ sở kế thừa quy định của pháp luật hiện hành đối với bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách đã quy định bao quát các điều kiện bảo đảm hoạt động và giải quyết một số trường hợp khi lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thực hiện nhiệm vụ, bao gồm: Bố trí địa điểm, nơi làm việc của lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; bồi dưỡng, huấn luyện; bảo đảm kinh phí và cơ sở vật chất cho lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; trang bị, quản lý công cụ hỗ trợ của lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận của lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; giải quyết trường hợp lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở khi thực hiện nhiệm vụ bị ốm đau, bị tai nạn, chết, bị thương, hy sinh…

Xác định rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Sau khi nghe đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo trình bày Tờ trình, Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Hồ sơ dự án Luật đã được Chính phủ chuẩn bị đúng trình tự, thủ tục và cơ bản đầy đủ tài liệu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật, tuy nhiên nhấn mạnh đây là vấn đề mới có nhiều nội dung liên quan đến tổ chức “lực lượng”, vị trí pháp lý, kinh phí, ngân sách nên cần được tiếp tục nghiên cứu, rà soát các quy định cho phù hợp. Về một số nội dung cụ thể của Dự án Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội Nguyễn Minh Đức cho biết, khoản 1 Điều 3 Dự thảo Luật xác định vị trí của lực lượng này là “lực lượng quần chúng tự nguyện” nhưng nhiều quy định của Dự thảo Luật về xây dựng lực lượng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện hoạt động… chưa phù hợp với tính chất của lực lượng quần chúng tự nguyện.

Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội.

Đối với nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (từ Điều 8 đến Điều 15), một số ý kiến cho rằng, Dự thảo Luật quy định 07 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở quá rộng và nhiệm vụ rất nặng; chưa chặt chẽ và thiếu cụ thể về phạm vi, mức độ, biện pháp hoạt động; đề nghị quy định cụ thể hơn những nhiệm vụ được chủ động thực hiện, những nhiệm vụ chỉ thực hiện với vai trò tham gia, hỗ trợ lực lượng công an chính quy. Bên cạnh đó, đề nghị bổ sung các quy định cụ thể hơn về phạm vi, phương thức, mức độ thực hiện nhiệm vụ, xác định trách nhiệm của các chủ thể khi tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự tránh xảy ra “lạm quyền”, xâm phạm quyền con người, quyền công dân khi thi hành luật; đồng thời, rà soát kỹ từng nhiệm vụ, quyền hạn đảm bảo chặt chẽ, tránh chồng chéo với quy định của các luật liên quan.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội Nguyễn Minh Đức cho biết, nhiều ý kiến nhất trí đối với quy định về đảm bảo điều kiện hoạt động và chế độ, chính sách đối với lực lượng này như Dự thảo Luật và đề nghị chi trả phụ cấp hàng tháng đối với Tổ trưởng, Tổ phó Tổ an ninh trật tự để tương xứng với trách nhiệm được giao. Nghiên cứu tăng kinh phí, chế độ chính sách cho lực lượng này bảo đảm thực hiện nhiệm vụ, kể cả trong trường hợp bị thương hoặc hy sinh khi làm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.

Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng, quy định về chế độ, chính sách và điều kiện hoạt động cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở là chưa phù hợp với vị trí là “lực lượng quần chúng tự nguyện”; các quy định này sẽ làm phát sinh chi phí, ngân sách nhà nước, nhất là quy định về bố trí nơi làm việc, các điều kiện về thiết bị, phương tiện hoạt động. Đề nghị ban soạn thảo rà soát, chỉ quy định một số điều kiện, chế độ, chính sách thực sự cần thiết, có lộ trình cụ thể phù hợp với khả năng bố trí kinh phí của trung ương và từng địa phương, nhát là các địa phương khó khăn; đồng thời nghiên cứu quy định một số chính sách xã hội hóa nguồn lực hỗ tợ hoạt động của lực lượng này./.

Lan Hương - Minh Thành

Các bài viết khác