PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG: CHỈ LUẬT HOÁ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐÃ CHÍN, ĐÃ RÕ VÀ THỐNG NHẤT CAO

13/10/2022

Tiếp tục Chương trình Phiên họp toàn thể lần thứ 3, chiều ngày 13/10, tại Nhà Quốc hội, Uỷ ban Quốc phòng và An ninh thẩm tra dự án Luật Phòng thủ dân sự. Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội, nhấn mạnh chỉ luật hoá các vấn đề đã chín, đã rõ, thống nhất cao; những vấn đề cần thiết nhưng chưa chín, chưa rõ thì không luật hoá.

THẨM TRA BÁO CÁO CỦA CHÍNH PHỦ VỀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ VÀ NGÂN SÁCH QUỐC PHÒNG, AN NINH

UỶ BAN QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH HỌP PHIÊN TOÀN THỂ LẦN THỨ 3

ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ CÁC DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM NHẰM XỬ LÝ DỨT ĐIỂM CÁC ĐIỂM ĐEN TIỀM ẨN TAI NẠN GIAO THÔNG

Toàn cảnh Phiên họp

Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới chủ trì Phiên họp.

Tham dự Phiên họp có các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, các Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách của Quốc phòng và An ninh, đại diện Thường trực một số Uỷ ban, Ban thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Cùng tham dự còn có Thượng tướng Nguyễn Tân Cương – Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Nguyễn Trọng Bình - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành và đại diện Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước.

Phát biểu mở đầu phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, dự án Luật Phòng thủ dân sự đã được Thường trực Ủy ban thẩm tra sơ bộ hai lần; Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 14 và Phiên họp thứ 15. Tại Phiên họp thứ 15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí trình dự án luật tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) để Quốc hội thảo luận, cho ý kiến nhưng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ban soạn thảo tiếp tục tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban để hoàn thiện hồ sơ dự án luật. Tại Phiên họp toàn thể lần này, Ủy ban Quốc phòng và An ninh thẩm tra chính thức dự án luật trước khi trình Quốc hội cho ý kiến.

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương – Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam trình bày Tờ trình của Chính phủ

Trình bày Tờ trình dự án luật tại Phiên họp, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương – Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết, Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 30/8/2022 của Bộ Chính trị đặt ra mục tiêu đến năm 2025 “Xây dựng Luật Phòng thủ dân sự và các văn bản pháp luật liên quan, trong đó chú trọng bổ sung cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, chủ trương chính sách trưng thu, trưng dụng, huy động lực lượng, phương tiện, vật chất cho nhiệm vụ phòng thủ dân sự,…; tập trung xây dựng và tổ chức thực hiện Chiến lược phòng thủ dân sự”. Một trong các nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng thủ dân sự là “Khẩn trương xây dựng Luật Phòng thủ dân sự; rà soát, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về phòng thủ dân sự; đáp ứng kịp thời yêu cầu, nhiệm vụ phòng thủ dân sự trong tình hình mới”.

Trong những năm qua, công tác phòng thủ dân sự từng bước được hoàn thiện cả về thể chế và tổ chức thực hiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu phòng, chống, ứng phó, khắc phục thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, góp phần to lớn vào việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhân dân, tạo môi trường ổn định phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh những kết quả đạt được còn một số vấn đề đặt ra, cần phải luật hóa để tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thực tiễn. Do đó, việc xây dựng Luật Phòng thủ dân sự là rất cần thiết nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho việc chủ động phòng, chống, ứng phó hiệu quả với các thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm an ninh, an toàn cho đất nước khi có tình huống xảy ra. Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự gồm 7 Chương, 71 Điều, quy định về hoạt động phòng thủ dân sự; Cơ quan chỉ đạo, chỉ huy, lực lượng phòng thủ dân sự; Quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong hoạt động phòng thủ dân sự; Nguồn lực, chế độ, chính sách đối với người tham gia hoạt động phòng thủ dân sự; Trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng thủ dân sự…

Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hải Hưng nêu rõ, Uỷ ban nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật với các cơ sở theo đề nghị của Chính phủ. Việc xây dựng luật sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng thủ dân sự, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân, cơ quan, tổ chức. Nội dung dự thảo Luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với Hiến pháp và tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị được chuẩn bị cơ bản đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhiều nội dung được nghiên cứu khá kỹ lưỡng, công phu. Tuy nhiên, bố cục dự thảo luật cần tiếp tục rà soát, bảo đảm cân đối các nội dung lớn; bổ sung các nội dung để làm rõ hơn về các chính sách xây dựng luật và quy định đầy đủ các nội dung cần bãi bỏ, thay thế trong các luật hiện hành.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hải Hưng

Thảo luận tại phiên họp, đa số đại biểu tham dự bày tỏ nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương có liên quan đến phòng thủ dân sự của Đảng; khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chính sách, pháp luật về phòng thủ dân sự. Đồng thời đánh giá cao cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã tiếp thu tối đa ý kiến của các vị đại biểu sau mỗi buổi làm việc. Về cụ thể, một số đại biểu cho rằng cần phân biệt rõ phạm vi điều chỉnh của Luật với các quy định liên quan đang được nhiều luật khác điều chỉnh để tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn, khó áp dụng. Tiếp tục bám sát quan điểm về “Phòng thủ dân sự” được nêu trong Nghị quyết 22-NQ/TW và khái niệm “Phòng thủ dân sự” tại Luật Quốc phòng năm 2018, các Kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về dự án luật để quy định toàn diện hơn các nội dung liên quan đến phòng thủ dân sự. Đồng thời rà soát luật hoá tối đa các quy định đã được thực hiện ổn định tại Nghị định 02/2019/NĐ-CP và luật hoá một số quy định có nội dung đã rõ, quan trọng từ dự thảo Nghị định để bảo đảm bao quát, toàn diện hơn.

Bày tỏ băn khoăn về tính khả thi của Luật, một số ý kiến cho rằng dự thảo Luật có một số nội dung chưa phân định rõ với những quy định có liên quan về phòng thủ dân sự tại các luật chuyên ngành nên khó đánh giá mức độ rủi ro ở từng lĩnh vực cũng như ý nghĩa và mối quan hệ giữa cách đánh giá mức độ nguy hiểm liên quan đến thảm hoạ, sự cố trong các luật khác với các cấp độ phòng thủ dân sự tại dự thảo luật; do đó đề nghị tiếp tục làm rõ thêm các nội dung này. Cùng với đó cần tiếp tục rà soát, bảo đảm cân đối các nội dung lớn; bổ sung các nội dung để làm rõ hơn các chính sách xây dựng luật và quy định đầy đủ các nội dung cần bãi bỏ, thay thế trong luật hiện hành để dễ thực hiện.

Về giải thích từ ngữ đối với vấn đề sự cố, có ý kiến cho rằng, sự cố mang tính chất bất ngờ chứ không thường xuyên xảy ra, nếu chỉ quy định chung chung, không phải yếu tố bất ngờ là không chính xác. Lý giải về quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Hải Dũng lấy ví dụ về quy định sự cố do dịch bệnh nguy hiểm gây ra. Theo đó, dịch bệnh nguy hiểm là một nguồn gây hậu quả lớn cho sức khỏe, tính mạng con người. Dịch bệnh không cần phải là sự cố thì đã phải phòng ngừa, phòng chống và bảo đảm khắc phục hậu quả. Bên cạnh đó, trong khái niệm mới quy định sự cố có nguy cơ dẫn đến thảm hoạ, nếu quy định như trong dự thảo luật có thể hiểu sự cố là cấp thấp của thảm hoạ. Do đó đề nghị Luật Phòng thủ dân sự cần xác định 05 hình thái cần quan tâm là chiến tranh, thảm hoạ, sự cố, thiên tai, dịch bệnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp

Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, tích cực, khẩn trương của Ban soạn thảo trong việc nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý theo Thông báo kết luận số 1506/TB-TTKQH của Tổng Thư ký Quốc hội. Cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã có sự phối hợp chặt chẽ, hồ sơ dự án luật đúng theo tiến độ và yêu cầu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đúng chủ trương của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước. Ý kiến của các đại biểu tại Phiên họp rất sâu sắc, nhiều vấn đề thực tiễn đã được đặt ra với tinh thần tâm huyết, trách nhiệm, trí tuệ. Nếu tiếp thu tốt, giải trình đầy đủ, hoàn chỉnh hồ sơ sẽ có dự án luật chất lượng nhất trình Quốc hội. Tuy nhiên, để hoàn thiện dự thảo luật, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần bám sát hơn nữa yêu cầu tại Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong đó có quan điểm, mục tiêu và giải pháp và các vấn đề đã được đưa ra tại Thông báo kết luận số 1506/TB-TTKQH.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, đây là luật khó và mới với  nhiều nội dung, hoạt động phòng thủ dân sự đã được các luật chuyên ngành quy định và thực hiện trong thực tế. Kinh nghiệm phòng thủ dân sự qua các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc, xây dựng đất nước trước đây và bây giờ phát triển trong điều kiện mới có yêu cầu cao hơn. Có những vấn đề đã diễn ra, khó dự báo nên cần phải tính đến yếu tố đặc biệt, đặc thù để giải quyết hài hoà câu chuyện đúng Hiến pháp, pháp luật nhưng cũng dự báo được tình hình, lấy dĩ bất biến ứng vạn biến, nguyên tắc là số một nhưng phải hợp lý trong quá trình xây dựng và thẩm tra luật. Trên tinh thần đó, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu chỉ luật hoá những vấn đề đã chín, đã rõ, được thực tiễn kiểm nghiệm đúng, có thống nhất cao; những vấn đề cần thiết nhưng chưa chín, chưa rõ, chưa tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao thì tiếp tục chỉ đạo thí điểm, tổng kết và luật hoá sau.

Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới kết luận nội dung phiên họp

Kết luận nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới nêu rõ, các ý kiến đại biểu tham gia thảo luận tại Phiên họp đều nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Phòng thủ dân sự. Hồ sơ dự án luật cơ bản được chuẩn bị đúng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các ý kiến phát biểu tại phiên họp đều tập trung vào phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; công trình phòng thủ dân sự; cơ quan chỉ đạo, quỹ phòng thủ dân sự… Nhiều ý kiến đồng tình cao với báo cáo thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh và cũng có một số ý kiến góp ý trí tuệ, trách nhiệm cao.

Cho rằng ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương rất cụ thể, thiết thực, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh nêu rõ Thường trực Ủy ban sẽ nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc và quán triệt vào báo cáo thẩm tra chung để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4./.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp:

Toàn cảnh phiên họp

Thảo luận tại phiên họp, đa số đại biểu tham dự bày tỏ nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương có liên quan đến phòng thủ dân sự của Đảng; khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chính sách, pháp luật về phòng thủ dân sự

Đồng thời đánh giá cao cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã tiếp thu tối đa ý kiến của các vị đại biểu sau mỗi buổi làm việc. Về cụ thể, một số đại biểu cho rằng cần phân biệt rõ phạm vi điều chỉnh của Luật với các quy định liên quan đang được nhiều luật khác điều chỉnh để tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn, khó áp dụng

Bày tỏ băn khoăn về tính khả thi của Luật, một số ý kiến cho rằng dự thảo Luật có một số nội dung chưa phân định rõ với những quy định có liên quan về phòng thủ dân sự tại các luật chuyên ngành nên khó đánh giá mức độ rủi ro ở từng lĩnh vực cũng như ý nghĩa và mối quan hệ giữa cách đánh giá mức độ nguy hiểm liên quan đến thảm hoạ, sự cố trong các luật khác với các cấp độ phòng thủ dân sự tại dự thảo luật; do đó đề nghị tiếp tục làm rõ thêm các nội dung này

Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương yêu cầu chỉ luật hoá những vấn đề đã chín, đã rõ, được thực tiễn kiểm nghiệm đúng, có thống nhất cao; những vấn đề cần thiết nhưng chưa chín, chưa rõ, chưa tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao thì tiếp tục chỉ đạo thí điểm, tổng kết và luật hoá sau

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương – Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam phát biểu tiếp thu, giải trình ý kiến các đại biểu tại Phiên họp

Kết luận nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới nêu rõ, Thường trực Ủy ban sẽ nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội và quán triệt vào báo cáo thẩm tra chung để trình Quốc hội thời gian tới

Minh Thành - Trọng Quỳnh