ỦY BAN QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH KHẢO SÁT VỀ PHÒNG THỦ DÂN SỰ TẠI TỈNH BẾN TRE

06/07/2022

Ngày 06/7, Đoàn khảo sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh do Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban làm Trưởng đoàn, đã tiến hành khảo sát tại tỉnh Bến Tre để phục vụ công tác thẩm tra dự án Luật Phòng thủ dân sự.


Tham gia Đoàn khảo sát có Trung tướng Đỗ Quang Thành - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, các đồng chí Ủy viên chuyên trách, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh. Về phía Bộ Quốc phòng có sự tham gia của Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ, cứu nạn, Bộ Tổng tham mưu.

Quang cảnh buổi làm việc

Theo Báo cáo của UBND tỉnh, Bến Tre có diện tích tự nhiên 2.315 km2, được tạo thành từ 03 dãi cù lao (Cù lao An Hóa, Cù lao Bảo và Cù lao Minh), bờ biển dài 65 km, nằm trên 03 huyện (Bình Đại, Thạnh Phú, Ba Tri). Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, bất thường nên thường xuất hiện những cơn lốc xoáy lớn ở một số khu vực trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các huyện ven biển gây thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng người, tài sản Nhà nước và Nhân dân.

Triển khai Nghị định số 02/2019/NĐ-CP ngày 02 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về phòng thủ dân sự; Nghị định số 66/2021/NĐ-CP ngày 06 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đồng thời là Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự từ tỉnh đến cấp xã thường xuyên được bổ sung, kiện toàn. Từ năm 2018 đến nay, các sở, ban, ngành và địa phương trong tỉnh đã tổ chức 1.010 lớp tuyên truyền, tập huấn có lồng ghép phổ biến kiến thức về phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, quản lý, khai thác, bảo vệ công trình thuỷ lợi, đê điều,... cho cán bộ các cấp, lực lượng vũ trang và người dân tại các địa phương với khoảng 30.000 lượt người tham dự.

Tuy nhiên, công tác dự báo, thông báo diễn biến tình hình thiên tai có mặt còn thiếu chính xác, một số ít cán bộ và Nhân dân ý thức còn xem nhẹ. Lực lượng tham gia thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn là lực lượng kiêm nhiệm, công tác nắm tình hình và báo cáo tình hình chưa kịp thời. Công tác diễn tập phòng, chống thiên tai kết cấu tình huống và thực hành xử lý tình huống còn mang tính chung chung. Nguồn ngân sách thực hiện và nguồn nhân lực cho phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai, thảm họa, tìm kiếm cứu nạn chưa được quan tâm đầu tư thực hiện đồng bộ.

Tỉnh đề xuất sớm nhận hỗ trợ việc số hóa cơ sở dữ liệu về phòng, chống thiên tai; số hóa bản đồ quản lý rủi ro thiên tai; hỗ trợ đầu tư, nâng cấp hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn đặc biệt là hệ thống quan trắc xâm nhập mặn, triều cường tự động; nước dâng do bão, cảnh báo lốc, sét,… Bên cạnh đó, địa phương kiến nghị có các cuộcdiễn tập điểm về phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn để thống nhất nội dung, phương pháp, biện pháp, làm cơ sở cho địa phương tham quan và tổ chức chỉ đạo thực hiện.

Qua khảo sát tuyến kè bảo vệ bờ biển-địa điểm xung yếu, thường xuyên bị nước biển gây sạt lở tại địa bàn xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, Đoàn khảo sát ghi nhận, nguồn lực cho việc khắc phục sạt lở, ứng phó với sự cố, thiên tai, triển khai các phương án diễn tập còn khó khăn. Các phương án ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai đã được địa phương chuẩn bị sẵn. Đây là khu vực thường xuyên chịu tác động bởi biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, nguồn ngân sách, nhân lực cho ứng phó sự cố lại chưa được quan tâm đầu tư đồng bộ.

Phòng thủ dân sự liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, bao gồm các biện pháp phòng chống chiến tranh; phòng, chống khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh… Làm việc với tỉnh Bến Tre, Đoàn khảo sát cũng đề nghị tỉnh chỉ rõ cơ chế chỉ huy, xây dựng lực lượng; huy động phương tiện, vật tư, hậu cần theo phương châm 4 tại chỗ, đặc biệt là sự phối hợp giữa các lực lượng. Từ thực tế công tác phòng chống thiên tai, đặc biệt là công tác phòng chống dịch Covi-19 vừa qua trên địa bàn tỉnh, đại biểu Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị tỉnh làm rõ cơ chế chỉ huy, chủ trì, phối hợp trong phòng thủ dân sự ở địa phương cũng như những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn.

Đại biểu Trịnh Xuân An phát biểu tại buổi làm việc.

“Nếu theo Nghị định 02/2019 thì cơ quan Quân sự đang chủ trì phòng thủ dân sự. Vậy chúng ta có cơ chế phối hợp như thế nào, hiệu quả có đảm bảo được không, hay là phải tính theo hướng liên quan đến lĩnh vực nào thì cơ quan chuyên môn lĩnh vực đó sẽ tham gia chủ trì?”, đại biểu Trịnh Xuân An phân đặt câu hỏi.

Với địa hình sông nước của Bến Tre, các thành viên Đoàn khảo sát cũng đề nghị tỉnh làm rõ các yếu tố tiềm ẩn, các loại sự cố, rủi ro; đặc thù của việc bố trí, xây dựng các công trình, lực lượng phòng thủ dân sự; việc huy động nhân dân, các tổ chức đoàn thể trong công tác phòng thủ dân sự  nhằm chủ động ứng phó, khắc phục, giảm nhẹ hậu quả khi sự cố xảy ra.

Trả lời một số nội dung Đoàn khảo sát quan tâm, ông Nguyễn Minh Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho rằng, vai trò chỉ huy trưởng trong công tác phòng thủ dân sự phải là UBND tỉnh, cơ quan tham mưu kiêm nhiệm chứ không thể có lực lượng chuyên trách, tuy nhiên phải có một cơ quan tổng hợp chung, rồi từng ngành phụ trách từng lĩnh vực thì tham mưu chính về lĩnh vực đó.

Ông Nguyễn Minh Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre trả lời một số nội dung Đoàn khảo sát quan tâm

“Trong tác chiến thì ngoài chỉ huy trưởng là lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, ở ngành nào thì lãnh đạo, chỉ huy trưởng của ngành đó phải là cơ quan tham mưu chính về vấn đề này”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre phân tích.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Trung tướng Nguyễn Hải Hưng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trưởng đoàn khảo sát cho biết, dự án Luật Phòng thủ dân sự dự kiến sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, vào tháng 10 tới đây. Vì vậy, Ủy ban triển khai cuộc khảo sát này nhằm nắm bắt thực tế việc triển khai công tác phòng thủ dân sự phục vụ công tác thẩm tra dự án Luật. Phạm vi nội dung vấn đề này rất rộng, có liên quan đến nhiều luật hiện nay nhưu Luật Quốc phòng, Luật Phòng chống thiên tai, Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm… và một số Nghị định có liên quan đến phòng thủ dân sự. Đoàn khảo sát ghi nhận, tiếp thu các ý kiến của các lãnh đạo Sở, ngành, địa phương và tỉnh Bến Tre để tiếp tục nghiên cứu trong thời gian tới.

Trung tướng Nguyễn Hải Hưng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trưởng đoàn khảo sát phát biểu kết luận buổi làm việc

Về cơ chế chỉ huy, tham mưu, phối hợp, Trưởng đoàn khảo sát cho rằng: “Nếu giao Quân sự là Phó thường trực tham mưu thì Quân sự cũng chỉ tham mưu được một mảng, chứ không thể tham mưu được các lĩnh vực khác như thiên tai, dịch bệnh, cháy nổ, sập nhà cao tầng. Qua thực tiễn nghe các đồng chí phản ánh, đây sẽ là cơ sở để chúng tôi nghiên cứu”.

Thay mặt Đoàn khảo sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Hải Hưng cũng ghi nhận những ý kiến, đề xuất, kiến nghị của tỉnh trong công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn cũng như những góp ý về việc xây dựng dự thảo Luật Phòng thủ dân sự./. 

Khắc Phục