ĐOÀN GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY GIAI ĐOẠN 2014-2018 LÀM VIỆC VỚI BỘ VH,TT&DL

26/02/2019

Sáng 26/02, tại Hà Nội, Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018 làm việc với Bộ VH,TT&DL. Phó trưởng đoàn thường trực Đoàn Giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban QP&AN Võ Trọng Việt chủ trì buổi làm việc.

Toàn cảnh buổi làm việc

Báo cáo kết quả thực hiện chính sách pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) giai đoạn 2014-2018, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL cho biết, Bộ là cơ quan được Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch trong phạm vi cả nước; quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch theo quy định tại nghị định số 79/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ. Bộ quản lý đa ngành nên có nhiều lĩnh vực liên quan đến công tác phòng chống cháy nổ, cụ thể tính đến hết năm 2018, cả nước có: 162 bảo tàng với hơn 3 triệu hiện vật; hơn 20 nghìn điểm kinh doanh karaoke, 41 điểm kinh doanh vũ trường; khoảng 20 nghìn thư viện công cộng/phòng đọc sách, tủ sách; hơn 28 nghìn cơ sở lưu trú ….đặc biệt trong lĩnh vực quản lý di sản văn hóa, hiện nay cả nước có gần 10 nghìn di tích cấp tỉnh. Nhiều di tích gắn với các lễ hội nên lượng người tham gia tập trung đông, các công trình có kiến trúc được làm bằng gỗ, người tham gia đốt hương, vàng mã nhiều dẫn đến nguy cơ trong việc cháy nổ, chập điện…

Đại diện Bộ cũng nêu rõ, trong giai đoạn từ 2014-2018, tại cơ quan Bộ VH,TT&DL cũng như các đơn vị thuộc Bộ không để xảy ra vụ cháy, nổ dẫn đến thiệt hại về người và tài sản. Tuy nhiên, đối với hệ thống di tích tại các địa phương vẫn còn xảy ra một số vụ cháy như Nhang án chùa Bút tháp; nhà Tổ chùa Tĩnh Lâu, đình làng Quỳnh Đôi…Nguyên nhân của các vụ cháy, nổ nêu trên là do việc quản lý tại một số di tích còn bị buông lỏng, một số nơi chhir chú trngj khai thác di tích mà không chú ý đến phương án bảo vệ. Bộ máy trông coi một số di tích còn mỏng, có nơi giao cho các cụ cao tuổi hoặc trụ trì, thủ từ; việc bài trí trong di tích còn chưa được gọn gàng, đồ đốt vàng mã còn nhiều. Do hạn chế về kinh phí trong việc bảo vệ, tu bổ, tôn tạo nên có di tích chưa được trang bị đầy đủ hệ thống phòng cháy, chữa cháy dẫn đến không đủ phương tiện để kịp thời cứu chữa.

Theo đại diện của Bộ cho biết, giai đoạn vừa qua Bộ đã thực hiện nghiêm túc việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, phổ biến kiến thức về PCCC đến toàn dtheer cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn Ngành. Hình thức tuyên truyền phổ biến được thực hiện một cách đa dạng: treo băng rôn, khẩu hiện, lồng ghép thông qua các hội nghị tập huấn, hội diễn văn nghệ. Thông qua các hình thức tuyên truyền, phổ biến đã giúp cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành nhận thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm đối với công tác PCCC. Bên cạnh đó, Bộ đã đạt được kết quả nhất định trong việc thẩm duyệt, nghiệm thu và thực hiện các tieu chuẩn an toàn PCCC; đảm bảo kinh phí- tài chính, trang thiết bị cơ sở vật chất phương tiện PCCC. Bộ cũng chỉ đạo cơ quan chức năng chủ động phối hợp với chnhs quyền địa phương, các đơn vị gần trụ sở trong việc đảm bảo an toàn PCCC; khi có sự cố cháy, nổ đảm bảo việc huy động lực lượng, phương tiện chữa cháy của các đone vị trong việc chữa cháy chung.

 Đại diện Bộ VH,TT&DL báo cáo một số nội dung tại buổi làm việc

Báo cáo về sự phối hợp giữa Bộ VH,TT&DL với Bộ Công an, đại diện Bộ Công an đánh giá trong giai đoạn vừa qua, giữa hai Bộ đã có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời xử lý những sự cố cháy nổ; tuy nhiên vẫn còn một số sự cố cháy nổ khu di tích xảy ra một các đáng tiếc. Để khắc phục sự cố, hiệu quả hơn nữa công tác phòng chống cháy nổ, Bộ Công an đề nghị Bộ đẩy mạnh xã hội hóa vấn đề phòng cháy chữa cháy, đẩy mạnh việc phối hợp giữa lực lượng phòng cháy chữa cháy của Bộ với lực lượng phòng cháy chữa cháy của Bộ Công an; chú ý công tác quản lý việc kinh doanh các quán karaoke; tăng cường đào tạo lực lượng phòng cháy chữa cháy chuyên nghiệp tại các khu di tích lịch sử; nhà hàng, khu du lịch phải có phương án phòng cháy chữa cháy cụ thể hơn nữa.

Qua thảo luận, các thành viên Đoàn giám sát đánh giá báo cáo của Bộ tương đối bám sát đề cương; bố cục rõ ràng; tuy nhiên cần bổ sung thêm những số liệu cụ thể, diễn giải rõ ràng, chi tiết hơn nữa một số nội dung trong báo cáo, bổ sung thêm một số phụ lục, bảng biểu.

Một số thành viên Đoàn giám sát cũng tán thành với một số hạn chế, bất cập mà bộ đã nêu. Cụ thể cán bộ làm công tác PCCC của các đơn vị còn kiêm nhiệm, trình độ chuyên môn còn hạn chế dẫn đến khi thực hiện công tác PCCC thì còn lúng túng, chưa đảm bảo an toàn; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về PCCC ở một số địa phương, đơn vị còn chưa được tiến hành thường xuyên, thiếu chiều sâu.

Đoàn giám sát cũng đề nghị Bộ nhận thức rõ trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, cở sở tỏng công tác PCCC theo đúng quy định của pháp luật; công tác kiểm tra, thanh tra giám sát cần phải thực hiện nghiêm và coi đây là một trong các yếu tố quyết định việc thực hiện có hiệu quả Luật Phòng cháy chữa cháy; quan tâm, đánh giá cụ thể đến vấn đề phòng cháy chữa cháy tại các di tích lịch sử, di tích quốc gia.

Kết luận buổi làm việc, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt biểu dương tinh thần làm việc nghiêm túc, cầu thị của Bộ VH, TT&DL; đề nghị Bộ tiếp thu ý kiến của các thành viên Đoàn Giám sát, tiếp tục hoàn thiện báo cáo cụ thể hơn, đầy đủ hơn để trên cơ sở kết hợp buổi làm việc và các cuộc giám sát thực tế, Đoàn giám sát sẽ xem xét đánh giá kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC một cách chính xác và toàn diện.

 

Hồ Hương